Tờ RBTH dẫn lời các nhà phân tích quân sự cho biết, Nga hủy lệnh cấm xuất khẩu tên lửa S-300 cho Iran có thể là nỗ lực mà Moscow đang muốn gửi tới Tehran một thông điệp rằng, việc hợp tác với nước Nga sẽ tốt hơn là thắt chặt quan hệ với phương Tây.
Cụ thể, vừa qua Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không S-300 cho Iran kể từ sau khi Nga ngừng thực hiện hợp đồng này với Iran vào năm 2010 dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev. Nhưng quyết định mới đây của ông Putin ở Moscow phải được hiểu trong sự liên quan tới cái gọi là “tiến trình phát triển bền vững” được đặt ra trong các cuộc hội đàm quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran.
|
Moscow tái tiếp tục hợp đồng S-300 cho Iran vì bối cảnh thay đổi.
|
Theo hãng thông tấn TASS, Hội đồng An ninh Cấp cao của Iran đang dự định việc nhận các hệ thống phòng không S-300 ngay trong năm nay. Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Iran đã nhấn mạnh rằng, quyết định của Moscow sẽ tăng cường quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, phía Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng chỉ trích việc cung cấp cho Iran các hệ thống S-300 lại không được xem là động thái mang tính xây dựng.
Quyết định đầy ẩn ý
Các chuyên gia Nga nhận định, quyết định của ông Putin và cùng với Bộ Ngoại giao Nga được kỳ vọng để đạt được sự thành công tại các cuộc đàm phán hạt nhân gần đây ở Lausanne. Quyết định đó là chỉ báo rằng, Nga muốn giành phần hợp tác công nghệ-quân sự với Iran ngay khi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nước này.
Anton Khopkov, Giám đốc Trung tâm An ninh và Năng lượng Nga nói rằng, bây giờ “hầu hết các nước muốn trở thành đối tác của Iran. Đó sẽ động lực thúc đẩy các nước tìm cách phát triển mối quan hệ đối tác”. Ông Khopkov cũng tin rằng quyết định của Nga về hệ thống S-300 sẽ không phải là là động thái cuối cùng trong việc phát triển quan hệ của Moscow với Tehran.
“Những lo sợ của Moscow”
Các nhà phân tích còn nhận định, việc Nga tái tiếp tục hợp đồng S-300 cho Iran cũng đồng nghĩa với việc Nga đang gửi một thông điệp chắc chắn tới Tehran rằng nước này đang chú ý phản đối sự hợp tác của Iran với phương Tây.
Theo Alexel Arbatov, Giám đốc Trung tâm An ninh Thế giới thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế thế giới, thông điệp này muốn nói lên rằng Iran “không nhất thiết phải hoàn toàn xoay chuyển sang mối quan hệ hợp tác với phương Tây”.
“Phương Tây không thể đưa cho Iran hầu hết những thứ gì mà Nga có thể làm”, nhà phân tích Arbatov nói, và đề cập chủ yếu tới vấn đề nguồn cung vũ khí. Lí do nếu làm như vậy thì phương Tây sẽ bị chỉ trích gay gắt bởi Israel và các nước ở vùng Vịnh vốn có mối quan hệ thân cận với Mỹ và Châu Âu.
Nhưng thực tế Moscow cũng rất sợ Iran sẽ trở nên thân phương Tây và phớt lờ đi các lợi ích của Nga. “Hơn nữa, lợi ích của Iran có thể gây hại cho Nga. Ví dụ như, nước này có thể xâm nhập vào thị trường xăng dầu, dẫn tới việc hạ giá dầu và sẽ trở thành một nguồn cung thay thế Nga đối với phương Tây”, Arbatov cho biết thêm.
Tên lửa nào và khi nào Nga xuất cho Iran?
Một vấn đề nữa đang được dư luận quốc tế quan tâm đó là Nga sẽ cung cấp cho Iran loại tên lửa nào và khi nào thì sẽ tiến hành chính thức. Theo Alexander Khramchikhin, Giám đốc Viện Phân tích Quân sự và Chính trị Nga tiết lộ, những tên lửa phòng không S-300 PMU-1 từ lâu đã không được tiếp tục sản xuất.
Hơn nữa vẫn còn chưa rõ rằng, liệu Iran sẽ chấp nhận các hệ thống này với một biến thể mới hay không, khi mà trước đó Tehran đã từ chối những đề xuất tương tự như vậy.
|
S-300 PMU-1 mà Iran yêu cầu trước đó đã ngừng sản xuất?
|
Không những thế, chuyên gia Khramchikhin tin rằng, sẽ rất khó để cung cấp các hệ thống S-300 PMU-1 vì chúng đang được sử dụng trong quân lực Nga. Nếu muốn xuất ngoại thì cũng đồng nghĩa lực lượng tên lửa phòng thủ Nga sẽ cần phải có những thay đổi đáng kể. Ngay cả như vậy thì việc tái cấu trúc lại quân lực cũng không phải ngày một ngày hai là có thể làm được ngay.
Nếu tính tới kịch bản cung cấp các tên lửa S-400 thì cũng có không ít vấn đề. Theo chuyên gia Khramchikhin, rất khó để các công ty Nga với tiềm lực hiện nay có thể sản xuất luôn S-400 vì họ còn đang quá tải với các đơn đặt hàng từ nay đến năm 2020 cho chương trình tái vũ trang của quân đội. Chuyên gia này dự đoán, nếu cung cấp S-400 cho Iran thì cũng đồng nghĩa với việc phải trì hoãn hợp đồng tiếp tục trong vòng 8-10 năm. Đó cũng sẽ là điều khó mà được Tehran chấp nhân.
Soát xét tình hình như vậy, các chuyên gia nhận định, Chính phủ Nga ký quyết định tái tục hợp đồng cung cấp tên lửa S-300 cho Iran là do bối cảnh quốc tế cấp bách. Nhưng điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc Iran sẽ nhận các hệ thống tên lửa phòng không ngay trong năm nay.
Văn Biên