X-47B sẽ vô hiệu hóa tàu sân bay TQ?

Google News

X-47B sẽ giúp hạm đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ có thể tác chiến ở ngoài tầm với của các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Trung Quốc.

X-47B, máy bay không người lái trinh sát/tấn công đầu tiên trên thế giới được thiết kế để cất và hạ cánh trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Nó được mệnh danh là sát thủ của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, khả năng chiến đấu của X-47B sẽ còn mạnh mẽ hơn sau khi Hải quân Mỹ thông báo sẽ bổ sung thêm hệ thống tiếp nhiên liệu trên không cho X-47B và tới năm 2014, sẽ có ít nhất một trong 2 nguyên mẫu X-47B loại này thử nghiệm.

Theo chuyên gia quân sự David Ace của tạp chí Wired, việc trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không sẽ cho phép X-47B có thể thực hiện chuyến bay trong khoảng cách 3.000 dặm (4.828 km), bằng 10 lần khả năng của một máy bay chiến đấu có người lái truyền thống.

Với tầm hoạt động này, X-47B sẽ giúp các hạm đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ có thể tác chiến ở ngoài tầm với của các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất và từ các tàu ngầm mà được mạnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” của Hải quân Trung Quốc.

X-47B được Northrop Grumman thiết kế có hình dáng khí động học khá giống với loại máy bay ném bom tàng hình chiến lược có người lái B-2 Spirit của Không quân Mỹ nhưng có kích cỡ nhỏ hơn. Do ra đời sau nên nó được thừa hưởng những tinh túy công nghệ tối tân nhất của ngành hàng không Mỹ và trở thành máy bay không người lái tối tân nhất của Quân đội Mỹ hiện nay.


Máy bay không người lái tàng hình X-47B.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi X-47B chính là kẻ đánh bại những đối thủ đáng gờm của nó trong chương trình phát triển trình diễn máy bay trinh sát tấn công không người lái tàng hình (UCAS-D) mà còn có một số kẻ bại trận khác, bao gồm Boeing X-45, Avenger của General Atomics, và Phantom Ray cũng của Boeing.

X-47B được ứng dụng những công nghệ tàng hình tiên tiến nhất cả về công nghệ thiết kế khí động học và vật liệu cùng nhiều công nghệ tàng hình “bí mật” khác. Toàn bộ 2 khoang vũ khí của X-47B đều được thiết kế nằm trong thân để có thể tăng cường tối đa khả năng tàng hình, do đó, nó dễ dàng luồn sâu vào bên trong lãnh thổ của đối phương để thu thập những thông tin tình báo, trinh sát mà không hề bị phát hiện.

Với tải trọng vũ khí mang theo tới 2.000 kg, bao gồm các loại bom và tên lửa hàng không tiên tiến, X-47B có thể tiêu diệt những mục tiêu có giá trị cao của đối phương và trở về tàu sân bay một cách an toàn.

X-47B có chiều dài 11,63 m, sải cánh mở rộng 18,92 m, cao 3,1 m, trọng lượng rỗng 6.350 kg, trọng lượng cất cánh tối đa (gồm cả vũ khí và nhiên liệu) 20.215 kg. Máy bay được trang bị một động cơ phản lực Pratt&Whitney F100-220U, đạt tốc độ hành trình cực đại là Mach 0,45 (khoảng 551 km/h), trần bay 12.190 m.

Đột phá

Ngày 29/11/2012, chiếc X-47B thử nghiệm thành công việc cất cánh bằng máy phóng hơi nước. Đây là một bước đột phá tiến tới việc triển khai loại máy bay không người lái tàng hình vũ trang này trước khi được đưa lên các tàu sân bay.

Tàu sân bay CVN-75 USS Truman của Hải quân Mỹ đã được lắp đặt các thiết bị và cài đặt phần mềm thích ứng cho hoạt động của máy bay X-47B để chuẩn bị cho việc thử nghiệm cất cánh  lần đầu tiên trên tàu sân bay của X-47 trong mùa Đông năm 2012.

Tàu sân bay Truman sẽ trải qua 3 tuần thử nghiệm X-47B, bắt đầu từ ngày 9/12/2012, bao gồm cả thời gian ở cảng Norfolk và di chuyển dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Các kỹ sư và thủy thủ sẽ sử dụng khối hiển thị điều khiển bằng tay (CDU) để điều khiển máy bay di chuyển trên boong tàu sân bay.

Tất cả các công việc chuẩn bị cho X-47B cất cánh trên tàu sân bay gần hoàn thiện, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ và điều còn lại là chờ đợi “bước đột phá” khi X-47B cất cánh thành công trên tàu sân bay trong những ngày tới. 

Hải quân Mỹ đang dần chạm tới cột mốc quan trọng nhất của họ để có thể tiến tới triển khai “sát thủ tên lửa đạn đạo” X-47B trên tàu sân bay của họ. Cán cân cân bằng sức mạnh trên biển giữa Hải quân Mỹ và Quân đội Trung Quốc hứa hẹn sẽ còn nhiều thay đổi thú vị nếu X-47B thực hiện thành công bước đột phá của nó.



Nguyễn Yến (tổng hợp)