Việt Nam có nên mua hệ thống Pantsir cho tàu chiến?

Google News

(Kiến Thức) - Hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-M vượt trội hệ thống Palma (Việt Nam đang sử dụng) ở tên lửa và khả năng tấn công nhiều mục tiêu.

Theo các phương tiện truyền thông Nga, hải quân nước này sẽ sớm được trang bị tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir biến thể hải quân vào năm 2016. Thiết kế này được đánh giá là có trọng lượng, kích thước nhỏ hơn nhưng hiệu quả hơn so với người tiền nhiệm của nó là tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Kortik - hệ thống phòng không tiêu chuẩn trang bị trên các tàu chiến Nga hiện nay.
Quá trình thử nghiệm của tổ hợp đánh chặn Pantsir AAMG biến thể hải quân, về mặt cơ bản đã hoàn thành và chúng sẽ có mặt trên chiến hạm của Nga sau 2 năm nữa. Khi được đưa vào trang bị, Pantsir AAMG sẽ thay thế cho tổ hợp phòng không Kortik đã lỗi thời (phiên bản xuất khẩu có tên là Kashtan) của Hải quân Nga.
 Mô hình của tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-M tại một triển lãm quốc phòng ở Nga.
Thông tin về hợp đồng mua sắm các tổ hợp phòng không Pantsir AAMG của Bộ quốc phòng Nga với tổng công ty công nghệ quốc phòng nhà nước Rostec của Nga, đã được đăng tải trên website chính thức của công ty này.
Sát thủ của tên lửa hành trình
Cục thiết kế KBP chính là nơi phát triển Pantsir AAMG trong một thời gian dài, sau thành công của tổ hợp tên lửa – pháo phòng không Pantsir-S biến thể mặt đất.
Tổ hợp phòng không Pantsir được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái, máy bay, trực thăng trong vòng bán kính 20 km và ở độ cao 15 km. Vận tốc di chuyển của một tên lửa phòng không Pantsir là khoảng 1.300m/s. Các biến thể hải quân của Pantsir xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2011 với tên gọi là Pantsir-ME.
Theo Aminov một chuyên gia phòng không độc lập cho biết, tổ hợp phòng không Pantsir M có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội hơn người tiền nhiệm của nó là Kortik. Lợi thế của việc trang bị các tổ hợp phòng không kết hợp, giữa tên lửa và pháo phòng không cao tốc là chúng có phạm vi đánh chặn hiệu quả cho cả tầm trung lẫn tầm gần và tầm cực gần.
Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Kortik đang được trang bị cho lực lượng tàu chiến của Hải quân Nga.
Mạnh mẽ nhưng không đơn độc
Pantsir-M không phải là tổ hợp tên lửa – pháo phòng không duy nhất của Hải quân Nga hiện nay. Bên cạnh nó, còn có tổ hợp tên lửa pháo phòng không Palash (phiên bản xuất khẩu định là Palma, đã được bán cho Hải quân Việt Nam trang bị trên các tàu hộ vệ Gepard 3.9) và nó cũng sẽ sớm được đưa vào trang bị đại trà cho kho vũ khí trên hạm của Hải quân Nga trong tương lai gần. Tổ hợp phòng không Palash đã được trang bị trên các khu trục thuộc Project 22350 và một số tàu khác thuộc Hải quân Nga.
Tuy nhiên, tổ hợp phòng không Pantsir-M lại vượt trội hơn so với Palash, nhất là về tên lửa phòng không. Các tên lửa phòng không của Pantsir-M có tầm bắn lên đến 20km, trong khi đó của Palash chỉ từ 6-8km. Mặt khác, cả hai tổ hợp phòng không này đều sử dụng chung một kiểu pháo cao tốc 30mm.
Hạn chế chính của các tổ hợp phòng không trên hạm của Hải quân Nga trước đây là thiếu khả năng theo dõi cũng như tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, và Pantsir-M biến thể hải quân đã giải quyết được hoàn toàn vấn đề trên. Nó giúp cải thiện đáng kể khả năng tác chiến phòng không trên hạm của Hải quân Nga.
Trong ảnh là tổ hợp phòng không Palash (hay còn được gọi là Palma) đã được tháo bỏ các tên lửa phòng không Sosna-R.
Không dành cho xuất khẩu?
Trên website của mình, Rostec cho biết, một số tàu khu trục và tàu chiến khác của Hải quân Nga sẽ được hiện đại hóa để phù hợp với tổ hợp phòng không Pantsir mới. Quá trình đã đang trong giai đoạn thực hiện.
Tổ hợp phòng không Pantsir-M được thiết kế để lắp đặt trên các tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu hộ vệ tên lửa của Nga, thay vì trang bị tổ hợp phòng không đã lỗi thời Kortik như trước đây. Mặc dù chưa có hình ảnh chính thức về việc trang Pantsir trên các tàu chiến của Nga, nhưng cơ bản thì chắc chắn chúng sẽ được trang bị trên các tàu chiến mới mà Hải quân Nga sẽ được chuyển giao trong tương lai.
Tuy hợp đồng trang bị Pantsir-M đã được ký kết giữa Bộ quốc phòng Nga và Rostec nhưng triển vọng xuất khẩu của tổ hợp phòng không này không khả quan cho lắm. Ngay cả một đại diện của công ty xuất nhập khẩu vũ khí Rosoboronexport cho biết rằng, các biến thể Pantsir hải quân chỉ mới được thử nghiệm tại một số đơn vị và Nga chưa có bất kỳ ý định sẽ xuất khẩu tổ hợp phòng không này trong thời gian sắp tới.
Mặc dù vậy, thường thì trong giai đoạn đầu, các nhà máy Nga sẽ phải đảm bảo việc cung cấp đầy đủ vũ khí cho nhu cầu trong nước. Sau đó, mới bắt đầu thực hiện hợp đồng xuất khẩu, điển hình là trường hợp các tên lửa S-400 hay chiến đấu cơ Su-35. Vì vậy, khả năng xuất khẩu các tổ hợp Pantsir sẽ khá cao và điều đó đem lại thêm lựa chọn trang bị hỏa lực phòng không trên chiến hạm của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Trà Khánh