Trung Quốc sao chép Su-30MK2 thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc phát triển tiêm kích đa năng “nhái” Su-30MK2 mang tên J-16 cũng như cách người Nga phát triển Su-30 dựa trên mẫu Su-27.

Sau các hợp đồng lớn mua tiêm kích đa năng Su-27SK và Su-30MKK, năm 2002, Trung Quốc tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 24 tiêm kích Su-30MK2 được cải tiến từ dòng Su-30MKK tối ưu hóa mạnh cho khả năng đánh biển. Toàn bộ số máy bay này được chuyển giao hoàn tất trong năm 2004.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, sau một thời gian dài sử dụng, Hải quân Trung Quốc cảm thấy rất hài lòng đối với tính năng của Su-30MK2 và đã yêu cầu Công ty Chế tạo Máy bay Thẩm Dương (SAC) sản xuất Su-30MK2 phiên bản Trung Quốc, định danh là J-16.
Nói đúng hơn, đây thực chất là hành vi sao chép công nghệ Su-30MK2 vi phạm bản quyền nghiêm trọng của nhà thiết kế Sukhoi (Nga). Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc làm điều này, trước đó nước này đã làm điều tương tự với tiêm kích Su-27SK hay hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 và nhiều phương tiện chiến tranh khác của nước Nga.
Mẫu thử nghiệm tiêm kích đa năng Thẩm Dương J-16.
Theo Tạp chí Khán Hòa, tiêm kích J-16 thực chất được phát triển từ máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực 2 chỗ ngồi J-11BS, mà đây lại được phát triển trên nền tảng của J-11B (Trung Quốc sao chép Su-27SK).
Trung Quốc có kinh nghiệm tự sản xuất máy bay chiến đấu J-11B, vì vậy việc phát triển J-16 có tính liên tục nhất định về công nghệ. Trước đây, J-11BS đã từng xuất hiện, nhìn từ góc độ sơn trang trí của nó thì máy bay huấn luyện kiểu này đã được biên chế phục vụ trong Không quân Hải quân Trung Quốc.
Cách làm này cũng gần như “bắt chước” Nga trong phát triển dòng tiêm kích đa năng Su-30. Theo đó, Su-30 thực chất là sự cải tiến cao hơn từ mẫu máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-27UB được thiết kế từ mẫu Su-27S một chỗ ngồi. Có lẽ Trung Quốc cũng tuân thủ tư duy như vậy lấy máy bay huấn luyện J-11BS làm cơ sở phát triển J-16.
Các chuyên gia Trung Quốc suy đoán, thiết bị điện tử hàng không trên máy bay J-16 rất hiện đại, có thể dùng để dẫn đường chính xác vũ khí thực hiện tấn công đối với mục tiêu trên biển. Nó còn có thể mang tên lửa hành trình chống tàu do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo.
Còn theo Khán Hòa, J-16 được phát triển từ J-11BS với những cải tiến mạnh mẽ. Ví dụ như nó sẽ trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, radar mạng pha điện tử chủ động hoạt động ở nhiều chế độ cung cấp kênh dẫn đường cho vũ khí hàng không đối đất chính xác cao. Kết cấu của máy bay cũng sẽ mạnh hơn lên. Những điều này đối với ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc hiện nay không có khó khăn gì.
J-11BS - nền tảng phát triển của J-16.
Tờ VPK (Nga) nhận định, sự ra đời của J-16 sẽ nâng cao đáng kể sức chiến đấu của lực lượng Không quân Hải quân Trung Quốc, chiếm ưu thế trong đối đầu với các dòng máy bay Su-30 của các nước láng giềng.
Hiện nay, Không quân Hải quân Trung Quốc chủ yếu sử dụng máy bay ném bom chiến đấu JH-7 để tiến hành đe dọa hỏa lực đối với khu vực biển xung quanh.
So với Su-30MK2, JH-7 thuộc thế hệ máy bay tương đối lạc hậu. Khả năng tác chiến của JH-7 chủ yếu ném bom đối hải, khả năng tác chiến trên không đơn thuần là mang tính phòng thủ. Về phương diện vũ khí tác chiến trên không, nó chỉ mang theo tên lửa không đối không PL-5 lạc hậu.
Máy bay Su-30MK2 là loại tiêm kích đa năng, ngoài việc có thể thực hiện ném bom đối hải, nó còn có khả năng chiến đấu trên không tương đối mạnh, có thể chịu được các cuộc tấn công của máy bay đối phương, hoàn thành nhiệm vụ tấn công chống hạm tàu mặt nước.
Bằng Hữu