Phần lớn trang bị khí tài của quân đội nhân dân Việt Nam là các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Các khí tài này đã trải qua thời gian sử dụng khá dài nên xuống cấp, lạc hậu, hiệu năng sử dụng không cao.
Đặc biệt là các loại pháo phòng không tầm thấp trong đó có ZU-23-2. Loại pháo này do Liên Xô chế tạo và đưa vào sử dụng từ năm 1960 đến nay. Pháo phòng không ZU-23-2 thiết kế với 2 nòng pháo dùng cỡ đạn 23x152 mm. Ê kíp vận hành pháo gồm 2 người, pháo thủ và chỉ huy, ngoài ra cần một số người phục vụ tiếp đạn và các công tác khác.
Pháo thủ và chỉ huy tiêu diệt mục tiêu chủ yếu dựa vào quan sát và tính toán góc bắn bằng mắt nên hiệu suất tác chiến không cao, khó tác chiến vào đêm. Ê kíp vận hành nhiều người nên khó triển khai ở các khu vực biển đảo.
|
Pháo phòng không ZU-23-2 với hệ thống cảm biến xác định mục tiêu và tính toán phần tử bắn tự động. |
Chính vì vậy, gần đây, Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự, thuộc Viện KH-CN Quân sự, Bộ Quốc phòng đã tiến hành đề tài cải tiến pháo phòng không ZSU-23-2.
Theo đó, pháo được lắp trên khung gầm xe tải để tăng khả năng cơ động. Cải tiến quan trọng nhất là các kỹ sư đã trang bị cho pháo hệ thống ngắm mục tiêu và tính toán phần tử bắn tự động. Hệ thống gồm một máy đo xa laser, kính ngắm quang-điện tử có khả năng hoạt động ngày/đêm. Lắp bộ phận nạp đạn tự động giúp nâng cao tốc độ bắn.
Bộ phận điều khiển hỏa lực sẽ tự động điều chỉnh góc nâng của pháo theo tham số mục tiêu từ hệ thống cảm biến. Khối điều khiển hoạt động bằng điện với khả năng quay 360 độ cho phép quan sát tốt hơn. Hệ thống cảm biến, điều khiển hỏa lực và pháo kết nối với nhau tạo thành một khối thống nhất giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Các thông tin về mục tiêu được hiển thị lên màn hình để pháo thủ quan sát và điều khiển pháo sao cho đường ngắm nằm ở trung tâm mục tiêu trong chế độ bám sát cũng như thực hành bắn. Việc điều khiển pháo và hệ thống cảm biến khá dễ dàng bằng cần kiển khiển cầm tay.
|
Cận cảnh bộ cảm biến hiện đại lắp trên tháp pháo. |
Trung tá Trần Ngọc Bình, phó Viện trưởng Viện Tự động hóa KTQS cho biết, trước đây khi chưa cải tiến, pháo ZU-23-2 được vận hành bằng tay hoàn toàn nên cần rất nhiều người, do đó rất không phù hợp để triển khai ở các khu vực biển đảo. Chúng tôi đã thay thế người chỉ huy bắn và toàn bộ ê kíp bằng một pháo thủy duy nhất.
Việc tự động hóa toàn bộ quá trình xác định mục tiêu, tính toán phần tử bắn và điều khiển hỏa lực của pháo ZU-23-2 vừa tinh gọn biên chế trong khi lại nâng cao hiệu suất tác chiến. Tầm bắn sau cải tiến vẫn duy trì như trước.
Thượng úy Cao Tiến Lê, Phòng tự động hóa chuyển động cho biết, chúng tôi đã thay thế cơ cấu điều chỉnh cự ly mục tiêu bằng tay trước đây bằng hệ thống đo xa laser và ảnh hồng ngoại. Với cơ cấu cũ, pháo thủ mất khá nhiều thời gian để xác định cự ly, nhưng tọa độ mục tiêu chỉ ở mức tương đối không được chính xác như hệ thống mới.
Việc cải tiến thành công pháo phòng không ZU-23-2 đã góp phần nâng cao sức mạnh tác chiến cho bộ đội phòng không, qua đó chứng minh năng lực của công nghiệp quốc phòng trong nước trong việc từng bước làm chủ các công nghệ để hiện đại hóa và sản xuất vũ khí cho quân đội.
Quốc Minh