Tàu sân bay tự chế của Ấn Độ có gì đặc biệt?

Google News

(Kiến Thức) - Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Ấn Độ có lối thiết kế boong phóng máy bay giống với tàu sân bay truyền thống Nga.

Tờ Defense Aerospace dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony, dự kiến ngày 12/8 thì nhà máy Cochin sẽ hạ thủy chiếc tàu sân bay tự đóng mới đầu tiên thuộc lớp Vikrant.

Sau khi hạ thủy, tàu sẽ được lai dắt vào bến để hoàn thiện. Theo ông Antony, đến tháng 6/2014, phần việc chính trên tàu sân bay trong tương lai mang tên INS Vikrant này sẽ được hoàn thành và bắt đầu thử nghiệm.

Đây là sự kiện hết sức quan trọng đánh dấu bước tiến nhảy vọt của công nghiệp quốc phòng Ấn Độ. Việc hạ thủy Vikrant sẽ đưa Ấn Độ trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới tự đóng được tàu sân bay. Và nếu không kể Nhật Bản thì Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ở châu Á đóng thành công tàu sân bay.

Theo những thông tin ban đầu, chương trình phát triển tàu sân bay Ấn Độ đã được nhen nhóm từ năm 1989 khi nước này muốn thay thế 2 tàu sân bay cũ kỹ INS Vikrant (R11) và INS Viraat (R12) mua từ Anh. Tuy nhiên, sau 1991 do tình hình kinh tế khó khăn kế hoạch này buộc phải tạm hoãn vô thời hạn.

Năm 1999, Bộ trưởng Quốc phòng George Fernades hồi sinh chương trình chế tạo tàu sân bay lúc đó được gọi là Project 71 ADS. Năm 2001, nhà máy đóng tàu Cochin (CSL) đệ trình thiết kế tàu sân bay kiểu boong phóng nhảy cầu. Thiết kế này chính thức nhận được sự chấp thuận từ chính phủ Ấn Độ trong năm 2003.

Việc chế tạo con tàu sẽ ứng dụng công nghệ module tiên tiến, theo đó sẽ có tổng cộng 874 block được chế tạo và ghép nối thành tàu sân bay. Tất nhiên, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ cũng cần có sự giúp đỡ từ nước ngoài. Hãng Fincantieri Italy sẽ cung cấp hệ thống động lực tích hợp còn Cục Thiết kế Hải quân Nga cung cấp công nghệ hàng không.
Hình đồ họa tàu sân bay INS Vikrant tương lai.

Ngày 28/2/2009, nhà máy đóng tàu Cochin chính thức khởi công đóng chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp Vikrant mang tên cùng tên lớp tàu (INS Vikrant). Tàu có lượng giãn nước khoảng 40.000 tấn, dài 262m, rộng 60m, mớn nước 8,4m.

Với sự tư vấn thiết kế từ Nga, không lạ khi INS Vikrant dùng boong phóng kiểu nhảy cầu tương tự tàu sân bay Nga. Boong phóng có diện tích 10.000m2 bố trí 2 đường băng cất cánh và đường hạ cánh với 3 cáp hãm đà.
 
Về số lượng máy bay, INS Vikrant có thể chở tối đa 30 máy bay gồm: 12 tiêm kích đa năng MiG-29K; 8 tiêm kích HAL Tejas Mark 2 (Ấn Độ tự chế tạo) và 10 trực thăng cảnh báo sớm Kamov Ka-31 hoặc trực thăng săn ngầm Westland Sea King.

Hệ thống vũ khí phòng vệ của INS Vikrant vẫn còn trong vòng “bí mật”, theo thông tin ban đầu nó có thể sử dụng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đặt trong ống phóng thẳng đứng. Hệ thống vũ khí tầm gần gồm 4 pháo 76mm có thể bắn tốc độ cao 120 phát/phút, đạt cự ly xa đến 30km và pháo phòng không cao tốc.

Hệ thống điện tử hàng hải trên Vikrant dự kiến trang bị hệ thống radar cảnh báo sớm đường không, hệ thống định vị và hệ thống đối phó điện tử. Ngoài ra, con tàu có thể trang bị thêm hệ thống quản lý chiến đấu sử dụng cảm biến và đường liên kết dữ liệu chiến thuật cung cấp khả năng nhận thức tình huống theo thời gian thực.
MiG-29K sẽ là tiêm kích chủ lực trên tàu sân bay tự đóng của Ấn Độ.

Về hệ thống động lực của tàu, đây luôn là thế yếu của những nước có nền công nghiệp quốc phòng mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ. Vì lẽ đó, Ấn Độ mới cần tới sự giúp đỡ từ hãng Fincantieri, INS Vikrant sẽ lắp đặt 4 động cơ tuốc bin khí LM2500 cung cấp công suất tổng thể 80MW cho phép đạt tốc độ 28 hải lý/h, tầm hoạt động 15.000km.

Sau khi tàu INS Vikrant hoàn thiện, nếu không có gì thay đổi Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng chiếc thứ 2 INS Vishal với kích thước lớn hơn cùng nhiều sự sửa đổi trong thiết kế.

INS Vishal có lượng giãn nước lên tới 65.000 tấn, boong phóng máy bay sẽ từ bỏ thiết kế kiểu nhảy cầu mà thay bằng máy phóng thủy lực cho phép phóng máy bay tiêm kích hạng nặng như Sukhoi/HAL FGFA, AMCA hoặc Rafale M.





Hoàng Lê