Từ khi thành lập năm 1955 và phát triển tới ngày nay, trong việc đặt tên gọi cho các tàu chiến, tàu vận tải, Hải quân Nhân dân Việt Nam thường chỉ đặt phiên hiệu (HQ-số hiệu) mà không đặt thêm tên gọi (dùng địa danh hoặc tên tướng lĩnh) như hải quân nhiều nước trên thế giới.
Ví dụ như Hải quân Mỹ, họ đặt tên các vị Tổng thống trong lịch sử cho lớp tàu sân bay, trong khi lớp tàu ngầm thì đặt theo tên thành phố, tên bang hoặc tàu đổ bộ lớn thì dùng tên các trận chiến. Hay như Hải quân Nga thì dùng tên thành phố hoặc tên các vị đô đốc trong lịch sử để đặt tên cho tàu sân bay, tàu chiến, tàu ngầm…
|
Hai tàu hộ vệ Gepard 3.9 đầu tiên vinh dự mang tên 2 vị vua nổi tiếng trong sử Việt.
|
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Hải quân Việt Nam cũng bắt đầu dùng cách đặt thêm tên ngoài phiên hiệu cho các tàu chiến. Những chiếc tàu đầu tiên được đặt thêm tên là 2 hộ vệ hạm Gepard 3.9 Project 11661 mua của Nga. Trong đó, chiếc đầu tiên được đặt tên là Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và chiếc thứ 2 là Lý Thái Tổ (HQ-012). Tàu Gepard 3.9 được lấy tên gọi của những vị vua nổi tiếng trong sử Việt. Sau đó có cả tàu bệnh viện HQ-561 đặt tên là Khánh Hòa.
Câu hỏi đặt ra là vậy 6 tàu ngầm phi hạt nhân tấn công Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) mà Việt Nam mua của Nga sẽ được gọi theo tên nào?
Theo nguồn tin Nga, tất cả 6 tàu ngầm Kilo Project 636 sẽ được Việt Nam lấy tên gọi các thành phố đặt cho, kèm phiên hiệu HQ-18x.
Theo đó, chiếc tàu đầu tiên mang Hà Nội (HQ-182), tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh (HQ-183), Hải Phòng (HQ-184), Đà Nẵng (HQ-185), Khánh Hòa (HQ-186) và Bà Rịa - Vũng Tàu (HQ-187).
Vào tháng 9/2010, nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi (Nga) chính thức khởi công đóng tàu ngầm Kilo Hà Nội. Tới tháng 8/2012, Hà Nội chính thức được hạ thủy bắt đầu tiên hành hoạt động thử nghiệm. Ngày 7/11/2013, tàu ngầm Hà Nội chính thức được chuyển giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam tại cảng nhà máy Verfi và ngày 14/11 thì lên tàu vận tải Rolldock Sea (Hà Lan) bắt đầu về nước.
|
Tàu ngầm Kilo Project 636 đầu tiên được vinh dự mang tên Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
|
Dự kiến, trong năm 2014, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ nhận 2 tàu ngầm TP.HCM (HQ-183) và Hải Phòng (HQ-184). Hiện cả 2 tàu đã bắt đầu các hoạt động thử nghiệm ở cảng và trên biển.
Trong tháng 2/2013, nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi tổ chức lễ cắt thép cho chiếc tàu ngầm Kilo thứ 6 mang tên Bà Rịa Vũng Tàu (HQ-187), chiếc cuối cùng trong khuôn khổ hợp đồng.
Tàu ngầm Project 636 có lượng giãn nước toàn tải 4.000 tấn, dài 74m, rộng 9,9m, thủy thủ đoàn 52 người. Tàu được đánh giá là tạo ra tiếng ồn rất thấp khi hoạt động, khiến hệ thống trinh sát đối phương rất khó phát hiện.
Project 636 thiết kế với 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm cho phép phóng nhiều loại ngư lôi (cơ số tối đa 18 quả), thủy lôi (tối đa 24 quả) và đặc biệt nhất là tên lửa hành trình tấn công đa năng Klub-S (với 4 kiểu loại đạn chống tàu mặt nước, đối đất và chống tàu ngầm).
Các tàu ngầm xuất khẩu cho Việt Nam cũng trang bị hệ thống điện tử rất hiện đại, ví dụ như hệ thống định vị thủy âm kỹ thuật số MGK-400EM có khả năng phát hiện ngư lôi, tàu ngầm, tàu mặt nước ở cự ly xa.
Hoàng Lê