Tờ Armyrecognition đưa tin, tại triển lãm quốc phòng Partner 2015, công ty Litaktak của Serbia đã giới thiệu chương trình nâng cấp tên lửa phòng không SA-6 - định danh của NATO đối với tổ hợp tên lửa 2K12 Kub được chế tạo dưới thời Liên Xô. Gói nâng cấp được gọi là Kvadrat-ML hoặc là 2K12-ML.
Biến thể nâng cấp 2K12-ML được Litaktak cải thiện đáng kể hiệu suất lẫn tầm bắn hiệu quả nhờ được trang bị các hệ thống điện tử mới.
|
Biến thể tên lửa phòng không tầm trung 2K12-ML tại triển lãm quốc phòng Partner 2015.
|
Một trong những điểm nổi bật của gói nâng cấp tên lửa phòng không 2K12-ML là khả năng phát hiện và tiêu diệt cả các mục tiêu bay sử dụng công nghệ tàng hình, có thể hoạt động được trước cả các biện pháp áp chế điện tử của đối phương với thời gian hoạt động liên tục lên tới 48 giờ.
Đặc biệt, 2K12-ML được thiết kế theo dạng modul giúp thuận tiện hơn trong việc bảo dưỡng cũng như dễ dàng thay thế khi hư hỏng.
Tổ hợp tên lửa phòng không 2K12-ML còn được tích hợp sẵn các chương trình huấn luyện mô phỏng chiến đấu trong thực tế bao gồm cả các biện pháp áp chế điện tử do đối phương sử dụng.
Hệ thống mới có khả năng phát hiện mục tiêu máy bay ở độ cao tối đa 7km với tầm 100km; mục tiêu tên lửa hành trình độ cao 3-7km với cự ly 25km. Đạn của tổ hợp 2K12-ML có thể phá hủy mục tiêu ở tầm bắn ngắn 3,4km tới xa nhất 25km ở độ cao 250m tới 14km.
|
Tên lửa phòng không SA-6. |
Tổ hợp tên lửa phòng không SA-6 là một trong những vũ khí phòng không tầm trung hiệu quả nhất, thành công nhất được phát triển dưới thời Liên Xô. Trong cuộc chiến tranh Yom Kippur 1973, SA-6 đã được Quân đội Ai Cập sử dụng để bắn hạ hàng chục máy bay của Không quân Israel (95 quả đạn đổi lấy 65 chiếc phi cơ).
Tất nhiên, dù đạt được nhiều thành công trong quá khứ, những rõ ràng tới thời điểm hiện tại thì SA-6 đã khá lạc hậu trước biện pháp đối phó điện tử của đối phương. Chính vì vậy, việc nâng cấp tên lửa SA-6 đã được thực hiện ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng là một trong những nước được ghi nhận là có sở hữu SA-6.
Cụ thể, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), trong giai đoạn 1979-1980, Việt Nam nhận được 10 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung SA-6 cùng 600 quả đạn tên lửa 3M9.
Cho nên, gói nâng cấp 2K12-ML của Serbia có thể là phương án tham khảo để kéo dài tuổi thọ SA-6 cũng như nâng cao sức chiến đấu của hệ thống này như những gì mà Việt Nam đang làm với tên lửa S-125 Pechora (hay gọi là SA-3).
Tuấn Đặng