Theo một bài phân tích được trang quân sự Sina của Trung Quốc đăng tải cho biết, các tướng lĩnh Trung Quốc đang hối tiếc về việc không thể có được những chiếc máy bay ném bom Tu-160 "White Swan" từ Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ trong giai đoạn đầu những năm 1990.
Trong khi đó theo giới truyền thông Nga đưa tin, Quân đội Trung Quốc đang rất quan tâm tới việc mua lại các mẫu máy bay ném bom siêu âm được Liên Xô phát triển trước đây để có thể hiện thực hóa chương trình phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa của nước này.
|
Việc sở hữu Tu-160 sẽ giúp Trung Quốc có được mảnh ghép cuối cùng trong việc hiện đại hóa lực lượng không quân.
|
Tu-160 là một trong những mẫu máy bay ném bom chiến lược lớn nhất thế giới hiện nay. Nó có thể mang theo 40 tấm bom và tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân các loại với tầm hoạt động 12.300km. Nếu Trung Quốc sở hữu những chiếc Tu-160 nước này có thể dễ dàng thực hiện tấn công hạt nhân phủ đầu vào lãnh thổ Mỹ bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, điều này sẽ không bao giờ xảy khi dây chuyền sản xuất Tu-160 đã hoàn toàn ngưng hoạt động sau khi Liên Xô sụp đổ, mặt khác Nga sẽ không bao giờ bán quân át chủ bài trong bộ ba răn đe hạt nhân chiến lược của nước này cho Trung Quốc. Dù ngay cả trong cuộc khủng hoảng đầu những năm 1990 Bắc Kinh đã nhiều lần ngỏ ý mua những chiếc Tu-160 từ Moscow nhưng câu trả lời của Nga vẫn không thay đổi.
Không dừng lại đó, Trung Quốc cũng nhắm tới số Tu-160 Ukraine có được sau khi Không quân Liên Xô tan rã. Số Tu-160 này đều còn hoạt động khá tốt và vẫn có thể tham chiến bất cứ lúc nào. Bắc Kinh đã nhiều lần tìm cách có được số Tu-160 từ Ukraine cùng với những chiếc tiêm kích trên hạm Su-33 và tên lửa không đối không R-27 nhưng một lần nữa kế hoạch của Trung Quốc sụp đổ sau khi Moscow gây sức ép với Kiev.
|
Máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc chỉ mang được 10 tấn bom, thua xa B-52 hay Tu-160.
|
Đến năm 1999, Ukraine muốn chuyển giao lại 8 chiếc máy bay Tu-160 cho Nga để xóa nợ khí đốt nhưng bị Mỹ can thiệp vì Washington không muốn số máy bay ném bom này lọt vào tay Nga lẫn Trung Quốc. Thay vì bán lại cho Nga, các Tu-160 này đã bị tháo dỡ cùng với 40 chiếc máy bay ném bom Tu-22M3, 230 tên lửa chống hạm tầm xa Kh-22, 483 tên lửa hành trình Kh-55 vào năm 2006 chỉ để đổi lấy 15 triệu USD viện trợ từ Mỹ trong đó có 8 triệu USD là viện trợ vũ khí.
Chương trình hiện đại hóa quân đội của Nga hiện tại cũng từng đề cập tới việc tái khởi động dây chuyền sản xuất Tu-160 với các biến thể nâng cấp mới, điều này có thể sẽ giúp Trung Quốc có được những chiếc Tu-160 cũ từ Nga. Nga luôn xem Trung Quốc là một đối tác quan trọng nhưng việc Moscow bán các loại vũ khí răn đe chiến lược cho Bắc Kinh sẽ khó có thể xảy ra thậm chí là với cả một quốc gia khác.
Mặt khác các chuyên gia quân sự Trung Quốc tự tin rằng nước này không cần phải có những chiếc Tu-160 khi Không quân Trung Quốc đã có máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6. Dẫu vậy, H-6 thực ra được phát triển từ mẫu máy bay ném bom hạng trung Tu-160 của Liên Xô. Khả năng mang vác vũ khí của H-6 dù đã cải tiến nhiều lần nhưng kém xa B-52H, Tu-160, Tu-22M3.
Trà Khánh