Ít ai biết rằng, các hệ thống quạt nâng độc đáo và ống xả vector cho phép F-35B cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) đã được thiết kế gần ba thập kỷ trước đây bởi Phòng Thiết kế Yakovlev (Liên Xô) cho máy bay chiến đấu siêu âm của họ, Yak-141.
Tốc độ ... và nhiều hơn nữa
Không giống như mẫu máy bay cất hạ cánh thẳng đứng và sử dụng đường băng ngắn rất thành công của Anh là Sea Harrier, thiết kế Yakovlev Yak-38 của Liên Xô gặp nhiều vấn đề trong vận hành.
Do đó, để phục vụ cho kế hoạch phát triển lực lượng Hải quân Xô viết của Đô đốc Gorshkov, năm 1975 Yakovlev được lệnh nghiên cứu, thiết kế mẫu máy bay cất hạ cánh thẳng đứng và sử dụng đường băng ngắn mới.
|
Thiết kế tiêm kích siêu thanh cất hạ cánh thẳng đứng Yak-141. |
Yêu cầu đặt ra là loại máy bay mới có một sự kết hợp chưa từng có giữa tốc độ siêu âm, khả năng cất hạ cánh thẳng đứng và đường băng ngắn, cùng tầm hoạt động lớn.
Vai trò chính của nó là để bảo vệ hạm đội hải quân của Liên Xô và các tuyến đường vận tải. Máy bay sẽ không chỉ hoạt động từ tàu sân bay, mà sẽ được sử dụng rộng rãi ở những nơi và những lúc không đảm bảo được điều kiện đường băng.
Thiết kế của Yakovlev đã bỏ các cấu hình hai động cơ phổ biến của Yak-38 và Sea Harrier vào “sọt rác”. Thay vào đó họ chỉ bố trí một động cơ duy nhất, có thể xoay 95 độ xuống với hai động cơ đẩy bổ sung nằm ở giữa thân máy bay, ngay phía sau trọng tâm. Các động cơ bổ sung sẽ được sử dụng khi cất hạ cánh thẳng đứng và khi bay treo. Các kĩ sư Yakovlev đặc biệt ưu tiên độ ổn định khí động học cho loại máy bay này, tránh lặp lại sai lầm ở Yak-38.
12 kỉ lục thế giới
Năm 1977, Yakovlev được “bật đèn xanh” để phát triển và nghiên cứu đầy đủ với tên gọi Yak-141. Đến tháng 3/1987, tiêm kích Yak-141 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.
Trong tháng 4/1991, phi công thử nghiệm Andrei Sintsyn thiết lập 12 kỷ lục thế giới trên chiếc Yak-141.
|
Động cơ chính có thể xoay đổi hướng và 2 động cơ phụ ở phía dưới gần buồng lái trên chiếc Yak-141. |
Yak-141 trang bị một động cơ phản lực Soyuz R-79V-300 và 2 động cơ đẩy phụ RD-41 cho phép đạt tốc độ vượt âm thanh Mach 1,7, tầm bay 1.400km, trần bay 15.500m. Máy bay mang được các loại tên lửa không đối không, không đối đất có điều khiển, bom và rocket
Nhưng những rắc rối sau đó đã sớm dìm chết loại máy bay chiến đấu đầy hứa hẹn Yak-141.
Ngày 5/10/1991, mẫu thử nghiệm Yak-141 bị rơi trong khi cố hạ cánh trên tàu sân bay. Sau đó là cuộc khủng hoảng kinh phí sau khi Liên bang Xô viết tan rã. Yakovlev không có nguồn tài chính để tiếp tục dự án, Yak-141 rơi vào quên lãng.
Hợp tác với Lookheed Martin
Cố gắng để tồn tại sau khi Liên Xô sụp đổ, Yakovlev bắt đầu tìm kiếm những đối tác nước ngoài “giàu có” tiếp tục ấp ủ những dự án máy bay mới. Và họ đã thành công khi thu hút hãng Aermacchi Italy cùng hợp tác phát triển máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực thế hệ mới.
Ngoài ra, Yakovlev đã đạt được thỏa thuận thành công với Lockheed Martin trong chương trình Yak-141.
Thời điểm này, Lockheed Martin đang loay hoay phát triển thiết kế tiêm kích cạnh tranh với hãng Boeing trong chương trình tìm kiếm máy bay chiến đấu Liên quân (Joint Strike Fighter – JSF) thay thế F-16/18, A-10.
Theo nhà phân tích hàng không Bill Gunston cho biết, quan hệ đối tác giữa Lockheed - Yakovlev bắt đầu vào cuối năm 1991.
Lockheed với tiềm lực tài chính của mình đã chi gần 400 triệu USD để Yakovlev cung cấp 3 mẫu thử nghiệm Yak-141 và bổ sung một mẫu thử nghiệm tĩnh để kiểm tra những cải tiến trong thiết kế và hệ thống điện tử.
|
Tiêm kích F-35B với kiểu động cơ có nét tương đồng với Yak-141. |
Trên cơ sở công nghệ tiên tiến từ Yak-141, Lockheed Martin đã đưa nó vào mẫu thử nghiệm tiêm kích X-35 cạnh tranh với mẫu Boeing X-32 trong chương trình JSF. Và đương nhiên, thừa hưởng lại thiết kế đạt mức hoàn hảo từ Yak-141, X-35 đã giành chiến thắng trước X-32.
Mẫu thử công nghệ X-35 sau này được hoàn thiện với tên gọi mới là F-35 gồm 3 biến thể chính: F-35A trang bị cho Không quân Mỹ; F-35B cho Lính thủy Đánh bộ Mỹ và F-35C hoạt động trên tàu sân bay. Trong đó, chiếc F-35B thừa hưởng công nghệ động cơ của Yak-141.
Sự tương đồng giữa chiếc F-35B và Yak-141 không chỉ trong các thiết bị, vòi phun và quạt. Hai máy bay thậm chí trông rất giống nhau, như “anh em sinh đôi” sinh ra riêng rẽ. Điều này là khó có một sự trùng hợp vì dưới vỏ bọc của máy bay Mỹ là một trái tim Nga.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lương Minh