Tờ Defence News dẫn nguồn Hải quân Mỹ cho biết, tàu tác chiến ven biển USS Freedom (LCS-1) đã bị hỏng động cơ tạm thời khi đang hoạt động gần Singapore (ngày 20/7). Tuy nhiên con tàu vẫn không bị mất hoàn toàn nguồn năng lượng.
Thủy thủ đoàn đã xác định được vấn đề hỏng hóc, khởi động lại động cơ và con tàu đã hoạt động trở lại. Nhưng vẫn buộc phải quay về Singapore để sửa chữa và kiểm tra kĩ càng hơn nữa, trước khi tiếp tục hải trình đã định.
“LCS Freedom rời căn cứ hải quân Changi ngày 19/7 để tham gia tập trận CARAT với Singapore, bắt đầu từ 21/7 và tiếp tục cho đến ngày 25/7. Tàu đã bị hỏng động cơ tạm thời vào ngày 20/7. LCS Freedom không bị chết máy hoàn toàn, thủy thủ đoàn đã khắc phục được sự cố và tàu tiếp tục hải trình. Đánh giá ban đầu nguyên nhân là do máy phát điện diesel quá nóng và tự tắt. Thủy thủ đoàn tăng áp cho động cơ gây ra rò rỉ khí. Sĩ quan chỉ huy tàu là Trung tá Timothy Wilke đã quyết định trở về cảng để thực hiện sửa chữa với phụ tùng thay thế có sẵn, để có thể khắc phục hoàn toàn hỏng hóc này”, thông báo của Bộ tư lệnh Hậu cần Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
|
USS Freedom liên tục gặp lỗi động cơ kể từ khi bắt đầu hoạt động ở Đông Nam Á.
|
Việc điều động tàu USS Freedom tới Singapore là một phần trong chiến lược xoay trục của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, còn nhằm quảng bá, thúc đẩy việc xuất khẩu các tàu chiến đấu ven biển tới các nước trong khu vực. Freedom rời cảng San Diego vào ngày 1/3 và đến căn cứ hải quân Changi của đảo quốc sư tử vào ngày 18/4.
Thời điểm xảy ra lỗi kỹ thuật, nó đang chuẩn bị tham gia cuộc tập trận CARAT với Hải quân Singapore.
Phát ngôn viên Hải quân Mỹ Trung tá Claydoss cho hay, vào thời điểm đó USS Freedom đang diễn tập trên biển cùng một máy bay trực thăng và tàu hỗ trợ Cesar Chavez.
“Sự cố này là do sự rò rỉ khí từ máy phát điện diesel số 2, một trong 4 máy phát của tàu. Động cơ quá nóng và đã đột ngột ngừng chạy. Sau đó máy phát điện số 3 cũng phát sinh sự cố. Thủy thủ đoàn buộc phải cắt nguồn điện để kiểm tra, và đã phục hồi trở lại động cơ sau vài phút”, Trung tá Claydoss cho biết.
Ông này cũng cho biết thêm, sự cố này cũng đã từng xảy ra, trong khi tàu đang băng qua Thái Bình Dương hồi tháng 3 và cũng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên không rõ liệu tàu USS Freedom có tiếp tục tham gia tập trận CARAT với Singapore không?
Trước đó, trong tháng 5, tàu USS Freedom cũng gặp lỗi kỹ thuật chỉ sau vài giờ rời cảng Changi (Singapore) ra biển. Nguyên nhân xác định là có chất cặn trong hệ thống dầu bôi trơn của tàu.
USS Freedom nằm trong số 52 tàu chiến đấu ven biển mà Hải quân Mỹ dự định đặt mua, do Lockheed Martin chế tạo.
Chiếc tàu chiến đấu ven biển thứ 2 mang tên USS Independence được thiết kế hoàn toàn khác bởi General Dynamics và Austal USA, cũng đã bị hỏng động cơ một thời gian ngắn khi ở vịnh San Diego, nhưng con tàu đã sớm khắc phục được sự cố và trở về căn cứ.
Như vậy, cả hai mẫu tàu chiến đấu ven biển của Mĩ đều đã gặp sự cố về động cơ. Trong khi cả hai thiết kế tàu đều được trang bị tuốc bin khí và động cơ diesel để sử dụng kết hợp, thì bố trí các động cơ lại rất khác nhau.
Vụ việc này đã làm gia tăng thêm chỉ trích về chương trình LCS hao tiền tốn của. Những người chịu trách nhiệm về nó sẽ phải điều trần trước Quốc hội vào ngày 25/7.
|
Việc điều tàu USS Freedom tới Đông Nam Á là một phần trong chiến lược xoay trục của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
|
LCS Freedom dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động tại Tây Thái Bình Dương cho đến khi trở về San Diego vào cuối năm nay.
USS Freedom (LCS-1) thuộc lớp tàu chiến đấu ven biển (Littoral Combat Ship – LCS) cùng tên, được thiết kế để đáp ứng khẩn cấp các nhiệm vụ hoạt động ở vùng nước nông chống lại mối đe dọa “phi đối xứng”, tàu ngầm chạy động cơ diesel và các vụ khủng bố dùng tàu (thuyền) cao tốc.
Tàu có chiều dài 115m, chiều rộng lớn nhất 17,5m, mớn nước 3,9m, lượng giãn nước toàn tải 3.000 tấn. Thủy thủ đoàn tiêu chuẩn của tàu là 50 người, có thể lên đến 98 người tùy theo nhiệm vụ.
Sàn đáp trực thăng phía sau của tàu được thiết kế lớn hơn 1,5 lần so với các sàn đáp tiêu chuẩn trên tàu chiến. Nó cung cấp khả năng hoạt động cho 2 trực thăng đa năng MH-60 Seahawk hoặc trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.
|
Pháo hạm 57mm trên tàu USS Freedom khai hỏa.
|
USS Freedom vũ trang hệ thống vũ khí hạng nhẹ gồm: pháo hạm Mk 110 57mm (cơ số đạn 400 viên) đạt tầm bắn 14km, tốc độ bắn 220 phát/phút; 2 pháo bắn nhanh Mk44 Bushmaster II cỡ 30mm; hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116 (21 đạn) có tầm bắn hiệu quả 9km.
Ngoài ra, thân tàu được thiết kế theo dạng module cho phép hoán đổi các nhiệm vụ một cách nhanh chóng (trong vòng 24 tiếng). Vì thế khi cần, nó có thể trang bị thêm các module vũ khí, hệ thống rà phá thủy lôi và hệ thống dò tìm tàu ngầm.
Lương Minh