Want China Times đưa tin, bất chấp sự phản đối của Mỹ và các thành viên khác trong khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch mua tên lửa FD-2000 Trung Quốc. Đây là biến thể xuất khẩu của tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc sản xuất.
Trước đó vào tháng 9/2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định chọn các tổ hợp tên lửa phòng không FD-2000 do Tập đoàn xuất-nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC) chế tạo, để xây dựng hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa của nước này theo một hợp đồng trị giá khoảng 3,4 tỷ USD.
|
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn âm thầm thực hiện các cuộc đàm phán với CPMIEC về số phận của hợp đồng FD-2000.
|
Ngay lập tức Mỹ và các quốc gia thành viên NATO đã gây áp lực với Ankara loại bỏ hợp đồng trên, với lý do các tổ hợp tên lửa do Trung Quốc chế tạo sẽ không thể tương thích với hệ thống tên lửa đánh chặn chung của khối NATO.
Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ - Ismet Yilmaz tuyên bố, nước này sẽ kéo dài thời hạn nộp hồ sơ dự thầu thêm 6 tháng đối với các công ty không trúng thầu trước đó, sau khi hủy bỏ kế hoạch mua các tổ hợp tên lửa FD-2000 Trung Quốc.
|
Có nhiều nguồn tin cho rằng, Ankara sẽ chọn hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 của Eurosam thay thế cho FD-2000.
|
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đàm phán song song với Công ty tên lửa Eurosam của Châu Âu, hãng chế tạo hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 và Liên doanh Raytheon - Lockheed Martin của Mỹ với hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Việc này nhằm chọn ra một hệ thống tên lửa phòng không phù hợp đáp ứng được các yêu cầu của NATO, tất nhiên là với một cái giá có thể chấp nhận được.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dành cho tổ hợp tên lửa phòng không FD-2000 một cơ hội nữa, khi vẫn tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán với tập đoàn CPMIEC của Trung Quốc và quyết định cuối cùng về hợp đồng này sẽ được Ủy ban điều hành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đưa ra trong một cuộc họp vào đầu tháng 1/2015.
Tuấn Đặng