Ngoài những biện pháp chủ động săn lùng, tìm diệt tàu ngầm bằng máy bay, hạm nổi hay tàu ngầm, còn có những biện pháp phòng vệ khác, mà điển hình là triển khai thủy lôi.
Phù hợp với Việt Nam
Cách làm này đặc biệt hiệu quả với những quốc gia có tiềm lực hải quân không mạnh như Việt Nam. Phương án này có thể ứng dụng trong phòng ngự bờ biển chống đổ bộ, bảo vệ quân cảng hay các mục tiêu quan trọng khác, chống hạm nổi, tàu ngầm đối phương xâm nhập.
Trong chiến đấu, việc sử dụng hợp lí thủy lôi có thể cắt đường vận chuyển, hình thành những vành đai chống tàu, ép đối phương phải di chuyển theo hải trình quân ta định sẵn để tấn công tiêu diệt, hay chí ít cũng khiến chúng mất nhiều thời gian quét lôi, gỡ mìn.
|
Tàu phóng từ 412 của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171 Hải quân rà phá thủy lôi trên luồng Nam Triệu, Hải Phòng năm 1972. |
Điển hình cho chiến thuật dùng thủy lôi để tấn công, phong tỏa đường biển là trong Chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, Không quân – Hải quân Mỹ đã phong tỏa cảng, sông miền Bắc (đặc biệt là ở Hải Phòng) bằng thủy lôi. Chiến thuật này đã không không ít khó khăn cho ta, thậm chí phải đổ máu để có thể tháo gỡ thủy lôi.
Ngược lại, bậc thầy trong sử dụng thủy lôi để phòng ngự là Hải quân Liên Xô. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nghệ thuật tác chiến Hải quân Liên Xô chú trọng xây dựng và chuẩn bị thế trận bằng thủy lôi và pháo binh, đây là phương pháp bắt buộc phải áp dụng khi tác chiến với những lực lượng mạnh hơn.
Thế trận này đã được xây dựng trên biển Baltic, nhằm ngăn chặn những cuộc đột kích của Hạm đội phát xít Đức vào khu vực phía Đông vịnh Phần Lan. Tuyến phòng thủ bao gồm những bãi thủy lôi được đặt trước cửa vịnh, và những trận địa pháo bờ biển bố trí bên sườn. Sâu bên trong trận địa phòng ngự là các hải đoàn chiến đấu. Kinh nghiệm của chiến tranh đã khẳng định hiệu quả phòng thủ của hạm đội trong khu vực gần bờ chống lại lực lượng hải quân đối phương mạnh hơn.
Phân loại thủy lôi
Công nghệ thủy lôi cũng có những bước phát triển mạnh, cho phép nâng cao hiệu quả tấn công, đánh cả hạm nổi và tàu ngầm ở độ sâu lớn. Đặc biệt là có nhiều loại thủy lôi cho phép triển khai từ tàu ngầm, bắn từ ống phóng cỡ 533mm của tàu ngầm. Các tàu ngầm Kilo Project 636 của Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng có thể rải 24 thủy lôi DM-1.
Thủy lôi có nhiều cách phân loại: theo vùng nước có thủy lôi đáy, thủy lôi neo (ở lưng chừng nước) và thủy lôi trôi; theo cơ cấu kích nổ có thủy lôi tiếp xúc (chạm nổ), không tiếp xúc (kích nổ bằng trường vật lí như âm thanh, từ trường …) và thủy lôi được điều khiển kích nổ từ xa.
- Về thủy lôi đáy, Liên Xô/Nga có rất nhiều loại: UDM, MDM, ADM, IGDM, UDM…; Mĩ có các loại Mk-52, Mk-65 …; Anh có Stonefish, Sea Urchin hay Dragonfish; Trung Quốc cũng chế tạo các loại thủy lôi đáy EM-11, EM-53.
Thủy lôi đáy nằm lẫn trong bùn đất, vùi dưới cát, nên rất khó phát hiện, tháo gỡ. Điển hình là các loại MDM của Nga, kích nổ không tiếp xúc bằng 3 kênh cảm ứng âm thanh, cảm ứng từ trường và cảm ứng thủy lực.
Các loại thủy lôi MDM đều có thể triển khai từ hạm nổi, riêng MDM-1, MDM-6 có thể thả từ tàu ngầm và MDM-6 thả từ máy bay. Như vậy, MDM-6 là loại thủy lôi đáy linh hoạt nhất, có thể sử dụng nhiều loại phương tiện để triển khai.
|
Thủy lôi đáy MK-65 gắn trên cánh máy bay săn ngầm P-3C Orion. |
- Về thủy lôi neo, Liên Xô/Nga có các loại AGM, KB, KB Krab, AGSB, KAM, KPM, IAM… Nga cũng đã chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ chế tạo thủy lôi neo EM-31, EM-32.
Quân đội các nước khác cũng phát triển hàng loạt các loại thủy lôi neo tiên tiến, như Mk-56 của Mỹ, DM-51 (Đức), MAS-22 và MAL-17 (Italy), MTP-19 (Na Uy), BGM-600 (Thụy Điển), lôi Carmina (Tây Ban Nha)…
Trong đó, tiêu biểu là các loại thủy lôi neo PM-1, PM-2 (Nga) với lượng nổ lớn, kích nổ không tiếp xúc. PM-2 sử dụng được cả ở vùng nước đóng băng, có thêm anten cảm biến, có 2 điện cực nối vào biến áp cảm nhận, khi thủy lôi lơ lửng trong nước thì chính nước đóng vai trò dung dịch điện phân giúp cho thủy lôi PM-2 kích nổ nhạy hơn, chống cả hạm nổi lẫn tàu ngầm ở độ sâu lớn.
Riêng thủy lôi trôi đã bị công ước quốc tế cấm nghiên cứu phát triển, vì quá nguy hiểm với tàu thuyền, kể cả tàu thuyền không tham chiến. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn chế tạo thủy lôi trôi EM-52, với 8 biến thể khác nhau tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, còn có nhiều loại thủy lôi khác như thủy lôi tự chuyển động MDS (Nga). Đây là loại thủy lôi có động cơ đẩy, khi thả từ ngầm nó sẽ “bơi” tới vị trí rải.
|
Phương thức hoạt động của thủy lôi tự hoạt MDS. |
Thủy lôi MDS và bản hiện đại hóa SMDM có thể triển khai từ các ống phóng ngư lôi của tàu ngầm, với ống phóng 533mm thì tầm bắn là 17km, với ống phóng 650mm thì bắn xa đến 50km. Động cơ đẩy ngư lôi được dẫn đường quán tính, đưa thủy lôi đến vị trí rải.
Loại thủy lôi này có bán kính sát thương lớn, lên đến 50m, kích nổ không tiếp xúc bằng từ trường hoặc âm thanh. Hoặc như các hệ thống ngư – thủy lôi được rải như thủy lôi, nhưng mang đầu đạn ngư lôi hoặc tên lửa diệt hạm. Khi được kích hoạt sẽ phóng ngư lôi, tên lửa diệt tàu địch.
Với một nước còn khó khăn về kinh tế như Việt Nam, thì việc triển khai phòng ngự bằng thủy lôi trong tác chiến hải quân cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để bảo vệ vùng biển Tổ quốc.
Lương Minh