Có lẽ không ai lạ gì với các tên T-54/55 - thế hệ xe tăng huyền thoại do Cục thiết kế Morozov (Liên Xô) phát triển sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 để thay thế cho dòng tăng T-34 lỗi thời. Nguyên mẫu đầu tiên hoàn thành năm 1946 được gọi là T-54, các năm tiếp theo chúng liên tục được sửa đổi và đưa tới mẫu hoàn thiện nhất năm 1958 được đổi tên thành T-55. Dẫu vậy, người ta vẫn hay dùng từ T-54/55 để chỉ dòng tăng sản xuất nhiều nhất lịch sử thế giới này, lên tới 90.000-100.000 chiếc được xuất xưởng, xuất khẩu tới hàng chục quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam).
|
Pháo chính xe tăng T-54/55 Việt Nam thổi lửa.
|
Các biến thể dòng xe tăng huyền thoại T-54/55 hầu hết được trang bị pháo rãnh xoắn D-10T 100mm được phát triển từ năm 1944. Loại pháo này đạt tầm bắn xa nhất 14,6km hoặc 16km, tầm bắn thẳng hiệu quả 1.000m, sơ tốc đầu đạn 1.000m/s.
Pháo chính có thể bắn nhiều loại đạn gồm: đạn nổ phá mảnh UOF-412; đạn xuyên giáp UBR-412 và UBR-412D; đạn lõm chống tăng 3BUK4 và đạn xuyên dưới cỡ guốc ốp nòng vạch đường 3UBM6 (có khả năng xuyên giáp 260mm ở cách 1.000m).
Clip pháo tăng T-54/55 khai hỏa:
Ngoài ra, tới những năm 1983, Liên Xô còn phát triển các hệ thống tên lửa chống tăng phóng qua nòng pháo 100mm trang bị trên T-55.
Xe tăng T-54/55 nặng 39,7 tấn, dài 6,45m, rộng 3,37m, cao 2,4m. Giáp bảo vệ xe khá tốt với mặt trước thân dày 100mm, trước tháp pháo dày 205mm; hông xe dày 80mm, hông tháp pháo 130mm; đuôi xe dày 60mm, mặt sau tháp pháo dày 60mm; mặt trên thân dày 33-16mm, tháp pháo là 30mm. Các biến thể cải tiến sau này được bổ sung thêm giáp yếm, giáp phản ứng nổ, hệ thống phòng vệ chủ động…
Hoàng Lê