Mới đây, Tập đoàn Almaz-Antei đã chính thức trình làng mẫu thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không Vityaz dùng để thay thế hệ thống S-300 trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới nhà máy ở St. Petersburg.
Dự kiến, hệ thống phòng không Vityaz sẽ được bàn giao cho Quân đội Nga để thử nghiệm vào cuối năm 2013. Và quân đội Nga sẽ mua khoảng 30 hệ thống Vityaz để thay thế dần cho S-300PS đến năm 2020. Ngoài ra, Vityaz cũng được dự định xuất khẩu cho các khách hàng nước ngoài để bổ sung và thay thế cho các hệ thống S-300.
Vityaz là hệ thống phòng không di động đa năng do Tập đoàn Almaz-Antei thiết kế. Công tác phát triển Vityaz được thực hiện vào những năm 1990, mẫu thử nghiệm được hoàn thành vào năm 1998. Một chi tiết khá thú vị, mặc dù là quốc gia có công nghệ tên lửa phòng không hàng đầu thế giới nhưng sự phát triển của Vityaz lại xuất phát từ ý tưởng của Hàn Quốc.
Cụ thể trong quá trình phát triển radar cho hệ thống phòng không tầm trung KM-SAM Chun-Koong của Hàn Quốc cũng như trợ giúp cho sự phát triển của hệ thống này Almaz đã phát triển Vityaz trên cơ sở ý tưởng của Hàn Quốc. Mô hình bố trí xe phóng của Vityaz rất giống với KM-SAM và nó cũng mang dáng dấp của hệ thống SAM-PT của châu Âu.
|
Xe phóng và radar của hệ thống phòng không Vityaz. |
Vityaz là hệ thống phòng không di động đa năng được thiết kế để tiêu diệt tất cả các mục tiêu đường không từ máy bay cánh cố định, trực thăng, UAV, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí không đối đất có hoặc không có điều khiển.
Hệ thống được tích hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến nhất của Nga hiện nay và cả tương lai gần trong việc tiêu diệt bất kỳ mục tiêu đường không nào.
Hệ thống này được dự định sẽ thay thế cho hệ thống phòng không S-300PS để kết hợp cùng với S-400 tạo nên chiếc ô bảo vệ nước Nga.
Khẩu đội Vityaz tiêu chuẩn bao gồm: một xe radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực; một xe kiểm soát bắn và 3 xe phóng cùng một xe tiếp đạn và xe sửa chữa.
Điểm độc đáo của Vityaz so với S-300 là xe phóng tên lửa được thiết kế dạng module cho phép hệ thống sử dụng nhiều loại đạn tên lửa khác nhau trên cùng một xe phóng. Mỗi xe phóng được lắp 3 lớp ống phóng với 4 tên lửa (tổng cộng 12 đạn/xe) sẵn sàng phóng trong ống phóng kiêm container bảo quản. Tất cả các phương tiện đều được đặt trên khung gầm xe bánh lốp KAMAZ 8x8 mang lại khả năng cơ động rất cao.
|
Bệ phóng di động của hệ thống Vityaz. |
Ở trạng thái hành quân, giá phóng được xếp nằm ngang như S-300. Và khi vào vị trí chiến đấu, giá phóng sẽ được nâng lên vị trí thẳng đứng bằng hệ thống thủy lực. Giá phóng có thể mang theo số lượng tên lửa như sau: 12 đạn tên lửa 9M96E; 32 đạn tên lửa 9M100 hoặc 5 tên lửa 9M96E kết hợp 10 tên lửa 9M100.
Đạn tên lửa 9M96E sử dụng hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động có tầm bắn tối đa 120km, tầm cao 35km, tên lửa có tốc độ lên đến 5.000 m/s. Loại đạn tên lửa này đang được sử dụng cho hệ thống S-400 Triumf.
Trong khi đó, đạn tên lửa 9M100 sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng hồng ngoại với tầm bắn 15km. Tên lửa được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu có diện tích phản hồi radar nhỏ như UAV, trực thăng, tên lửa hành trình, bom thông minh, tên lửa siêu âm.. Đạn tên lửa hoạt động theo nguyên lý “bắn-quên” nên hệ thống có thể tấn công đồng thời nhiều mục tiêu cùng lúc.
Về hệ thống điều khiển hỏa lực, Vitayz sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực mạng pha sử dụng công nghệ MFMTR. Tên gọi của loại radar này vẫn chưa được tiết lộ và nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Theo một số nguồn tin, radar này hoạt động ở băng tần X có khả năng theo dõi 40 mục tiêu cùng lúc, tấn công 8 mục tiêu cùng lúc với 2 tên lửa/mục tiêu nên có xác suất tiêu diệt rất cao.
Radar có khả năng hoạt động trên 3 dải tần số khác nhau nên có độ kháng nhiễu rất cao, khả năng nhảy tần số sẽ cho phép hệ thống vượt qua sự truy đuổi của tên lửa chống bức xạ. Bộ vi xử lý kỹ thuật số với tỷ lệ nén xung cao cho phép phát hiện các mục tiêu có diện tích phản hồi radar nhỏ với độ phân giải cao.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Bình Đức