Nếu có một câu hỏi được đặt ra là tiêm kích nào tốt nhất thế giới hiện này thì không khó để nhận được câu trả lời đó là F-22 Raptor của Mỹ. Đây cũng là chiếc tiêm kích thế hệ 5 duy nhất đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. PAK FA T-50 của Nga được xem là đối thủ của F-22 song tiêm kích thế hệ 5 này của Nga vẫn đang trong quá trình phát triển, mọi thứ với nó vẫn còn ở phía trước.
Chương trình F-22 được khởi xướng vào giữa những năm 1980 nhằm đối phó với sự ra đời của các tiêm kích thế hệ 4 của Liên Xô là Su-27 và MiG-29. Yêu cầu đặt ra là tiêm kích mới của Mỹ phải dành được ưu thế tuyệt đối trước các tiêm kích của Liên Xô trong một cuộc không chiến nếu có.
Có hai mẫu thử nghiệm tham gia cạnh tranh trong chương trình là YF-22 của Lockheed Martin và YF-23 của Northrop Grumman. Sau quá trình đánh giá ban đầu, YF-22 đã được lựa chọn, mẫu sản xuất hàng loạt từ nguyên mẫu YF-22 đã được sửa đổi thành F-22 với biệt danh Raptor (Chim ăn thịt).
|
F-22 Raptor là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 số 1 thế giới hiện nay.
|
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này, các nhà thiết kế đã áp dụng cho F-22 những công nghệ tiên tiến nhất về vật liệu chế tạo và công nghệ điện tử hàng không. Cảm biến chính của F-22 là radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA AN/APG-77. Radar này có phạm vi tìm kiếm mục tiêu với diện tích phản hồi radar 1m2 từ khoảng cách 240km.
Bộ vi xử lý của nó có thể thay đổi tần số một cách liên tục để tránh bị phát hiện. Có thể nói rằng, AN/APG-77 là radar trên tiêm kích tốt nhất thế giới hiện nay. Bên cạnh radar tối tân, F-22 còn được trang bị thêm cảm biến cảnh báo radar AN/ALR-94, hệ thống gây nhiễu hồng ngoại AN/AAR-56.
Về vũ khí, F-22 có 1 khoang lớn dưới bụng có thể mang theo 6 tên lửa không đối không tầm trung, 2 khoang nhỏ hai bên hông có thể mang theo 1 tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. F-22 còn có một pháo M61A2 20 mm bố trí bên gốc cánh phải bên trong một cửa sập để đảm bảo khả năng tàng hình.
Bên cạnh các vũ khí không đối không, F-22 còn có thể mang theo bom thông minh JDAM, bom hàng không đường kính nhỏ GBU-39. Tải trọng vũ khí không đối đất có thể mang theo giới hạn trong khoảng 910 kg.
F-22 được chấp nhận vào biên chế Không quân Mỹ từ năm 2004, tổng cộng có 187 chiếc đã được chế tạo đưa Mỹ trở thành quốc gia có phi đội tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đông đảo nhất thế giới. Tuy nhiên, có một câu hỏi luôn được dư luận quan tâm là tại sao tiêm kích đắt giá nhất hành tình này chưa một lần được xung trận.
Mãi đến ngày 23/9/2014, 10 năm sau khi đưa vào hoạt động F-22 mới được xung trận lần đầu trong chiến dịch không kích các căn cứ của Nhà nước Hồi giáo cực đoan ISIL. Vậy đâu là nguyên nhân?
F-22 không phải là một tiêm kích đa nhiệm
|
Mục đích thiết kế của F-22 là chiếm ưu thế trên không nên khả năng tấn công mặt đất của tiêm kích này chỉ là thứ yếu.
|
Chương trình F-22 được tạo ra để đối phó với các mối đe dọa từ các tiêm kích thế hệ 4 như Su-27, MiG-29 của Liên Xô. Từ quan điểm đó, các nhà thiết kế đã chăm chút cho F-22 một cách kỹ lưỡng nhất để đảm bảo nó sẽ giành được chiến tranh trong một cuộc không chiến nếu có.
Phần lớn hệ thống điện tử, vũ khí trên F-22 đều tập trung cho nhiệm vụ không đối không. Mặc dù radar AN/APG-77 là radar trên tiêm kích tốt nhất thế giới nhưng nó lại không có khả năng mở khẩu độ tổng hợp để lập bản đồ mặt đất.
Về mặt lý thuyết, F-22 có thể mang theo bom thông minh JDAM nhưng lại không thể chỉ định mục tiêu trên mặt đất cho vũ khí dẫn đường laser. Đến năm 2005 trong chương trình nâng cấp đầu tiên, F-22 mới có khả năng sử dụng bom thông minh JDAM.
Đến năm 2009, trong chương trình nâng cấp Increment 3.1, radar AN/APG-77 đã được cải thiện tính năng để mở khẩu độ tổng hợp lập bản đồ mặt đất, cải thiện hệ thống dẫn hướng radio, bổ sung sử dụng bom hàng không đường kính nhỏ GBU-39.
F-22 không có đất dụng võ
|
Các chương trình nâng cấp với bom hàng không đường kính nhỏ đã cải thiện được khả năng tấn công mặt đất cho F-22.
|
Mặc dù các chương trình nâng cấp đã cải thiện đáng kể khả năng tấn công mặt đất của F-22 nhưng nếu so với các tiêm kích đa nhiệm của Mỹ như F-16, F-15 và tiêm kích trên hạm F/A-18 thì vẫn còn kém xa. Nhìn lại các cuộc chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu thời gian qua cho thấy nhiệm vụ tấn công mặt đất được đặt lên hàng đầu.
Từ Kosovo, Afghanistan, đến Iraq, Libya đều tập trung vào nhiệm vụ áp chế phòng không đối phương SEAD. Trong chiến dịch không kích Libya năm 2011, nhiều người đã từng kỳ vọng F-22 sẽ được xuất kích để ngăn chặn phi đội tiêm kích của quân đội ông Gaddafi.
Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch Bình minh Odyssey, F-22 đã không một lần được xuất trận. Sở dĩ, Lầu Năm Góc rút F-22 khỏi nhiệm vụ ở Libya là vì vai trò của tiêm kích này trong nhiệm vụ ở Libya không thực sự rõ ràng. Mặt khác, năng lực phòng không của Libya ở thời điểm đó vẫn là một ẩn số. Trong khi đó F-22 không có khả năng trang bị tên lửa không đối đất tầm xa nên sẽ là mạo hiểm để F-22 tham chiến ở Libya.
Đối với chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS, F-22 được điều động vì hai lý do. Nhà nước Hồi giáo cực đoan không có hệ thống phòng không đủ mạnh để có thể uy hiếp được F-22. Sau các chương trình nâng cấp với bom hàng không đường kính nhỏ thì đây là cơ hội không thể tốt hơn để thử nghiệm trong thực chiến.
Quốc Minh