|
F-35 quá nhỏ bé so với sự rộng lớn của châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Securityaffairs |
Tạp chí Diplomat trích dẫn bài viết của tác giả Bill French và Daniel Edgren đăng trên diễn đàn National Security Network (NSN), Mỹ, nhận định về khả năng của tiêm kích tàng hình F-35 khi hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 2 nhà phân tích cho rằng, chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ có thiếu sót lớn khiến nó không phù hợp để đáp ứng các mối đe dọa đang nổi lên.
French và Edgren đồng quan điểm rằng, phạm vi hoạt động của F-35 quá ngắn so với sự rộng lớn của châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, bán kính hoạt động của siêu tiêm kích này khoảng 1.000 km. Trong khi đó, Su-27 hay J-11, những tiêm kích chủ lực của Trung Quốc có bán kính chiến đấu khoảng 1.400 km.
Trong những năm gần đây, Mỹ theo đuổi kế hoạch đối phó với chiến lược chống tiếp cận/từ chối khu vực (2A/2D) của các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch dự bị về cuộc chiến tiềm năng với Bắc Kinh.
Daniel Edgren lập luận, thiếu sót lớn nhất của F-35 là không thích hợp với các kịch bản không chiến trong khu vực này. Tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ có thể sẽ không đủ năng lực để bảo vệ các căn cứ của quân đội nước này trong một cuộc chiến nếu có. Khả năng sống sót trên chiến trường của F-35 phụ thuộc rất lớn vào công nghệ tàng hình có nguy cơ lỗi thời và trở nên không hiệu quả.
|
Chiến đấu cơ đắt giá nhất nước Mỹ sẽ còn là chủ đề gây tranh cãi trong thời gian tới. Ảnh: Wikipedia |
Để thành công trong không chiến, F-35 phải tiêu diệt được máy bay đối phương bằng các loại tên lửa tầm xa nhằm tránh rơi vào trạng thái chiến đấu tầm gần. Tuy nhiên, tiêm kích này lại có tải trọng vũ khí khá hạn chế trong 2 khoang nhằm tối đa tính năng tàng hình.
Với cấu hình chiến đấu đầy đủ nhất, siêu tiêm kích chỉ có thể mang theo 4 tên lửa tầm xa. Trong khi đó, Su-27 có đến 10 điểm treo, Su-35 tới 12 giá cho vũ khí hỗn hợp cả tầm xa lẫn tầm gần.
Nếu F-35 không thể tiêu diệt đối phương từ khoảng cách xa, tiêm kích này sẽ rơi vào thế bất lợi trong không chiến cự ly gần. Ngoài vấn đề hạn chế về khả năng nhào lộn, tốc độ của chiến đấu cơ này chậm hơn so với các tiêm kích Su-27 hay J-11. Tốc độ tối đa của F-35 là Mach 1,6 (1.800 km/h) so với Mach 2,2 (2.500 km/h) của Su-27. Vũ khí đắt giá nhất nước Mỹ hoàn toàn bất lợi trong một cuộc rượt đuổi nếu có.
Trong một thử nghiệm mô phỏng do công ty Rand (một tổ chức cố vấn cho Lầu Năm Góc) thực hiện, tỷ lệ tổn thất của F-35 khi đối mặt với Su-35 là 2,4/1 (tức là Mỹ phải chịu tổn thất 2,4 chiếc F-35 mới bắn hạ được một Su-35). Nhưng dữ liệu thử nghiệm của Lầu Năm Góc lại cho kết quả một F-35 tiêu diệt 3 Su-27 hoặc MiG-29.
"Một chiến đấu cơ thế hệ 5 nhưng không thể nắm lợi thế so với tiêm kích thế hệ 4 thì làm sao có thể chiếm ưu thế với máy bay thế hệ mới khác", chuyên gia French nhận xét. Trong khi đó, Lầu Năm Góc chưa có đủ dữ liệu để đánh giá F-35 so với các tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 của Nga hay J-20 và J-31 của Trung Quốc.
Theo kế hoạch, Không quân Mỹ sẽ chuyển 60% lực lượng đến khu vực châu Á vào năm 2020. Hai nhà phân tích bày tỏ sự lo lắng về năng lực hạn chế của F-35 có thể khiến Washington bất lợi trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Zing News