Tạp chí Khán Hòa (tạp chí quân sự - quốc phòng châu Á rất uy tín) số ra tháng 7 cho hay, tính đến tháng 11/2014 Hải quân Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng cơ bản căn cứ tàu sân bay thứ 2 tại đảo Hải Nam. Căn cứ này có cầu tàu có thể neo đậu hai hướng, điều này cho thấy căn cứ tàu sân bay thứ 2 chứa được hai tàu sân bay.
Căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới
Các chuyên gia Khán Hòa cho rằng, căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam thuộc hàng khủng nhất thế giới. với cầu tàu dài đến 700m. Lưu ý rằng, căn cứ tàu sân bay Mỹ ở Yokosuka chỉ có cầu tàu dài 400m, hay Norfolk chỉ dài 430m.
Đó là chưa kể, chiều rộng của cầu tàu căn cứ này lên tới 120m đủ để đáp ứng phương thức tiếp tế nhanh theo 2 hướng, có thể để tàu tiếp tế lớn nhất qua lại dễ dàng.
Các nguồn tin của Khán Hòa tiết lộ, dự án này được khởi công từ năm 2011 và hoàn thành cơ bản trong 4 năm, cho thấy tiến độ xây dựng quá nhanh. Quy mô căn cứ mới lớn, gần như được liên kết hoàn toàn với căn cứ tàu ngầm hạt nhân Ngọc Lâm, trong tương lai đây có thể sẽ trở thành căn cứ tổng hợp lớn nhất của hải quân Trung Quốc.
Quá trình xây dựng căn cứ
Căn cứ vào ảnh vệ tinh, ngay từ tháng 10/2012 cầu tàu bắt đầu được hình thành, nhưng kết cấu bên ngoài vẫn trong giai đoạn thi công.
Trên một đỉnh đồi gần đó có 3 vòm che ăng ten radar màu xanh. Được biết, khi Bộ tổng tham mưu Trung Quốc xây dựng trạm giám sát tín hiệu thứ 3 thường sử dụng sơn màu xanh trên vòm che ăng ten radar. Tất nhiên nó cũng có thể là radar dẫn đường hoặc radar tìm kiếm. Tại một ngọn đồi nhỏ cách cầu tàu tàu sân bay về hướng 9h30 còn có 2 vòm che ăng ten màu xanh lớn.
|
Ảnh vệ tinh cầu tàu tàu sân bay tại Hải Nam. |
Ngoài ra, cũng trong năm 2012 ở đây bắt đầu xây dựng các cơ sở hạ tầng phụ trợ, gồm hai cầu tàu khác, các tòa nhà trên đất liền và có thể cả một hầm ngầm rất lớn (dùng để cất giấu đạn dược hoặc nhiên liệu).
Đến tháng 2/2013, ba đê chắn sóng lớn bắt đầu được xây dựng, với các độ dài 1,75km, 2km và 1,1km. Hai cầu tàu tàu sân bay do đó hình thành, tạo thành hai cửa vào rộng 400m và 422m.
Tháng 10/2013 việc xây dựng cầu tàu tàu sân bay gần kết thúc, hoàn thành cầu tàu thứ 2. Tháng 11/2013 hoàn thành việc xây dựng toàn bộ cầu tàu tàu sân bay. Đáng lưu ý, tàu sân bay Liêu Ninh hoàn thành lấn thử nghiệm trên biển đầu tiên tại Biển Đông cũng đã neo đậu tại cầu tàu xây dựng mới này, ngoài ra còn có 1 tàu tiếp tế.
Đến năm 2014, cầu tàu tàu sân bay bắt đầu cho các tàu nổi khác neo đậu. Ở trung tâm cầu tàu có một tòa nhà với 6 ăng ten vệ tinh trên được thiết lập, tòa nhà này trong tương lai có thể chuyên dùng để hiệp đồng công việc hàng ngày của tàu sân bay.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc.
|
Tháng 11/2014 trong cầu tàu đã có tàu hộ vệ tên lửa và một tàu tiếp tế neo đậu, cho thấy cầu tàu đã chính thức được đưa vào sử dụng. Đồng thời việc xây dựng cơ sở hạ tầng mặt đất vẫn đang tiến hành. Với quy mô lớn của những dự án này rất khó đoán được khi nào mới hoàn thành toàn bộ việc xây dựng.
Theo phân tích của Khán Hòa, hiện nay vịnh Á Long và quả núi gần căn cứ tàu sân bay thứ 2 vẫn trong tình trạng mở rộng với quy mô lớn. Và có thể Trung Quốc sẽ bố trí mạng lưới phòng không cực mạnh ở đây để bảo vệ cho đội tàu chiến.
Điều kỳ lạ là căn cứ tàu sân bay thứ hai nằm bên cạnh căn cứ tàu ngầm Ngọc Lâm, mà cửa ra nằm gần một làng chài. Cho nên, trừ khi làng chài đã dịch chuyển đến một nơi khác, bằng không tàu cá chỉ có thể thông qua căn cứ này để ra biển. Hiện tàu cá gần đó vẫn thông qua căn cứ Ngọc Lâm để ra biển, có khi bơi cách tàu ngầm Kilo 636 chưa đến 100m. Và bất cứ vị khách du lịch nào cũng có thể mượn một chiếc tàu để "thăm quan" căn cứ tàu ngầm Trung Quốc.
Bằng Hữu