Theo bài phân tích trên tờ RIR, mẫu động cơ phản lực thế hệ mới dành cho tiêm kích tàng hình Su T-50 của Nga chỉ sẽ được trang bị thử nghiệm sớm nhất vào năm 2018.
Được biết giai đoạn thử nghiệm thứ hai của mẫu động cơ phản lực thế hệ mới dành cho Su T-50 vừa bị hoãn lại, có nghĩ là phải đợi tới năm 2018 nó mới được tích hợp mẫu động cơ này thay vì vào 2017 như kế hoạch dự kiến ban đầu.
Vladimir Prokhvatilov – Chuyên gia tại Học viện Khoa học Quân sự Nga cho rằng, việc phát triển một mẫu động cơ phản lực mới hoàn toàn không phải đơn giản. Nó khá phức tạp do đó việc thử nghiệm hiệu suất hoạt động của một mẫu động cơ mới thường cần có thời gian. Tuy nhiên điều này lại kéo dài thời hạn hoàn tất chương trình Su T-50 PAK FA và những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên của Nga sẽ không được đưa vào trang bị sớm hơn năm 2025.
|
Nguyên mẫu PAK FA mang số hiệu 055 với một bên động cơ bốc cháy trong một đợt thử nghiệm vào năm 2014.
|
Tính cho tới thời điểm hiện tại, Sukhoi đã xây dựng 5 nguyên mẫu Su T-50 đầu tiên và chúng đều sử dụng mẫu động cơ phản lực cũ là AL-41F1 với lực đẩy khô 93,1 kN và 147 kN ở lực đẩy khi đốt sau. Tuy nhiên các thông số kỹ thuật của AL-41F1 lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn của một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, bên cạnh đó nó còn có mức tiêu thụ nhiêu liệu lớn.
Trong khi đó, mẫu động cơ phản lực thế hệ thứ hai dành cho Su T-50 đều có mức sử dụng nhiên liệu cũng như tỷ lệ lực đẩy trọng lượng tối đa hiệu quả hơn hẳn so với mẫu động cơ phản lực cũ. Ngoài ra nó cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn dành cho một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và chiếc Su T-50 có thể dễ dàng đạt tới hành trinh siêu âm mà không cần tới lực đẩy khi đốt sau.
Theo một số chuyên gia phân tích quân sự nhận xét, việc hoãn thử nghiệm động cơ mới cho Su T-50 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án này, nhưng nó cũng không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Nga. Khi mà Không quân Nga đã đưa vào trang bị hàng loạt Su-35 dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4++ và chúng vẫn sẽ hoạt động hiệu quả thêm ít nhất vài chục năm nữa.
Bên cạnh đó, hiện tại chính phủ Nga đang xem xét cắt giảm danh mục vũ khí dự định sẽ mua trước đây nhằm cân đối chi tiêu và không chỉ riêng gì Nga mà cả Quân đội Mỹ và các nước Phương Tây cũng trong tình trạng tương tự. Do đó xét về mặt tổng thể việc sở hữu Su T-50 sớm hay muộn cũng còn quan trọng trong thời điểm hiện tại và không ảnh hưởng đến khả năng phòng vệ của Moscow.
|
Động cơ phản lực AL-41F1 đang được trang bị trên các nguyên mẫu PAK FA hiện tại
|
Trong khi đó, các nguồn nhân lực dành cho chương trình sẽ được Bộ Quốc phòng Nga chuyển qua các dự án khác, điển hình như tăng cường dây chuyền sản xuất các dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4++ của Sukhoi và Mikoyan. Và không có gì phải ngạc nhiên khi Sukhoi tiến hành chuyển giao cho Không quân Nga hơn 10 chiếc Su-35 trong năm 2015.
Tiêm kích Su T-50 là dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên của Nga, với thiết kế khí động học, 70% thân máy bay làm bằng vật liệu tổng hợp và hệ thống vũ khí được đặt bên trong thân mát bay khiến nó khó bị phát hiện bởi hệ thống radar giám sát của đối phương. Bên cạnh đó PAK FA còn được trang bị hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động giúp nó có thể theo dõi cùng lúc lên tới 30 mục tiêu và tấn công 8 mục tiêu trong số đó.
Tuấn Đặng