Tên lửa Patriot không hạ được Scud: Mỹ quảng cáo láo

Google News

Sự kiện tên lửa Patriot của Ả Rập Xê-út bắn hụt tên lửa Scud đã cho thấy thực tế rõ ràng rằng lời quảng cáo về Patriot là sai sự thật.

Gần đây, giới phân tích quân sự đặc biệt chú ý tới thông tin lực lượng Houthi và quân đội Yemen ủng hộ đã phóng 15 tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud vào căn cứ không quân Khalid (Saudi Arabia) rạng sáng 4/6. Vụ việc được giấu kín tới tận ngày 11/6 mới được hé lộ. Vụ tấn công thậm chí còn được cho là làm Tư lệnh Không quân Ả Rập Xê-út, Trung tướng Muhammad bin Ahmed Al-Shaalan thiệt mạng. Dù căn cứ không quân Ả Rập Xê-út được bảo vệ bởi các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC-3 được quảng cáo có khả năng đánh chặn tên lửa và do chuyên gia Mỹ điều khiển, nhưng cũng chỉ ngăn chặn được 2-3 quả đạn tên lửa Scud phóng tới. Điều này đã dấy lên hoài nghi liệu những lời quảng cáo có cánh của Mỹ về hiệu quả phòng thủ tên lửa của PAC-3 có là sự thực.
Ten lua Patriot khong ha duoc Scud: My quang cao lao
 Tên lửa Patriot PAC-3 được quảng cáo là có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly 60km.
Đánh chặn tên lửa có dễ dàng?
Trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, tùy vào tầm bắn của tên lửa tấn công có thể phân ra nhiều phương thức đánh chặn khác nhau căn cứ vào pha phóng đạn, ngăn chặn đạn tên lửa trong hay ngoài bầu khí quyển. Trong trường hợp vụ tấn công ở Ả Rập Xê-út, tổ hợp PAC 3 dùng phương thức đánh chặn căn cứ vào pha phóng đạn (ở pha cuối hành trình đạn đạo của tên lửa đối phương).
Để đánh chặn tên lửa đối phương, ngay khi phát hiện tín hiệu ra-đa và ảnh nhiệt của tên lửa nghi vấn, hệ thống cảnh giới của PAC-3 sẽ cố gắng bám bắt mục tiêu; tính toán đạn đạo, điểm rơi của tên lửa và lên phương án đánh chặn. Ở kịch bản thuận lợi nhất, khi đầu đạn tên lửa trong pha cuối tiếp cận mục tiêu, PAC-3 sẽ phóng tên lửa đánh chặn tiêu diệt mục tiêu bằng đầu đạn tự dẫn kenetic (va chạm động năng) ở khoảng cách 20-35km.
Tuy nhiên, thực tế không hề dễ dàng như vậy! Việc theo dõi đạn tên lửa bay với tốc độ siêu thanh có thể đạt tới 3km/giây trong thời gian cực ngắn không hề dễ dàng. Đầu đạn đối phương có thể mất dấu bất kỳ lúc nào vì hiệu ứng plamas, mất tín hiệu nhiệt, chưa kể tới việc để ngăn chặn mục tiêu có tiết diện nhỏ như đầu đạn tên lửa, nên bất kỳ sự thiếu chính xác nào của các phương tiện đánh chặn đều dẫn tới thất bại.
Đối với tổ hợp tên lửa Patriot, điều này từng có tiền lệ xấu. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần 1, các tổ hợp Patriot của liên quân từng mất dấu tên lửa Scud của Iraq phóng tới Israel vì đầu đạn tên lửa nguội đi quá nhanh, hệ thống giám sát mất tín hiệu ảnh nhiệt của tên lửa và để lọt mục tiêu. Một vụ việc nổi tiếng nữa là tại căn cứ Dharan (Saudi Arabia) ngày 25/2/1991, mặc dù theo dõi được mục tiêu, nhưng do trục trặc của hệ thống đồng hồ trên đạn tên lửa, tổ hợp Patriot đã đánh trượt mục tiêu tới 600m. Hậu quả của vụ tấn công làm 28 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Tiếp đến vụ việc ngày 4/6 vừa qua, dù chưa xác định nguyên nhân, nhưng PAC-3 Patriot lại một lần nữa “thảm bại” trước tên lửa Scud có tuổi đời “gần nửa thế kỷ”.
Ten lua Patriot khong ha duoc Scud: My quang cao lao-Hinh-2
 Scud đã thuộc hàng "ông cố" nhưng "thanh niên trai tráng" Patriot PAC-3 vẫn không thể hạ.
Khi thực chiến không được như lời quảng cáo
Trong chiến tranh vùng Vịnh lần 1, các tổ hợp Patriot của liên quân có nhiệm vụ chính là ngăn chặn tên lửa Scud và Al Hussein của Iraq tấn công các quốc gia trong khu vực. Bất chấp các tai tiếng, giới chức quân sự Mỹ tuyên bố Patriot đã bắn hạ 70% tên lửa Scud của Iraq phóng đến Saudi Arabia, và 40% bắn đến Israel.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến trên, sự “thành công” của Patriot được thể hiện bằng việc Israel thẳng thừng từ chối mua thêm Patriot và tự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình. Bản thân Mỹ cũng chấp nhận hằng năm chi cho nhà nước Do Thái hàng trăm triệu USD phát triển các loại vũ khí đánh chặn mới. Quân đội Mỹ cũng tích cực hoàn thiện tổ hợp Patriot với việc đưa ra gói nâng cấp và cải tiến đạn đánh chặn với những lời quảng cáo có cánh về khả năng phòng thủ tên lửa.
Một điểm nữa là giá thành của đạn tên lửa đánh chặn quá đắt đỏ. Mỗi tên lửa đánh chặn MIM-104F có giá tới 5 triệu USD, đắt gấp nhiều lần so với mục tiêu đánh chặn của nó. Trong khi đó, hiệu quả đánh chặn của tổ hợp vẫn là câu hỏi lớn và mới có thêm “câu trả lời ở Ả Rập Xê-út”.
Xét về bình diện kinh tế, việc đầu tư hàng tỷ USD vào hệ thống đánh chặn tên lửa mang tiếng là hiện đại, nhưng xác suất đánh chặn thấp chắc chắn không phải là khoản đầu tư khôn ngoan.
Theo báo Quân đội Nhân dân