Sắp đi vào giai đoạn “chung kết”?
Ông X.Ri-áp-cốp cho biết, các khía cạnh kỹ thuật để chuyển giao S-300 cho I-ran đang được hoàn tất. Nga đã tiến hành nâng cấp hệ thống tên lửa S-300 theo yêu cầu của I-ran. Tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã khẳng định điều mà các giới chức Mỹ vẫn lo ngại là cho dù Quốc hội Mỹ không thông qua thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa I-ran và nhóm P5+1 và không cho phép Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận I-ran, Nga vẫn sẽ thúc đẩy thương vụ S-300 cũng như khôi phục quan hệ thương mại ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả buôn bán vũ khí với Nhà nước Hồi giáo. Ông X.Ri-áp-cốp còn cho biết, Nga đang nỗ lực hành động để các lệnh cấm vận chống Tê-hê-ran được dỡ bỏ trong thời gian sớm nhất có thể. Nga luôn nêu rõ ưu tiên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí chống I-ran sau thỏa thuận hạt nhân.
|
Một phần trong hệ thống tên lửa S-300 của Nga. Ảnh: AFP |
Trước đó, nguồn tin thuộc Bộ Quốc phòng I-ran cho biết, với tiến độ đàm phán đang được thúc đẩy như hiện nay giữa I-ran và Nga, Nga có thể bàn giao S-300 cho I-ran vào cuối năm nay. Nguồn tin này cũng khẳng định thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 cho phép Tê-hê-ran tiếp nhận hệ thống tên lửa S-300. Nhưng trên thực tế, thỏa thuận hạt nhân này không có điều khoản nào quy định bãi bỏ ngay tức thì các biện pháp cấm vận vũ khí chống I-ran. Theo nội dung thỏa thuận, I-ran vẫn bị cấm vận vũ khí đến hết năm 2020. Trong số hàng loạt biện pháp cấm vận vũ khí mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề ra, nghiêm khắc hơn cả là cấm xuất khẩu tới Tê-hê-ran các máy bay chiến đấu, xe tăng và các loại xe quân sự bọc thép, pháo cỡ nòng lớn, trực thăng tấn công và tên lửa cùng hệ thống vũ khí tên lửa.
Nga và I-ran đã không phải dễ dàng gì để đi đến được giai đoạn sắp “chung kết” trong thương vụ S-300 như hiện nay. Năm 2007, Nga và I-ran đã ký hợp đồng trị giá 800 triệu USD cung cấp một số thiết bị liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Nhưng đến đầu năm 2010, Mát-xcơ-va đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu cùng một số biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với I-ran, vì nước này tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Động thái bất ngờ này của Nga khi đó được cho là do sức ép của Oa-sinh-tơn bởi Mỹ và các đồng minh ở khu vực (bao gồm I-xra-en, A-rập Xê-út cũng là những bạn hàng vũ khí lớn của Mỹ), luôn lo ngại việc I-ran sở hữu các tên lửa như vậy sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, đe dọa an ninh quốc gia của các nước láng giềng.
Đáp lại, I-ran đã đâm đơn kiện tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Rosoboronexport của Nga lên Tòa án Hòa giải và Trọng tài của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu tại Giơ-ne-vơ. Sau đó, Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm vận và khôi phục các cuộc đàm phán với Tê-hê-ran về thương vụ S-300 sau khi cuộc đàm phán hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận khung. Một nguồn tin cho biết, Nga đã yêu cầu phía I-ran rút lại đơn kiện và đề xuất hai bên sẽ ký kết một thỏa thuận mới thay thế. Phía I-ran cũng cho biết hai bên đang tiếp tục đàm phán về việc rút lại đơn kiện của I-ran.
“Ăn miếng trả miếng”...
Không khó hiểu vì sao Nga lại là quốc gia “nôn nóng” nhất đề nghị dỡ bỏ ngay lập tức cấm vận vũ khí đối với I-ran, cho dù theo giới phân tích, điều này rất khó trở thành hiện thực. Ngoài thương vụ S-300, Nga còn được cho là cùng với Trung Quốc đã sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu cho I-ran, hứa hẹn đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Nếu lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, theo ước tính, Mát-xcơ-va có thể kiếm được 13 tỷ USD từ việc buôn bán vũ khí cho I-ran, theo trang mạng Sputnik.
Sputnik dẫn lời Giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FSR) của Pháp, ông Ca-min-lê Gran (Camille Grand) cho rằng, việc Nga theo đuổi thương vụ S-300 cho thấy nước này đang muốn mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế lên I-ran được cho là sẽ mang lại cho Nga nhiều cơ hội và lợi ích kinh tế. Tổng thống Nga V.Pu-tin và nhiều nhà lãnh đạo của Nga cho rằng việc bán S-300 cho I-ran sẽ góp phần tích cực vào ổn định ở khu vực Trung Đông, đồng thời mang lại nguồn ngoại tệ dồi dào cho Nga.
Mặt khác, thương vụ S-300 cũng giúp “trục tam giác” gồm Mát-xcơ-va, Tê-hê-ran và Đa-mát gửi một thông điệp cứng rắn đến Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh, nơi cán cân lực lượng đang có chiều hướng thay đổi. Cần phải biết rằng, Mát-xcơ-va và Đa-mát (Xy-ri) cũng đã từng bàn tính tới một thỏa thuận S-300 tương tự nhưng các điều kiện và hoàn cảnh chưa cho phép Nga thúc đẩy thương vụ này với Xy-ri như với I-ran.
Giới phân tích còn cho rằng, bằng việc xúc tiến thương vụ S-300 với I-ran, Nga muốn làm phép thử phản ứng của Oa-sinh-tơn, vốn từ lâu đã muốn triển khai hệ thống phòng thủ lên lửa tại châu Âu với lý do nhằm chống lại mối đe dọa từ I-ran. Đây cũng được cho là đòn đáp trả mạnh mẽ của Nga đối với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu mà Nga luôn tin rằng nó sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Mới đây có thông tin cho biết Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan vào năm 2016 như kế hoạch và sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm.
Việc Nga thúc đẩy thương vụ S-300 với I-ran vào thời điểm hiện nay, khi quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây do cuộc xung đột ở U-crai-na, cũng là “cú ăn miếng trả miếng” có sức nặng đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga.
Theo Quân Đội Nhân Dân