Tiêm kích đa năng MiG-35 được Tổng công ty hàng không Mikoyan của Nga phát triển dựa trên mẫu MiG-29. Khác với thế hệ MiG-29, ngoài khả năng không chiến vượt trội MiG-35 còn có thể tiêu diệt cả các mục tiêu trên biển và dưới mặt đất.
Điểm mạnh của MiG-35 là hệ thống động cơ phản lực RD-33MK tích hợp công nghệ kiểm soát véc tơ lực đẩy đa chiều, điều này giúp MiG-35 thực hiện các bài bay siêu cơ động. Chính vì lý do này mà Tổng công ty Mikoyan luôn hy vọng MiG-35 sẽ lấy lại được thị trường Ấn Độ sau thất bại của tiêm kích đa năng Rafale của Pháp.
|
Nếu được đưa vào trang bị chính thức MiG-35 sẽ là ngôi sao sáng tiếp theo của Không quân Nga.
|
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi đạt tới tốc độ cần thiết MiG-35 hoàn toàn có thể thực hiện các kỹ thuật bay phức tạp với khả năng bay siêu cơ động. Khi thực hiện động tác này máy bay chuyển động nhanh về phía trước với góc tới 120 độ trước khi giảm tốc độ khiến toàn bộ phần thân và động cơ máy bay đều dựng đứng về phía trước theo chiều dọc, sau đó là bổ nhào vào tăng tốc trở lại.
Trước đó, kỹ thuật bay phức tạp này cùng các động cơ lực đẩy véc tơ chỉ được trang bị trên các dòng máy bay tiêm kích đa năng do Sukhoi chế tạo, với khả năng bay siêu cơ động các phi công lái máy bay chiến đấu của Nga hoàn toàn có thể dành được lợi thế chiến thuật trên không khi không chiến.
Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ với hãng thông tấn Interfax cho biết, trong tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay Tổng công ty hàng không Mikoyan sẽ ký một hợp đồng cấp nhà nước với Bộ quốc phòng Nga để phát triển một biến thể MiG-35 hoàn toàn mới, dựa trên các thông số kỹ thuật do Không quân yêu cầu.
|
Rào cản duy nhất giữa Bộ quốc phòng Nga và MiG-35 là vấn đề ngân sách.
|
Nhìn từ bên ngoài MiG-35 có hình dáng hầu như không có quá nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm của nó là MiG-29 với thiết kế gần như tương đồng. Tuy nhiên thiết kế kính buồng lái của MiG-35 lại khác so với MiG-29 và nó gần giống với máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 của Mỹ và PAK-FA Su T-50 của Nga. Bên cạnh đó, buồng lái của MiG-35 cũng được trang bị các màn hình hiển thị LCD đa chức năng.
Givi Janjgava – Giám đốc đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của KRET (công ty chuyên phát triển các thiết bị hàng không cho Không quân Nga) cho biết, buồng lái của MiG-35 được thiết kế dựa trên nguyên mẫu buồng lái của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 và được trang bị các công nghệ gần như tương tự.
Trong khi đó, biến thể hệ thống động cơ có kiểm soát vector thế hệ mới RD-33OVT dành cho MiG-35 cũng đang được Cục thiết kế Klimov phát triển với nhiều tính năng vượt trội hơn các phiên bản động cơ phản lực cũ. Các yếu tố này khiến MiG-35 hoàn toàn khác biệt so với Su-30 hay F-22 Mỹ, bên cạnh đó nó còn có thể hoạt động linh hoạt hơn trong mọi tình huống trên không.
Tiêm kích đa năng MiG-35 còn được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) Zhuk-AE.Radar này có tầm hoạt động lên tới 120km có thể theo dõi 30 mục tiêu cùng một lúc và thực hiện tấn công đồng thời 6 mục tiêu trong số đó bằng các tên lửa không đối không. Ngoài ra khả năng mang theo vũ khí của MiG-35 cũng được tăng lên đáng kể khi nó có thể mang theo 7 tấn vũ khí với 9 giá treo vũ khí gồm bom và tên lửa các loại, trong khi đó MiG-29 chỉ có thể mang theo tối đa 5,5 tấn.
|
Xét về mặt tổng thể thì MiG-35 có thể là một biến thể hiện đại hóa sâu của MiG-29. |
Cách đây không lâu, MiG-35 cũng là một trong những đại diện của Mikoyan tham gia vào chương trình đấu thầu cung cấp 126 máy bay chiến đấu thế hệ mới trị giá 10 tỷ USD cho Không quân Ấn Độ. Tuy nhiên chiến thắng lại thuộc tiêm kích đa năng Rafale của Pháp nhờ đưa ra giá bỏ thầu hấp dẫn cùng với đó là lợi thế về chương trình chuyển gia công nghệ cho Ấn Độ.
Nhưng hy vọng vẫn chưa hoàn toàn biến mất với tiêm kích thế hệ 4 MiG-35 khi mà thương vụ Rafale giữa Ấn Độ và Pháp có quá nhiều phát sinh không thể khắc phục. Cả hai bên đều chưa thể thống nhất một cái giá chung cho toàn bộ 126 chiếc Rafale cùng với việc chuyển giao công nghệ, thậm chí phía Bộ quốc phòng Ấn Độ còn cho rằng những chiếc Rafale của Pháp quá đắt so với giá bỏ thầu ban đầu. Theo đó Hãng hàng không Dassault Aviation của Pháp đã nâng giá gấp đôi mỗi chiếc Rafale từ 65 triệu USD lên 120 triệu USD, như vậy Ấn Độ phải bỏ ra từ 28 tỷ đến 30 tỷ USD cho 126 chiếc Rafale thay vì 10 tỷ như lúc trước.
|
Việc lựa chọn một dòng máy bay chiến đấu của Nga sẽ dễ dàng hơn cho Ấn Độ hơn là phải chọn máy bay chiến đấu của Châu Âu. Trong ảnh là một chiếc MiG-29 của Hải quân Ấn Độ.
|
Thêm vào đó, việc phải xây dựng lại các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật hậu cần cũng như việc đưa vào trang bị các loại bom và tên lửa mới sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho Bộ quốc phòng Ấn Độ. Trong khi đó các tướng lĩnh thuộc Không quân Ấn Độ lại nghiêng về phương án sử dụng một dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới do Nga sản xuất nhất là sau thành công của Su-30MKI ở nước này.
Cho đến hiện tại, nhiều khả năng New Delhi sẽ hủy bỏ thương vụ Rafale với Pháp nếu như Dassault không đưa ra được bất kỳ động thái tích cực nào. Như vậy việc Bộ quốc phòng Ấn Độ chuyển hướng sang tìm kiếm một mẫu máy bay khác sẽ là cơ hội cho MiG-35, khi mà các biến thể tiếp theo của dòng máy bay chiến đấu đa năng này có khả năng sẽ có thể triển khai được đồng thời trên bộ lẫn trên các tàu sân bay hạng nặng.
Tuấn Đặng