Trung Quốc có thể “học hỏi” gì ở tàu sân bay Anh?

Google News

(Kiến Thức) - Đối với Trung Quốc mà nói, học một công nghệ trên tàu sân bay Elizabeth không bằng học triết lý thiết kế “dựa trên tình hình đất nước”.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, tàu sân bay lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Queen Elizabeth hạ thủy mới đây (hôm 4/7) đã cho thấy xu hướng phát triển tàu sân bay hạng trung trên thế giới. Từ đó có thể dự đoán được nếu Trung Quốc phát triển tàu sân bay trong nước cũng rất có khả năng bắt đầu đột phá từ tàu sân bay hạng trung.
Như vậy, sự phát triển tàu sân bay Elizabeth có ảnh hưởng gì đối với tàu sân bay Trung Quốc? Trung Quốc liệu có “học hỏi” được gì từ tàu sân bay này?
Tàu sân bay Elizabeth sử dụng kết cấu boong phóng kiểu nhảy cầu, điều này rất giống với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Nhưng điểm khác nhau là việc sử dụng máy bay trên tàu, trong lịch sử, Hải quân Anh luôn sử dụng máy bay chiến đấu cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). Và sự kết hợp hoàn hảo giữa boong nhảy cầu với máy bay chiến đấu STOVL có thể đủ để phát huy tiềm năng tối đa của máy bay, cho phép nó cất cánh khi đầy tải.
 Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
Trong khi máy bay chiến đấu trên tàu thông thường hiện nay, sử dụng boong phóng kiểu nhảy cầu sẽ hạn chế sức chiến đấu. Chẳng hạn như Su-33 (nguyên mẫu của tiêm kích hạm J-15 Trung Quốc), máy bay này khi cất cánh ở đường băng trên đất liền có trọng lượng tối đa là 33 tấn, mà khi cất cánh trên tàu thì trọng lượng tối đa chỉ có 26 tấn. Điều này có nghĩa là máy bay cất cánh trên hạm sẽ bị cắt giảm đi 7 tấn nhiên liệu và đạn dược, không thể phát huy hết tiềm năng tác chiến.
Nếu Hải quân Trung Quốc sử dụng kinh nghiệm của tàu Liêu Ninh áp dụng vào tàu sân bay sản xuất trong nước tương lai, như vậy nó có thể sẽ sử dụng boong phóng kiểu nhảy cầu. Về vấn đề này, có một quan điểm cho rằng, Trung Quốc cần phải phát triển loại máy bay STOVL giống với Harrier hoặc F-35B, như vậy mới có thể phát huy ưu thế của boong nhảy cầu, nhưng có chuyên gia cho đây chỉ là nghĩa đen.
Chuyên gia Hải quân Trung Quốc Lý Kiệt ngày 6/7 khi trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu cho biết, tàu sân bay này của Anh ngoài sự độc đáo trong thiết kế và chế tạo, thì tính năng của boong phóng nhảy cầu cũng rất đặc biệt, nhưng điều này có ý nghĩa không lớn đối với việc đóng tàu sân bay của Trung Quốc. Việc phát triển tàu sân bay hạng trung và nặng trong tương lai không nhất thiết phải sử dụng phương thức cất cánh kiểu STOVL. Và đối với một nước có xu hướng ra biển xa thì cần phải phát triển hệ thống phóng thủy lực, như vậy mới có thể đáp ứng yêu cầu giành được quyền kiểm soát trên không trong tác chiến trên biển quy mô lớn.
 Mô hình biến thể cất cánh ngắn hạ cánh thẳng đứng F-35B trên boong phóng tàu Elizabeth.
Tuy lượng giãn nước của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là 65.000 tấn, nhưng nó vẫn lựa chọn động cơ thường. Tàu được trang bị 2 động cơ đẩy tuabin khí Rolls-Royce MT30 công suất 36 MW, 2 động cơ diesel Wartsila 16V38B công suất 11MW và 2 động cơ diesel Wartsila 12V38B công suất 9MW.
Xét từ góc độ công nghệ, động cơ hạt nhân được xem là tối ưu nhất, nó có phạm vi hành trình dường như không giới hạn, không tiêu thụ nhiều nhiên liệu, ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp. Nhưng vấn đề của nó là kỹ thuật phức tạp và tốn kém. Việc Anh lựa chọn động cơ đẩy kết hợp nhiên liệu diesel là xuất phát từ ưu thế công nghệ và giới hạn ngân sách.
Ông Lý Kiệt cho rằng, việc tàu sân bay mới của Anh sử dụng động cơ thường, một mặt là do hạn chế về ngân sách, mà quan trọng hơn là do công nghệ động cơ tuabin khí của Anh là hàng đầu thế giới.
Tuy tính năng tác chiến tổng thể của tàu sân bay này không thể cạnh tranh với tàu sân bay động cơ hạt nhân của Mỹ, nhưng trong lĩnh vực tàu sân cỡ trung và lớn thì nó cũng rất ưu việt, có thể đáp ứng tối đa yêu cầu tác chiến của Anh. Mà Trung Quốc rất khó có được trình độ công nghệ của Anh trong thời gian ngắn. Vì vậy, việc phát triển tàu sân bay hạng trung và lớn sử dụng động cơ hạt nhân sẽ là một con đường tích cực và hiệu quả.
 Tàu sân bay Liêu Ninh.
Đối với việc xem xét sự phát triển tàu sân bay sản xuất trong nước của Trung Quốc mà nói, thì việc học tập thiết kế tiên tiến của tàu sân bay Anh là rất cần thiết. Nhưng để đưa những công nghệ tiên tiến của tàu sân bay Elizabeth vào tàu sân bay sản xuất trong nước của Trung Quốc trong thời gian ngắn sẽ rất khó khăn, có thể cũng không cần thiết. Đối với Trung Quốc mà nói, học một công nghệ trên tàu sân bay Elizabeth không bằng học triết lý thiết kế “dựa trên tình hình đất nước”.
Có thể nói, tàu sân bay Elizabeth chính là kết quả của việc dựa vào tài chính, công nghệ, yêu cầu về của sự thoả hiệp đánh đổi trên nhiều mặt của đất nước. Nhìn từ góc độ hệ thống động lực, Anh cần phải có khả năng nghiên cứu động lực hạt nhân cho tàu sân bay này, nhưng do ngân sách quốc phòng của Anh có hạn, mặt khác động cơ sử dụng cho tàu mà công ty Rolls-Royce nghiên cứu rất đảm bảo. Việc lựa cho máy bay trên tàu cũng thể hiện điều này, Hải quân Anh có truyền thống sử dụng máy bay chiến đấu STOVL, mà việc sử dụng kiểu máy bay này có thể giúp loại bỏ được thiết bị phóng và hệ thống cáp hãm đà với chi phí cao.
Bằng Hữu