Tờ USNI cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất hàng loạt các máy bay tiêm kích hạm Thẩm Dương J-15 “Phi Sa”. Đã có ít nhất 8 chiếc máy bay chiến đấu trên hạm loại này được sản xuất. Điều này là để bổ sung cho 6 chiếc J-15 đang tiến hành thử nghiệm trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Một hình ảnh không rõ ngày tháng chụp đã được đưa lên các diễn đàn trực tuyến của Trung Quốc, cho thấy hai chiếc J-15 mang số hiệu 107 và 108 đang hoạt động ở một sân bay bí mật của Trung Quốc. Cả hai chiếc máy bay đều được in hình cá mập bay (phi sa) trên đuôi và phù hiệu Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN) - giống như những chiếc J-15 khác.
|
Chiếc J-15 mang số hiệu 108. |
Trước đó, tháng 10/2013, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công bố clip tin tức về các cơ sở sản xuất máy bay J-15 sản xuất tại Công ty Hàng không Thẩm Dương, trong đó cho thấy một chiếc máy bay được cho là đã hoàn chỉnh, sẵn sàng bàn giao cho PLAN. Tiếp theo đó là hình ảnh của những chiếc J-15 mang số đuôi 100, 101 và 102 xuất hiện trên internet vào đầu tháng 12/2013.
Kể từ đó, lần lượt những chiếc J-15 mang số 103, 104, 105, 107 và 108 lần lượt xuất hiện. Những máy bay này rất có thể được sản xuất tại cơ sở ở đảo Hồ Lô, tỉnh Liêu Ninh. Căn cứ này được thiết kế để huấn luyện cho các máy bay chiến đấu trên hạm, với cơ sở vật chất đủ cho 24 máy bay - tương đương một trung đoàn không quân, cùng với các đường băng kiểu nhảy cầu, đường băng mô phỏng lại tàu sân bay Liêu Ninh.
Một bài viết trên tờ Bưu điện Thượng Hải vào tháng 8 cho hay, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ có 24 chiếc J-15, và do đó Trung Quốc đang ra sức bổ sung lực lượng máy bay chiến đấu cho tàu sân bay này.
Một điều cần lưu ý là các máy bay J-15 hiện nay đều sử dụng động cơ phản lực Saturn AL-31 của Nga thay vì các động cơ Thái Hành WS-10 nội địa. Động cơ của Nga vẫn được dùng nhiều trong các loại máy bay của PLAAF và PLAN, bao gồm Sukhoi Su-27/30 Flanker và phiên bản nội địa Thẩm Dương J-11A, hay các máy bay chiến đấu nội địa Thành Đô J-10A/B.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong phát triển, nhưng các động cơ WS-10 đã được trang bị cho chiếc Thẩm Dương J-11B (là phiên bản Su-27 nội địa với radar và hệ thống điện tử của Trung Quốc. Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAAF) và các trung đoàn không quân hải quân của PLAN cũng đã được trang bị J-11B. Một hình ảnh của Hải quân Mỹ chụp chiếc J-11BH của PLAN đã chặn chiếc Boeing P-8 Poseidon trên Biển Đông vào tháng 8/2013 đã cho thấy chiếc máy bay này sử dụng động cơ WS-10.
Động cơ WS-10 cũng được sử dụng cho ít nhất hai trong số sáu nguyên mẫu J-15 trong một thời gian, trước khi chuyển sang dùng động cơ AL-31 khi thử nghiệm trên tàu sân bay Liêu Ninh. Chưa có bằng chứng cho thấy J-15 sử dụng động cơ WS-10 khi hoạt động trên tàu sân bay. Có thể thấy là Trung Quốc vẫn chưa hài lòng với độ tin cậy thấp của WS-10, và sử dụng rất dè dặt.
Trung Quốc thừa nhận rằng còn rất nhiều điều phải nghiên cứu về tác chiến trên tàu sân bay, nhưng rõ ràng là họ đang tiến rất nhanh theo hướng này. Liêu Ninh còn nhiều hạn chế, nên sẽ được sử dụng chủ yếu như một tàu sân bay huấn luyện để đào tạo đội ngũ phi công và kĩ thuật hậu cần cho tàu.
Nếu giả thuyết cho rằng Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay trang bị cả máy phóng là đúng, thì rõ ràng những bước chuẩn bị này sẽ giúp ích nhiều cho lực lượng không quân trên hạm của họ với con tàu sân bay thật sự.
Thanh Hoa