Gần đây, Indonesia đã quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp Starstreak từ hãng Thales (Anh). Vậy loại tên lửa này có tính năng gì?
Starstreak là hệ thống phòng không tầm ngắn tốc độ cao được thiết kế ban đầu như một hệ thống phòng không cá nhân di động (MANPADS) nhằm chống lại các mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa hành trình, máy bay không người lái.. cũng như một số mục tiêu mặt đất, mặt nước. Hệ thống có thể tác chiến trong điều kiện bị át chế điện tử và hỏa lực mạnh.
|
Đạn tên lửa phòng không tầm ngắn Starstreak.
|
Được phát triển bởi tập đoàn Thales Air Defence từ những năm 1980 trong một cuộc cạnh tranh tìm sự thay thế cho những hệ thống phòng không tầm thấp lúc bấy giờ như Javenlin. Mẫu thử nghiệm Starstreak của Thales đã vượt qua tên lửa Thunderbolt của British Aerospace để sau đó nhận được thêm một khoản tài trợ 356 triệu bảng từ Bộ quốc phòng Anh để tiếp tục hoàn thiện. Một hợp đồng sản xuất số lượng lớn được kí kết vào tháng 1/11986 nhưng phải chờ tới tháng 9/1997 tổ hợp này mới được chính thức đi vào phục vụ trong Quân đội Hoàng gia Anh.
Các phiên bản vác vai và bệ phóng đa tên lửa được ra mắt năm 2000. Năm 2001, hệ thống được tích hợp thêm bộ thiết bị nhận diện bạn-thù (IFF). Năm 2007, Thales công bố thêm những cải tiến mạnh mẽ cho phép tên lửa tăng tầm tiêu diệt mục tiêu hiệu quả lên 7km, những cải tiến cũng được thực hiện ở bộ ngắm bắn.
Cũng như đa số hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, đạn tên lửa của Starstreak được đặt trong ống phóng kín. Quả đạn có chiều dài 1,39m, đường kính thân 13cm, trọng lượng phóng 16,8kg. Đạn được thiết kế theo kiểu mẹ con, mang 3 đạn xuyên.
|
Starstreak có thể vượt 1.000m chỉ trong 1 giây.
|
Phần động lực của tên lửa gồm 2 tầng: tầng một có vai trò cung cấp vận tốc ban đầu cho tên lửa thoát ra khỏi ống phóng, sau khi tên lửa đã đạt một khoảng cách an toàn với người điều khiển và thiết bị phóng thì tầng thứ 2 được khởi động, tầng này cung cấp một lực đẩy lớn hơn nhiều, cho phép gia tốc tên đạn tên lửa lên vận tốc Mach 3,5 trong một thời gian ngắn.
Thales tự hào rằng đây là hệ thống phòng không tầm thấp nhanh nhất thế giới và có thể tăng tốc hơn 1.000m/s trong vòng chưa đến 1 giây. Khi đã đạt được vận tốc cực đại, 3 đạn con được tách ra và lao tới mục tiêu. Cách thiết kế nhiều đạn con này nhằm tăng tối đa xác suất tiêu diệt mục tiêu, khi được giải phóng, 3 đạn con tạo ra vùng tấn công có bán kính 1,5m và đủ động năng để đánh chặn các mục tiêu có độ cơ động tới 9G trong khoảng cách từ 300 đến 7.000m.
Tuy nhiên, cách thiết kế này cũng làm giảm uy lực của vụ tấn công khi năng lượng của tên lửa bị phân tán thành các phần nhỏ. Những đạn con này có hình dạng khí động thuôn mảnh giống như mũi tên, dài 396mm, đường kính 22mm, nặng khoảng 900g. Phần đầu đạn có một cơ cấu với 2 cánh vây xoay trong khi phần đuôi là cánh chữ thập, 4 vây cố định. Đạn con được làm từ hợp kim Vonfram siêu cứng, bền nhiệt. Điều này đảm bảo cho viên đạn vẫn sau khi ma sát mạnh với không khí vẫn có độ cứng cực cao để xuyên phá vào bên trong mục tiêu. Lúc này đầu nổ 450g mới được kích hoạt nhờ cơ chế nổ tác động trễ. Cách tấn công này đặc biệt hiệu quả với các phương tiện bay vốn được thiết kế rất kín.
|
Starstreak thiết kế với đầu nổ "không giống ai".
|
Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường bán chủ động bằng 2 chùm laser, tạo ra một hệ tọa độ chính xác hai chiều trong không gian, những điều chỉnh của chùm laser được các đạn con tiếp nhận và bộ điện tử trong chúng sẽ chuyển tín hiệu quang thành tín hiệu điện tử điều chỉnh hướng cho tên lửa, đây là phương pháp tiên tiến nhất trong các phương pháp dẫn đường bán chủ động SACLOS. Đặc biệt phù hợp với các hệ thống phòng không vì nó cho tên lửa một đường bay tắt, tăng khả năng đánh chặn với các mục tiêu có tính cơ động cao như máy bay phản lực.
Chùm laser có độ chụm lớn, năng lượng cao, tạo ra tín hiệu phản xạ mạnh từ mục tiêu bị chiếu. Chùm chiếu có khả năng chiếu xạ ở khoảng cách xa, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, không thể bị gây nhiễu và khó phát hiện. Đây là những ưu điểm nổi trội so với những phương pháp khác như dẫn bằng dây, hồng ngoại hay radar... Bộ dẫn bằng laser cũng có cấu tạo nhỏ gọn, linh hoạt.
|
Starstreak thiết kế trên nhiều nền tảng (đặt trên xe cơ giới, vác vai, giá phóng cơ động).
|
Tuy nhiên, hệ dẫn laser cũng không phải không có nhược điểm, tia laser là một chùm vi sóng nên chúng bị hấp thụ bởi các phần tử có kích thước tương đương trong không khí như các hạt khói bụi. Điều này khiến hệ dẫn laser làm việc kém trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhiều khói bụi. Phương pháp điều khiển bắn tinh vi cũng yêu cầu xạ thủ phải được đào tạo hết sức bài bản và thuần thục khi thực chiến. Cuối cùng, hệ thống bị phát hiện với các phương tiện bay có trang bị bộ cảnh báo bị chiếu laser.
Những thử nghiệm năm 1999 chứng minh rằng Starstreak cũng có thể được dùng để tấn công các mục tiêu mặt đất. Động năng của những đạn con từ tên lửa được so sánh với đạn 40mm Bofors, nghĩa là chúng có tác dụng trước những xe bọc thép nhưng không thể tấn công các xe hiện đại.
Anh Trần