Vật lộn giữa đại dương
Tới 12h19 phút, dường như đã đến vạch giới hạn của thảm họa, thuyền trưởng Vanin bỏ qua các qui tắc bảo mật, gửi bức điện ghi rõ tên tàu ngầm, vị trí và tình trạng thảm họa. Hải quân phản hồi ngay, Đô đốc Chernavin tư lệnh hạm đội được cấp báo khi đang họp tại Bộ quốc phòng, ông ta ra lệnh cho sở chỉ huy thực hiện ứng cứu khẩn cấp, bao gồm cả nhờ đến sự giúp đỡ của Na Uy.
Sở chỉ huy Hạm đội Biển Bắc thấy có 3 tàu Liên Xô trong khu vực cách Komsomolets hơn 100km và ra lệnh cho họ chạy đến khu vực giải cứu. Máy bay cứu hộ của hạm đội cũng cất cánh từ bán đảo Kola lúc 12h43, nhưng thủy phi cơ Be-12 lại không được gửi đi cũng như không ai báo động đến sự giúp đỡ của Na Uy. Còn phía Na Uy mặc dù đã biết về thông tin vụ việc thông qua hệ thống nghe lén, nhưng họ trì hoãn giúp đỡ vì cho rằng đây cũng có thể là một vụ diễn tập cứu nạn (?!)
|
Vị trí tàu ngầm Komsomolets gặp nạn trên biển Na Uy.
|
Đến 14h20 phút, máy bay cứu hộ liên lạc với Vanin và được biết rằng ngọn lửa đã được kiểm soát. Hầu hết thủy thủ đứng chờ trên boong tàu, đến 2h40, máy bay len qua làn mây mù và phát hiện được vị trí của Komsomolets. Tầm nhìn tốt, thủy thủ đã nghe thấy tiếng máy bay, nghĩ rằng tàu sẽ đến cứu sớm, họ không hề mặc áo bảo hộ chống rét, mặc dù nhiệt độ nước chỉ có 2 độ C đủ giết họ trong vòng 15 phút. Một lúc sau gió bắt đầu thổi mạnh, sóng biển bắt đầu đánh mạnh, thủy thủ phải bám vào sàn tàu trơn trượt. Hai giờ tiếp theo dường như mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.
Tàu cứu hộ dự kiến sẽ tới lúc 18h, hầu hết các thủy thủ đã lên boong tàu đứng chờ vì khói trong tàu quá ngột ngạt, trong phòng chỉ huy tầm nhìn giờ chỉ được khoảng 15cm. Vẫn còn vài người ở đây, Vanin, Yudin, và Molchanov trong phòng chỉ huy, Ispenkov đảm trách động cơ diesel, và thêm Slyusarenko, Krasnobayev, Chernikov vẫn ở bên trong để cứu con tàu.
|
Phác họa tình trạng tàu ngầm Komsomolets đang nằm dưới đáy biển.
|
Đã hơn 4 giờ đồng hồ thuyền trưởng Vanin phải chiến đấu để cứu con tàu ngầm của Hải quân Liên Xô, ông ta lên danh sách các việc cần làm để ngăn nước biển tràn vào, trong tay ông ta giờ chỉ có các thiết bị hư hỏng và bầu không khí độc hại, và gần như thiếu hoàn toàn thông tin về tình trạng hệ thống.
Đến 16h30 phút, Vanin ra lệnh cho các khoang chứa nước xả để cân bằng con tàu, nhưng chúng không hoạt động và nước bắt đầu tràn vào nhanh ở đuôi tàu, khả năng chịu lực của vỏ con tàu giờ đây đã qua mức giới hạn. Giờ thì không còn cách nào có thể cứu tàu ngầm K-278 Komsomolets nữa. Thời điểm 16 giờ 42 phút, thuyền trưởng Vanin ra lệnh bỏ tàu đồng thời gửi bức điện cuối cùng của anh ấy.
Đến 17 giờ hai bè cứu sinh đã được chuẩn bị và máy bay cứu hộ thả thêm các thiết bị cứu sinh nữa, thủy thủ bắt đầu sơ tán lên chúng. Thuyền trưởng Vanin, lúc đó lại trở vào tàu ngầm để để tìm kiếm nhằm đảm bảo không còn ai sót lại. Nhưng Komsomolets lúc này chìm quá nhanh, thủy thủ cuối cùng sơ tán trên boong phải đóng nắp ra vào để tránh nước tràn vào tàu thông khoang chỉ huy. Tàu ngầm Komsomolets có khoang cứu hộ khẩn cấp, và họ hy vọng rằng nó sẽ hoạt động tốt. Lúc 17h08, đuôi tàu bắt đầu chìm, trong khi còn 1 giờ nữa tàu cứu hộ mới tới nơi.
|
Tàu ngầm hạt nhân K-278 Komsomolets.
|
Hy sinh trong khi làm nhiệm vụ
Tình trạng của những người đã thoát ra lúc này cũng không khá hơn, một bè cứu sinh đã bị lật, có người ngồi trên nhưng cũng có một số thủy thủ phải bám vào hai bên thân phao, phao còn lại chìm với tàu nhưng sau đó nổi lên, tuy vậy lại trôi quá xa cho các thủy thủ. Máy bay cứu hộ cũng thả thêm một số nhưng chừng đó là không đủ cho 50 con người đang lênh đênh trên mặt biển lạnh giá.
Trên bè cứu sinh chính, ngón tay các thủy thủ bắt đầu tê cóng, bác sĩ Zayats nói họ ngậm tay vào miệng, có vẻ tạm hiệu quả nhưng sau 1 giờ thì hơn một nửa, trong đó có Babyenko và Filippov, không vượt qua được và chết đuối.
|
Phác họa khoang thoát hiểm tách khỏi tàu ngầm gặp nạn.
|
Còn lúc này bên trong tàu ngầm Komsomolets có sáu người vẫn còn sống. Thuyền trưởng Vanin dẫn họ tới hy vọng cuối cùng, khoang thoát hiểm. Dù sao vẫn còn cơ may hy vọng chứ thủy thủ tàu ngầm Mỹ thì thậm chí còn chẳng có tùy chọn này. Họ đóng cửa khoang, Vanin đếm “anh ta, Yudin, Slyusarenko, Krasnobayev, Chernikov . . . còn 1 người nữa . . . Ispenkov. Họ nghe thấy tiếng đấm cửa, và cố gắng mở nhưng đã quá muộn. Komsomolets chìm xuống độ sâu 90m, 150m, 300m.
Ở độ sâu 400m thông số không còn được ghi nhận nữa nhưng con tàu vẫn tiếp tục chìm. Các thủy thủ cố gắng tách khoang thoát hiểm nhưng không thể, bỗng dưng một vụ nổ làm rung chuyển con tàu và khoang thoát hiểm được tách ra, nổi lên mặt nước. Khi lên mặt biển, nắp khoang bung ra, nhưng chỉ mỗi Slyusarenko có thể thoát ra, còn Vanin, Yudin, Krasnobayev, và Chernikov chìm cùng khoang thoát hiểm xuống đáy biển, nơi con tàu ngầm Komsomolets đang nằm ở độ sâu hơn 1.500m.
|
Cận cảnh phần thượng tầng tàu ngầm nằm sâu dưới đáy đại dương lạnh giá.
|
Đến 18h hơn, một tàu đánh cá đã tới và vớt được 30 thủy thủ, trong số 69 thủy thủ thì 39 người đã chết. Molchanov được tìm thấy và tuy cảm thấy ổn, nhưng khói hít phải trong quá trình anh ta cố gắng ghi nhật ký hành trình trong phòng chỉ huy và sự băng giá của nước biển đã khiến anh ta và 2 người nữa chết sau đó. Bác sĩ Zayats và sĩ quan Slyusarenko nằm trong số những người sống sót.
Như vậy, trong số 69 thủy thủ trên tàu ngầm Komsomolets, chỉ có 27 người sống sót sau thảm họa, 42 người còn lại, đa phần chết vì lạnh cóng giữa biển Na Uy lạnh giá, còn thuyền trưởng con tàu đã chìm theo con tàu của ông xuống đáy biển. Ngày 7/4 sau này cũng được dành làm ngày kỉ niệm những thủy thủ tàu ngầm đã hy sinh.
Quang Minh