Giữa năm 1939, Đức quốc xã đã quyết định phát triển một chiếc xe tăng hạng nhẹ phục vụ cho nhiệm vụ trinh sát cũng như hỗ trợ tác chiến cho lính dù. Các nhà thiết kế đã phát triển một ý tưởng khá táo bạo là thiết kế xe tăng hạng nhẹ mới với khả năng vận chuyển ra chiến trường bằng máy bay vận tải. Một ý tưởng chưa từng có trước đó.
Nếu ý tưởng thiết kế thành công sẽ cho phép quân đội Đức quốc xã triển khai năng lực tấn công đổ bộ đường không bằng xe tăng hạng nhẹ ra chiến trường một cách nhanh chóng. Để đảm bảo tính thành công của dự án, 2 công ty chế tạo vũ khí hàng đầu của Đức quốc xã là Daimler-Benz và Krauss-Maffei đã được huy động tham gia vào dự án.
|
Xe thiết giáp đổ bộ đường không VK601.
|
Daimler-Benz đảm nhận việc thiết kế thân xe và tháp pháo, còn Krauss-Maffei phát triển bộ khung và hệ thống động lực. Vào giữa năm 1942, mẫu xe tăng hạng nhẹ VK601 (Pz Kpfw I Ausf C) mới đã được phát triển thành công. Mặc dù lúc đó Đức gọi đây là xe tăng hạng nhẹ nhưng đây là tiền đề cho sự phát triển của các loại xe thiết giáp đổ bộ đường không về sau.
VK601 có chiều dài 4,1m, rộng 1,92m, cao 1,94m, khối lượng chiến đấu 8 tấn, ê kíp chiến đấu 2 người. Xe được trang bị súng trường chống tăng bán tự động EW-141 7,92mm. Đây là loại súng trường chống tăng có “1-0-2” tại thời đó. Súng có chiều dài nòng khoảng 1.085mm, súng bắn đạn xuyên giáp lõi vonfram với sơ tốc đầu nòng lên đến 1.170 m/s. Cơ số đạn xuyên giáp mang theo là 94 viên.
Xe còn được trang bị súng máy MG-34 7,92mm để tiêu diệt bộ binh, cơ số đạn mang theo 2.100 viên. Hai khẩu súng này được thiết kế đặt song song nhau trên tháp pháo. Tháp pháo của xe tăng hạng nhẹ VK601 được trang bị tới 8 kính tiềm vọng giúp quan sát xung quanh tốt hơn. Ngoài ra, pháo thủ còn được trang bị kính ngắm TZF-10 sử dụng cho việc khai hỏa tiêu diệt mục tiêu.
VK601 còn được trang bị hệ thống liên lạc vô tuyến mới cho phép thực hiện các hoạt động trao đổi thông tin giữa các xe trong phạm vi 3km.
|
VK601 trang bị súng chống tăng và súng máy, khá trùng hợp khi xe thiết giáp đổ bộ đường không hiện đại cũng trang bị vũ khí như vậy với hỏa lực diệt tăng (tất nhiên là mạnh hơn).
|
Phía trước xe được bọc giáp dày 30mm, 2 bên tháp pháo dày 20mm, phía trước tháp pháo dày 30mm, phía sau và dưới dáy xe bọc giáp dày 10mm. VK601 được trang bị động cơ diesel HL45P công suất 150 mã lực. Hệ thống động lực này có thể giúp xe đạt tốc độ tối đa tới 80km/h. Phạm vi hoạt động với nhiên liệu nội bộ là 300km.
VK601 tham chiến lần đầu vào năm 1943 tại chiến trường Nga. Sự ra đời của VK601 đã tạo ra một bước ngoặt mới trong việc phát triển các phương tiện trinh sát bọc thép về sau. Rõ ràng vai trò của một chiếc xe trinh sát bọc thép là rất quan trọng đối với lực lượng mặt đất. VK601 cũng là người khai sáng dòng xe thiết giáp đổ bộ đường không về sau.
|
Tuy nhiên, trên chiến trường VK601 lại dùng sai cách.
|
Mặc dù sự ra đời của VK601 đã mang lại cho quân đội Đức quốc xã khả năng đổ bộ đường không hạng nặng nhưng họ đã sử dụng VK601 vào một chiến thuật không hợp lý nên xe tăng hạng nhẹ này đã không phát huy được vai trò của nó.
Ý tưởng của người Đức sau này đã được các cường quốc trên thế giới thừa hưởng và hoàn thiện nó, điển hình là dòng xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-1/2/3/4 do Liên Xô (Nga) sau này phát triển.
Bình Đức