3 lý do phá vỡ hợp đồng
Thực chất, Nga không hề muốn bán giấy phép sản xuất Su-27 cho Trung Quốc, nhưng cuối cùng khi phía Trung Quốc công bố rằng, trong trường hợp không cung cấp giấy phép thì sẽ mua không quá 48 máy bay Su-27.
Vì thế, đến năm 1993 Nga đã đồng ý ký vào hợp đồng trị giá 150 triệu USD về việc chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc cũng như cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.
Ngày 6/12/1996, Nga cung cấp cho Trung Quốc giấy phép sản xuất Su-27. Theo nội dung hợp đồng, Nga cần phải giúp đỡ doanh nghiệp quốc doanh là Công ty Hàng không Thẩm Dương (SAC) xây dựng dây chuyền sản xuất 200 chiếc Su-27 trong vòng 15 năm. Động cơ, radar, hệ thống điện tử hàng không và hệ thống vũ khí do Nga cung cấp.
Phi đội tiêm kích J-11 của Không quân Trung Quốc.
Su-27 được lắp ráp ở Trung Quốc được định danh “dự án 11” và mang tên J-11 sau khi lực lượng vũ trang tiếp nhận. Mùa hè năm 1997, Nga cung cấp trọn bộ bản vẽ sản xuất cho Tập đoàn Thẩm Dương. Cuối năm 1998, Sukhoi bắt đầu chuyển giao bộ phụ kiện đầu tiên cho Trung Quốc nhưng việc lắp ráp tới năm 2000 mới thực hiện do những vấn đề kỹ thuật.
Nhưng chỉ 4 năm sau, khi hoàn thành 100 chiếc J-11 với linh kiện Nga, phía Trung Quốc đột ngột yêu cầu Sukhoi ngừng cung cấp linh kiện.
Có 3 lý do dẫn tới việc này, thứ nhất trong thỏa thuận hợp tác sản xuất không bao gồm việc Nga chuyển giao công nghệ thiết bị điện tử và động cơ cho Trung Quốc, buộc nước này “vĩnh viễn” nhập khẩu thiết bị từ Nga để chế tạo J-11.
Thứ hai, hệ thống điều khiển hỏa lực của J-11 không tương thích tên lửa do Trung Quốc thiết kế. Vì thế, họ phải tiếp tục nhập tên lửa không đối không R-27, R-73 cho J-11.
Cuối cùng, phía Trung Quốc đưa ra lý lẽ Su-27SK/J-11 bị hạn chế khả năng đối đất do chỉ có thể mang bom và rocket không điều khiển.
Nhưng hai lý do đầu có lẽ mới chính là nguyên nhân chủ yếu Trung Quốc chấm dứt hợp đồng với Sukhoi. Dẫu sao, việc Nga phải giữ lại công nghệ cốt yếu là điều dễ hiểu.Vì nếu họ trao tất cả và Trung Quốc nội địa hóa thành công 100% thì khi đó chắc chắn nước này không nhập gì từ Nga.
Vậy chẳng hóa, Nga sẽ mất đi “nồi cơm”, không những thế có thể mất đi thị trường xuất khẩu vũ khí khi giới lãnh đạo đầy tham vọng Trung Quốc đưa J-11 ra thế giới với giá rẻ hơn so với “hàng chính hãng”.
Năm 2003, Sukhoi đã cố gắng quảng cáo biến thể hiện đại hóa tiêm kích Su-27SKM tới Trung Quốc. Tuy nhiên giới chức nước này tỏ ra không mặn mà lắm, mà họ đặt kỳ vọng vào biến thể nội địa cải tiến J-11.
Tiêm kích nội địa 100%
Thành công trong việc lắp ráp J-11 đã thúc đẩy Trung Quốc nghĩ đến một biến thể cải tiến mang tên J-11B và biến thể 2 chỗ ngồi J-11BS với những linh kiện “nội địa hóa 100%”.
J-11B sử dụng khá nhiều vật liệu composite trong chế tạo, do đó trọng lượng máy bay giảm 700 kg, để duy trì trọng tâm phần trước của J-11B có gắn tải trọng vô ích. Vì có sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar nên khả năng tán xạ của J-11B thấp hơn 25% so với Su-27.
J-11B được trang bị radar điều khiển hỏa lực mới của Trung Quốc có khả năng theo dõi 6-8 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc . Các thiết bị buồng lái được cải thiện tốt hơn khi lắp đặt HUD ba chiều và 4 màn hình màu đa năng hiển thị thông số kỹ thuật bay.
Nguyên mẫu tiêm kích J-11B.
J-11B có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm trung PL-12 do Trung Quốc chế tạo được điều khiển bằng radar chủ đô%3ḅng và tên lửa tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại PL-8.
Quan trọng hơn, J-11B được cho là có khả năng mang vũ khí chính xác cao như: bom dẫn đường bằng laser LT-2, bom lượn LS-6, tên lửa chống radar YJ-91, tên lửa không đối hạm KD-88.
Điểm khác biệt quan trọng nhất của J-11B là nó trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy FWS10 Taihang do Trung Quốc phát triển, được cho là tương tự động cơ General Electric F110 cùng một số công nghệ của động cơ AL-31F của Nga.
Chuyến bay đầu tiên của J-11B đã được thực hiện vào tháng 6/2002, 18 tháng sau đó, J-11B hoàn thành các cuộc bay thử nghiệm và chính thức chuyển giao cho Không quân PLA.
Sự ra đời tiêm kích hạm J-15
Năm 1999, Trung Quốc “tậu” được tàu sân bay chưa hoàn thiện Varyang của Ukraine, theo kế hoạch đây sẽ trở thành tàu sân bay huấn luyện. Giải pháp hợp lý nhất cho các chiến đấu cơ trên tàu sân bay này là máy bay Su-33 của Nga, nhưng Moscow đã từ chối yêu cầu của Bắc Kinh sợ rằng Trung Quốc thực hiện không đúng cam kết như Su-27. Kết quả là Trung Quốc quay sang Ukraine và mua mẫu thử T-10K-3 của tiêm kích hạm Su-33.
Thật may mắn cho phía Trung Quốc, mẫu T-10K-3 được chọn đưa vào sản xuất Su-33, nó giống hệt biến thể thương mại. Nhưng điều quan trọng nhất là khung vỏ máy bay không khác nhiều lắm so với tiêm kích Su-27. Đây là tin tuyệt vời cho các kỹ sư Trung Quốc bởi họ đã có kinh nghiệm chế tạo J-11 “sao chép” Su-27.
Dựa trên mẫu thử T-10K-3, các kỹ sư Trung quốc đã phát triển một máy bay chiến đấu trên tàu sân bay dựa trên cơ sở J-11B, ban đầu được định danh là J-11BJ (sau đó được đổi thành J-15 “cá mập bay”).
Tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh.
Sự khác biệt giữa J-11 và J-15 cũng giống như sự khác biệt giữa Su-27 và Su-33. Đó là về kết cấu thân thêm cánh mũi, hệ thống cánh gấp, đuôi ngang. Càng trước được trang bị bánh kép, càng sau được gia cố, bổ sung móc hãm (móc vào cáp hãm đà trên tàu sân bay), thêm thiết bị tiếp dầu trên không.
J-15 trang bị hệ thống radar mạng pha quét điện tử bị động (AESA), tổ hợp ngắm quang – điện tử, hệ thống chế áp điện tử.
Máy bay trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy FWS-10A cho phép đạt tốc độ tối đa Mach 2,4, tầm bay 3.500km, trần bay 20.000m.
J-15 thiết kế với một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30mm trong thân (với 150 viên đạn), trên thân và cánh có 12 giá treo mang được tên lửa không đối không, tên lửa không đối hạm, tên lửa chống radar, bom hàng không có điều khiển.
Ngày 25/11/2012, tiêm kích hạm J-15 đã thực hiện cuộc cất hạ cánh thành công lần đầu tiên trên tàu sân bay Liêu Ninh.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Hữu Ban