Hiện nay trên thế giới, Nga, Mỹ và Trung Quốc là 3 quốc gia có số lượng xe tăng lớn nhất. Theo thống kê, Quân đội Nga hiện đang sở hữu số lượng xe tăng nhiều nhất trên thế giới với khoảng 21 - 22 nghìn chiếc (bao gồm cả các loại xe tăng ngoài trang bị). Tiếp theo là Mỹ với 9.125 chiếc (trong đó có 8.700 xe tăng M1 Abrams) và Trung Quốc với khoảng 8.500 - 9.000 chiếc (chủ yếu là xe tăng Type 96).
|
Xe tăng - phương tiện chiến đấu chủ lực trên bộ. (ảnh: RIA Novosti) |
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hiện nay Quân đội Nga được trang bị 3 loại xe tăng là T-72, T-80 và T-90, với tổng số khoảng 13 - 14 nghìn chiếc. Xe tăng mới nhất T-14 Armata được giới thiệu tại Lễ Duyệt binh ngày 9/5/2015 không có tên trong danh sách, vì nó vẫn chưa chính thức được đưa vào trang bị. Cùng với đó, Nga còn khoảng 8.000 xe tăng T-55, T-62 và T-64, trong đó nhiều nhất là T-55. Đây là mẫu xe tăng thuộc thế hệ thứ nhất, được Nga sản xuất sau chiến tranh thế giới II, với số lượng khoảng trên 20 nghìn chiếc. Hiện vẫn còn khoảng 2.800 xe tăng T-55 có thể sử dụng. Tiếp đó là xe tăng T-64, với khoảng 2.300 chiếc. Các xe tăng T-62 đã được Quân đội Nga đưa ra khỏi trang bị vào năm 2011, tuy nhiên vẫn còn khoảng 1.600 chiếc có khả năng tái sử dụng khi cần thiết.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 “Ural”
T-72 là loại xe tăng được sản xuất loạt nhiều nhất từ trước tới nay với gần 30 nghìn chiếc, trong đó có khoảng 2.000 chiếc hiện có trong trang bị của Quân đội Nga. T-72 bắt đầu được đưa vào trang bị từ tháng 7/1973 và đến năm 2005, tức là 32 năm sau, Nga mới ngừng sản xuất loại xe tăng này. “Cha đẻ” của T-72 - kỹ sư trưởng Leonid Kartsev cho biết, các chuyên gia nước ngoài đánh giá T-72 là loại xe tăng tốt nhất và được sử dụng nhiều nhất trong nửa sau thế kỷ XX.
Trong hơn 3 thập kỷ tồn tại, T-72 đã nhiều lần được cải tiến. Số lượng các phiên bản cải tiến của chúng gồm T-72A và T-72B, hiện đại hơn là T-72BA và T-72B3 và kiểu xuất khẩu (khoảng 20 mẫu khác nhau).
Kiểu cải tiến đầu tiên là T-72A ra đời vào năm 1979. T-72A được trang bị các thiết bị quan sát và dẫn đường hiện đại hơn, nòng pháo mới hơn, giáp bảo vệ dày hơn và động cơ công suất lớn hơn so với T-72 phiên bản cơ sở. Tiếp theo là T-72B xuất hiện sau đó 6 năm, được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực “Svir”, hệ thống bảo vệ động lực học “Kontakt”, động cơ mới và nòng pháo kiểu mới. T-72BA là kiểu cải tiến sâu của T-72B bằng cách tăng cường hệ thống bảo vệ, hệ thống điều khiển hỏa lực cũng được hoàn thiện hơn. Kiểu cải tiến mới nhất là T-72B3 bắt đầu được Quân đội Nga đưa vào trang bị trong khoảng 3 năm trở lại đây. T-72B3 được trang bị động cơ mạnh nhất, khung gầm hoàn thiện nhất và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại nhất, cho phép sử dụng các loại vũ khí hiệu quả hơn.
|
Xe tăng T-72. (ảnh: Vitaly Ankov) |
Một số tính năng kỹ - chiến thuật của T-72:
- Khối lượng: 41 tấn;
- Vũ khí chủ yếu: pháo 125 mm; súng máy 12,7 mm và 7,62 mm;
- Kíp lái: 3 người;
- Vận tốc (trên địa hình): 35 - 45 km/h.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80
T-80 được đưa vào trang bị muộn hơn 3 năm so với T-72, tuy nhiên các chuyên gia lại xếp nó vào nhóm xe tăng thế hệ thứ 3, vì đây là loại xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị động cơ tuốc-bin khí. Mặc dù thừa hưởng nhiều bộ phận từ T-72 và T-64 nhưng cấu trúc và ý tưởng thiết kế của T-80 là hoàn toàn mới. Điều đó giúp cho T-80 có tiềm năng cải tiến lớn và được Quân đội Nga duy trì trong trang bị cho đến nay.
Kiểu cải tiến đầu tiên của T-80 xuất hiện vào năm 1985 với ký hiệu T-80U. Một số chuyên gia cho rằng, đây là 2 mẫu xe tăng khác nhau bởi vì T-80U có hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại hơn, động cơ mạnh hơn và hệ thống bảo vệ, bao gồm cả hệ thống động lực học hoàn thiện hơn. Chính vì thế, T-80U là kiểu xe tăng có trong trang bị của Quân đội Nga nhiều nhất hiện nay (khoảng 4.000 chiếc). Đến nay, Nga đã sản xuất khoảng 10 nghìn chiếc, trong đó có hơn 6.500 chiếc là T-80U.
|
Xe tăng T-80. (ảnh: Alexei Malgavko) |
Một số tính năng kỹ - chiến thuật chủ yếu của T-80:
- Khối lượng: 42 tấn (46 tấn đối với T-80U);
- Vũ khí chủ yếu: pháo 125 mm; súng máy 12,7 mm và 7,62 mm;
- Kíp lái: 3 người;
- Vận tốc (trên địa hình): 50 - 60 km/h.
Xe tăng chiếu đấu chủ lực T-90 “Vladimir”
Trong các cuộc thử nghiệm vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, T-90 được ký hiệu là T-72BU, bởi đây là một biến thể cải tiến sâu của xe tăng T-72. Tuy nhiên, kết quả của những lần điều chỉnh sau thử nghiệm đã làm cho các tính năng cũng như khả năng của xe tăng này khác xa so với các xe tăng trước đây, vì thế năm 1992, khi bắt đầu được đưa vào trang bị, xe tăng mới này được ký hiệu là T-90.
Điểm khác biệt của T-90 so với các loại xe tăng trước đây là ở tổ hợp điều khiển hỏa lực tự động với máy tính toán đường đạn kỹ thuật số. Năm 2006, T-90 được cải tiến với hàng loạt thay đổi và được ký hiệu là T-90A. T-90A được trang bị kính ngắm hồng ngoại ngày/đêm, hệ thống ổn định vũ khí với thiết bị nạp đạn tự động đảm bảo hiệu quả chiến đấu cao của các loại vũ khí trong xe, thân vỏ và tháp pháo được bảo vệ chắc chắn hơn, động cơ đi-ê-den công suất lớn hơn.
Năm 1999, sau khi kỹ sư trưởng Vladimir Potkin - “cha đẻ” của T-90 qua đời, xe tăng này được đặt tên là Vladimir để tưởng nhớ công ơn của ông.
|
Xe tăng T-90. (ảnh: Alexander Vilf) |
Một số tính năng kỹ - chiến thuật của T-90:
- Khối lượng: 46,5 tấn;
- Vũ khí: pháo 125 mm; súng máy 12,7 mm và 7,62 mm;
- Kíp lái: 3 người;
- Vận tốc (trên địa hình): 40 - 50 km/h.
Năm 2011, Nga ngừng việc trang bị thêm các xe tăng T-72, T-80 và T-90 và lên kế hoạch thay thế chúng bằng các xe tăng mới nhất là T-14 Armata - xe tăng thế hệ 4 đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch mua sắm tới năm 2020 của Bộ Quốc phòng Nga chỉ là 2.300 chiếc T-14, cho nên các xe tăng T-72, T-80 và T-90 sẽ vẫn còn duy trì trong Quân đội Nga thêm nhiều năm nữa.
Theo Minh Châu/ Báo Điện Tử Quốc Phòng