Tờ WCT đưa tin, Nga và Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận cùng nhau phát triển một biến thể máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 dựa trên tiêm kích đa năng Su-35 vốn là một máy bay chiến đấu thế hệ 4++ đang được Không quân Nga sử dụng.
Biến thể máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-35 sẽ sở hữu sức mạnh tương đương với các dòng máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và F-35 Lightning II. Kể cả các biến thể Su-35 thế hệ 4++ đang được Không quân Nga trang bị cũng như các biến thể Su-35 mà Trung Quốc đang muốn đặt mua.
|
Su-35 của Trung Quốc chưa mua đã có nguy cơ bị lỗi thời trước Su-35S của Ấn Độ.
|
Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc lại cho rằng, biến thể Su-35 thế hệ thứ 5 không thể đủ sức cạnh tranh với các dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 J-20, J-31. Và Trung Quốc không cần phải bị cuốn vào một chạy đua vũ trang với Ấn Độ và Nga.
Biến thể thế hệ 5 Su-35
Theo một nguồn tin giấu tên từ Bộ quốc phòng Nga cho biết, Moscow và New Delhi đã nhanh chóng đi tới việc ký kết một thỏa thuận khung về việc phát triển một thiết kế mới dựa trên Su-35 dành riêng cho Ấn Độ với tên gọi là Su-35S. Trong khi đó, Sergey Chemezov - Giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec của Nga lại tiết lộ rằng, công ty này vừa hoàn tất quá trình đàm phán và đi tới ký kết hợp đồng sản xuất một biến thể Su-35 hoàn toàn mới.
Ông này cũng cho biết, phía Nga chỉ mới bắt đầu đưa ra một số thiết kế cho biến thể Su-35S của Ấn Độ nhưng chắc chắn biến thể này sẽ được phát triển dựa trên nguyên mẫu của một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
|
Mặc dù Ấn Độ và Nga rất hy vọng vào Su-35S nhưng để phát triển chương trình này cũng không mấy dễ dàng.
|
Quá trình chuyển đổi từ một dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4++ như Su-35 của Không quân Nga hiện tại sang một thiết kế thế hệ thứ 5 Su-35S của Ấn Độ sẽ phải cần tới một quá trình nâng cấp khá lớn. Điều này khiến nhiều chuyên gia quân sự đặt ra câu hỏi về khả năng của Su-35S khi so sánh nó với F-35 của Mỹ. Trước đó, một số nguồn tin từ Không quân Ấn Độ cho biết, Nga đã bắt đầu chào bán Su-35 cho Ấn Độ vào giữa năm 2014 như là một giải pháp thay thế cho các máy bay chiến đấu đã lỗi như MiG-21 hay MiG-27 của Không quân Ấn Độ chuẩn bị nghỉ hưu trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, Nga và Ấn Độ cũng đang cùng nhau hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 FGFA dựa trên nguyên mẫu tiêm kích PAK FA của Nga. Việc Nga và Ấn Độ cùng nhau phát triển hai chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 cùng lúc có thể khá dễ hiểu khi mà thương vụ mua 126 chiếc Rafale trị giá hàng chục tỷ USD giữa Ấn Độ và Pháp đổ vỡ.
Giá của một chiếc Su-35S chỉ khoảng 85 triệu USD cạnh tranh hơn rất nhiều so với cái giá trên trời mà phía hãng Dassault đưa ra cho mỗi chiếc Rafale, đây có thể là một trong những lý do khiến thương vụ Rafale nhanh chóng rơi vào bế tắc trong quá trình đàm phán. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Nga bất ngờ công bố chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 với Ấn Độ là nhằm chặn đường xuất khẩu tiêm kích Rafale của Pháp. Và cũngđể trả đũa việc Paris từ chối bàn giao 2 tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Mistral cho Moscow đúng thời hạn vì lý do khủng hoảng ở Ukraine.
|
Nhiều đánh giá cho rằng Su-35S là đòn trả đũa của Moscow dành cho Paris vì thương vụ Mistral.
|
Trung Quốc và những chiếc Su-35 thế hệ 4++
Trong năm 2014, giới truyền thông Trung Quốc cũng nhiều lần đưa tin về việc nước này sẽ trở thành quốc gia đầu tiên được Nga bán các máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35. Theo đó, Trung Quốc sẽ mua khoảng 24 chiếc Su-35 từ Nga, tuy nhiên số máy bay mà Trung Quốc muốn mua chỉ là những chiếc Su-35 thế hệ 4++, không phải biến thể máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-35S của Ấn Độ. Cho dù vậy thì Trung Quốc vẫn là nước thứ 2 trên thế giới đưa Su-35 vào trang bị chỉ sau Nga.
Hiện tại vẫn chưa rõ điểm khác biệt giữa Su-35 thế hệ 4++ và Su-35S. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quân sự Trung Quốc trả lời phỏng vấn tờ Hoàn Cầu cho biết, nhiều khả năng biến thể máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này sẽ được phát triển dựa trên tiêm kích đa năng Su-30MKI. Điều này sẽ dễ dàng hơn cho cả Ấn Độ và Nga khi phát triển hệ thống điện tử dành cho Su-35S, bao gồm cả việc phát triển hệ thống radar quét mảng pha điện tử thế hệ mới cùng với hệ thống cảm biến hồng ngoại giúp tăng khả năng theo dõi các mục tiêu tầm xa và liên kết hệ thống quản lý tác chiến trên không của Không quân Ấn Độ, tất nhiên là không thể thiếu cả hệ thống tác chiến và gây nhiễu điện tử.
|
Su-35S liệu có tạo nên sự khác biệt cho Không quân Ấn Độ.
|
Khả năng tàng hình của Su-35S chắc chắn cũng sẽ bị hạn chế do thiết kế của nó. Khi mà khả năng tàng hình của một số dòng máy bay thế hệ thứ 5 trên thế giới đều phụ thuộc vào lớp vật liệu tàng hình chống bức xạ của sóng radar và thiết kế khí động học đặc biệt điển hình như máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ. Trong khi đó các dòng máy bay tiêm kích đa năng như Su-30 hay Su-35 lại không được Sukhoi thiết kế để có thể tàng hình hoàn toàn trước hệ thống radar của đối phương. Do đó sẽ là quá khập khiễng khi so sánh khả năng tàng hình của Su-35S của Ấn Độ với F-22.
Cũng theo tờ Hoàn Cầu cho biết, mặc dù Ấn Độ và Nga ký đã kết thỏa thuận hợp tác phát triển Su-35S nhưng để biến thể này có thể được vào trang bị chính thức trong Không quân Ấn Độ thì sẽ phải cần tới một khoảng thời gian khá dài.
Trung Quốc: Mọi máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đều có thể lên được thế hệ thứ 5
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, mọi máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đều có thể được nâng cấp thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc nâng cấp hệ thống trang bị điện tử và nếu có đủ nguồn lực tài chính thì một chiếc Su-35 thế hệ 4++ cũng có thể vượt trội hơn một chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK FA của Nga.
|
Nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc tuyên bố rằng nước này không cần quan tâm tới Su-35.
|
Bên cạnh đó, việc nâng cấp hệ thống động cơ mới có lực đẩy lớn hơn thì Su-35 có thể bay linh hoạt hơn ở tốc độ siêu âm và không khác gì PAK FA. Cho dù khả năng tàng hình và tăng tốc của Su-35S chắc chắn sẽ không thể sánh bằng PAK FA hay F-22.
Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá, Trung Quốc sẽ không để tâm tới các biến thể Su-35S thế hệ thứ 5 của Ấn Độ khi so sánh với các biến thể Su-35 thế hệ 4++ của nước này. Vì với Trung Quốc những chiếc Su-35 của Nga chỉ đóng vai trò tạm thời trong lực lượng không quân, hay nói rõ hơn là Trung Quốc muốn có công nghệ trên Su-35 hơn là việc sở hữu chúng. Ngoài ra, khi tương lai Su-35S của Ấn Độ vẫn chưa mấy rõ ràng thì máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 J-20 của Trung Quốc đã sắp sửa đưa vào trang bị trong thời gian sắp tới.
Trà Khánh