Máy bay không người lái vũ trang tầm xa
Sân bay và kho nhà chứa của Đài Loan dễ bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo của Quân đoàn pháo binh 2 khiến chiến đấu cơ thông thường của Quân đội Đài Loan không thể bay tác chiến. Diện tích hòn đào lại nhỏ, quá gần với Trung Quốc, đã trở thành giới hạn vật lý đối với máy bay chiến đấu của Không quân Đài Loan.
Đối mặt với thách thức này, Đài Loan có thể đưa ra một số ứng phó là mua hoặc phát triển máy bay không người lái (UAV) trang bị tên lửa không đối đất có thể bay thâm nhập vào không phận Trung Quốc từ xa.
|
Đồ họa UAV tàng hình Chu Tước mà Viện nghiên cứu Chung Sơn đang phát triển.
|
Bài viết chỉ ra, kích cỡ UAV nhỏ nên diện tích phản xạ sóng radar (RCS) rất thấp, do đó có thể tận dụng điểm yếu hoặc lỗ hổng trong kết cấu hệ thống phòng không Trung Quốc. Như vậy, UAV của Đài Loan có thể thâm nhập vào không phận Trung Quốc, quấy rối sân bay quân sự, trạm radar, điểm chỉ huy và kiểm soát, căn cứ hải quân, căn cứ tên lửa và cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Ngoài ra, nếu UAV được trang bị tên lửa không đối đất Vạn Kiếm do Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Sơn nghiên cứu có thể tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sân bay không quân Trung Quốc và phá vỡ khả năng duy trì hành động trên không của lực lượng này tại eo biển Đài Loan.
Bên cạnh đó, Đài Loan còn có thể sử dụng UAV phóng tên lửa chống radar, làm tê liệt hệ thống radar của Trung Quốc, làm tốt việc chuẩn bị để tiếp theo sử dụng máy bay thông thường hoặc máy bay không người lái vòng thứ 2 ném bom sân bay.
Một lựa chọn khác là sử dụng các UAV “tự sát” giống với mẫu Harpy của Israel - loại máy bay không người lái này thích hợp với việc dùng để tấn công hệ thống radar của quân đội Trung Quốc.
|
Một mẫu UAV có kiểu dáng giống MQ-9 Reaprer của Mỹ được giới thiệu tại triển lãm UAV Đài Loan.
|
Ngoài vấn đề phân tán ra, chi phí của dự án máy bay không người lái vũ trang hạng nặng cũng ít hơn so với mua hoặc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5, do đó cũng có thể để Không quân Đài Loan có thể trang bị mấy trung đoàn UAV tương đối nhanh chóng. Mà trong xung đột với Trung Quốc, mất máy bay chiến đấu không người lái cũng dễ dàng được người dân chấp nhận, bất luận là chi phí, hay là sự hi sinh của phi công chiến đấu.
Vì vậy, Đài Loan có thể thông qua sự “hi sinh” của máy bay không người lái để ngăn chặn hệ thống phòng không của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là sử dụng UAV kết hợp vớp hoạt động quân sự khác can thiệp vào C4ISR và hệ thống radar của quân đội Trung quốc, như tác chiến điện tử mang tính tấn công và tên lửa hành trình.
Tiêm kích cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng
Mặc dù dùng UAV vũ trang hoặc UAV “tự sát” có thể thực hiện nhiều kiểu tấn công trên lãnh thổ Trung Quốc, nhưng Đài Loan vẫn cần một số khả năng bao gồm chiếm ưu thế trên không tiếp tục bảo đảm khả năng tác chiến của máy bay chiến đấu thông thường. Bất luận thế nào, nếu một khi Đài Loan mất đi sự yểm hộ trên không, tất cả hệ thống vũ khí trên đất liền của Đài Loan bao gồm trực thăng AH-64E của Lục quân đều trở thành “mục tiêu”.
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc thông qua khả năng tấn công tên lửa phá hủy sân bay, tạo thành một thách thức lớn cho nền tảng này. Trên thực tế, những người phản đối Đài Loan mua máy bay F-16C/D do Mỹ chế tạo thường sử dụng kịch bản này. Trong trường hợp này, một trong những phản ứng mà Đài Loan có thể làm là mua hoặc tự nghiên cứu máy bay chiến đấu cất cách ngắn/hạ cánh thẳng đứng hoặc cất hạ cánh thẳng đứng. Loại máy bay này có thể làm giảm mối đe dọa của lực lượng tên lửa Trung Quốc.
|
Có được tiêm kích tàng hình cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng F-35B sẽ giúp Đài Loan duy trì đáng kể ưu thế trên không. Tất nhiên, việc sở hữu F-35B là điều khá khó khăn.
|
Hiện nay, Đài Loan cũng có ý định mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, nhưng xét về yếu tố chính trị và ngân sách, Washington dường như không muốn cung cấp loại tiêm kích tối tân này cho Đài Loan. Tuy nhiên, Đài Loan còn có lựa chọn khác, bao gồm mua máy bay chiến đấu khác hoặc tự nghiên cứu loại tương tự.
Nhiều phi công Đài Loan đều được huấn luyện tại Mỹ, vì vậy hiện nay về phương diện phi công, Đài Loan vẫn có ưu thế hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng cách này đang được thu hẹp, do Trung Quốc đang có được và phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 5, mà có thể sẽ có được kinh nghiệm chiến đấu thực tế trong thời gian tới. Thông qua việc đầu tư hiện đại hóa ưu thế trên không, Đài Loan có thể phá vỡ khả năng kiểm soát không phận eo biển Đài Loan của Trung Quốc.
Tên lửa hành trình đối đất
Mặc dù từ năm 2008 đến nay, quan hệ 2 bờ luôn rất tốt, nhưng chiến lược quốc phòng Đài Loan ngày càng có tính tấn công. Triển khai hàng loạt tên lửa hành trình Hùng Phong chính là ví dụ tốt nhất có thể minh họa cho điểm này. Loại tên lửa hành trình này giúp quân đội Đài Loan lựa chọn tấn công đối hạm và đối đất. Tên lửa Hùng Phong do Viện Nghiên cứu Khoa học Chung Sơn thực hiện chương trình phát triển, sản xuất.
Lưu ý rằng, mấy năm gần đây, trong phân bổ ngân sách quốc phòng cho dự án nghiên cứu, Viện Chung Sơn chiếm phần lớn. Theo báo cáo, viện này đang nghiên cứu một loại tên lửa hành trình đất đối đất đạt tầm xa đến 1.200km.
|
Đài Loan bắn thử nghiệm tên lửa hành trình Hùng Phong.
|
Tuy cơ quan quốc phòng Đài Loan luôn lẩn tránh trong liệu có vấn đề tồn tại trong dự án này, nhưng những nỗ lực này chắc chắn có ý nghĩa rất lớn. Trang bị tên lửa hành trình tầm trung và xa sẽ bổ sung phạm vi tấn công cho tên lửa Hùng Phong-2E (cự ly 650km), để quân đội Đài Loan có thể nhắm mục tiêu C4ISR, radar, căn cứ tên lửa, sân bay và các cơ sở hạ tầng quan trọng của quân đội Trung Quốc.
Tên lửa hành trình Hùng Phong phiên bản tăng tầm, trang bị đầu đạn thường có thể lợi dụng điểm yếu của Quân đoàn Pháo binh số 2, làm tê liệt khả năng phát động tấn công tên lửa đối với Đài Loan. Ngoài ra, nước này cũng có thể sử dụng những thông tin tình báo để nhắm vào các nút chỉ huy, kiểm soát quan trọng, đe dọa làm tê liệt khả năng phát động tấn công hạt nhân của Trung Quốc.
Thông qua một số kết hợp thiết bị phóng cố định và di động, Đài Loan có thể bảo đảm có đủ thiết bị phóng, duy trì khả năng tấn công đối với mục tiêu giá trị cao của Trung Quốc. Chắc chắn, tương lai gần, tên lửa hành trình tầm trung và xa phiên bản phóng trên tàu là hệ thống vũ khí không thể thiếu của quân đội Đài Loan.
Tàu ngầm
Hải quân Đài Loan hiện chỉ có 4 tàu ngầm, trong đó chỉ có 2 tàu ngầm còn khả năng tác chiến, 2 tàu ngầm khác chỉ dùng huấn luyện. Dẫu vậy, điều này cũng khiến cho Trung Quốc phải đau đầu, đấy là do hiện nay khả năng tác chiến chống ngầm của Hải quân Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Bất kỳ mối đe dọa không thể tìm thấy được tại eo biển Đài Loan và Tây Thái Bình Dương đều làm cho Trung Quốc ngần ngại.
|
Tàu ngầm của Hải quân Đài Loan.
|
Tất nhiên, đó là số lượng quá ít ỏi, Đài Loan cần phải có tàu ngầm mới và đây là nỗ lực không ngừng nghỉ của nước này trong suốt nhiều năm qua.
Hiện nay nhiều người đã cung cấp một số kế hoạch cho dự án tàu ngầm của Đài Loan. Tuy nhà máy đóng tàu Hải quân Mỹ không tái chế tạo tàu ngầm diesel, nhưng nhiều nước châu Âu vẫn đang đóng kiểu tàu này. Qua đó, có thể cung cấp những kiến thức rất có ích để Đài Loan nghiên cứu tàu ngầm.
Ngoài ra, việc Nhật Bản đang sửa đổi giới hạn chuyển giao vũ khí là cơ hội với Đài Loan. Theo nguồn tin từ Đài Loan, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, nhân viên kỹ thuật Nhật Bản có thể tạm thời “nghỉ hưu”, tới nhà máy đóng tàu Đài Loan, phối hợp giúp thiết kế thân tàu. Một lựa chọn khác là Đài Loan mua tàu ngầm đã qua sử dụng từ Nhật Bản, nhưng lựa chọn này tạm thời không khả thi, do tàu ngầm Nhật Bản phải đợi đến sau 18 năm mới ngừng hoạt động.
Bằng Hữu