Theo tạp chí Jane's Defence Weekly, các chiến binh thuộc Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đang đẩy nhanh nắm quyền kiểm soát các thành phố lớn thuộc các tỉnh phía bắc Iraq sau khi Quân đội Iraq tan rã và tháo chạy khỏi các khu vực trên.
Trong báo cáo của chính phủ Iraq, hiện nay các phiến quân của ISIL hoạt động mạnh ở tỉnh Ninawa, bao gồm cả thành phố Mosul và một trong những thành phố lớn nhất của Iraq. Ngoài ra ISIL còn giành được quyền kiểm soát các tỉnh khác như Salaheddine và Diyala. Trước đó, ISIL cũng giành quyền kiểm soát ở tỉnh Anbar, thành phố Fallujah và một phần của thủ phủ Ramadi.
|
Quân đội Iraq trong một cuộc càn quét ISIL ở phía bắc Iraq.
|
Cũng trong báo cáo trên, chính quyền Baghdad cũng cho biết phiến quân ISIL đang tái vũ trang lực lượng của mình bằng số vũ khí mà họ thu giữ được sau khi nắm quyền kiểm soát căn cứ quân sự Mosul, mặc dù Không quân Iraq đã tiến hành không kích Mosul để ngăn số vũ khí trên rơi vào tay phiến quân. Truyền thông quốc tế mô tả Quân đội Iraq gần như bất lực và không có bất kỳ hành động gì nhằm ngăn chặn làn sóng bạo động trên khắp các tỉnh phía bắc nước này.
Một số nhóm của ISIL cũng tuyên bố rằng họ đang trên đường tiến vào Baghdad, cũng như các thánh đường hồi giáo ở các thành phố Karbala Shia và Najaf phía nam Baghdad. Những điều này khiến giới phân tích hoài nghi rằng liệu Quân đội Quốc gia Iraq có đủ khả năng đẩy lùi các đợt tấn công của ISIL. Trong khi lực lượng này đang đối mặt với tình trạng đào ngũ ngày càng gia tăng đi kèm với đó là việc suy giảm tinh thần chiến đấu của binh sĩ, Không quân của Iraq cũng bị đánh giá là yếu kém khi không hỗ trợ tốt cho lực lượng mặt đất thay đổi được cục diện chiến sự.
Tan rã trước khi giao tranh
Phương tiện truyền thông Iraq cũng công bố một số bằng chứng về tình trạng đào ngũ trên diện rộng ở căn cứ quân sự Mosul, khi binh sĩ thuộc căn cứ trên tháo chạy khỏi căn cứ này khi giao tranh vừa mới diễn ra.
Theo lời các nhân chứng kể lại thì lực lượng vũ trang của Iraq ở khu vực trên đã vứt bỏ cả xe và đồng phục cũng như vũ khí khi rời khỏi thành phố. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng lớn các binh sĩ thuộc chính quyền Baghdad bị bắt làm tù binh hoặc bị xử tử. Trong khi đó lực lượng phiến quân mà họ phải đối mặt chỉ khoảng... 800 tay súng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn những binh sĩ tháo chạy khỏi các tỉnh phía bắc Iraq cho biết, tình hình chiến sự đã bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2014 sau khi Quân đội Mỹ rút đi. Nhưng tình trạng đào ngũ tại tỉnh Anbar mới bắt đầu diễn ra vào tháng trước, khi số binh sĩ thiệt mạng trong giao tranh ngày càng tăng cao.
Trong một ngày quân đội chính phủ Iraq mất hơn 300 binh sĩ do chết, bị thương và đào ngũ. Một phần của tình trạng trên là họ phải hứng chịu các đợt tấn công liên tục từ lính bắn tỉa và bom tự chế của phiến quân trong suốt thời gian dài. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thốn đạn dược, cũng như trang bị và thái độ thù địch của cư dân sinh sống trong các khu vực trên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã nhanh chóng của quân đội chính phủ Iraq tại đây.
|
Xe bọc thép của Quân đội Iraq bị đốt cháy.
|
Tình trạng trên trong Quân đội Iraq xuất phát từ đầu vào của lực lượng này, khi quá trình tuyển dụng cũng như đào tạo sơ sài. Đa số các binh sĩ tham gia vào các lực lượng vũ trang Iraq là vì lý do tài chính hơn là trung thành với chính quyền trung ương. Sau vụ đào ngũ của hơn 1.000 binh sĩ người Kurd thuộc Lữ đoàn thiết giáp số 16 trong tháng 5 đã dấy lên hồi chuông báo động về việc duy trì tình hình an ninh trên khắp quốc gia này. Một nguyên nhân căn bản là do mâu thuẫn giữa các sắc tộc ở Iraq và lý do chia rẽ nội bộ nước này sau thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Saddam Hussein
Một vấn đề khác là Quân đội Iraq tuyển dụng một số lượng lớn binh sĩ có nguồn gốc thuộc các bộ lạc địa phương ở tỉnh Anbar để đối đầu với ISIL, trong khi các bộ lạc trên lại có mối quan hệ với ISIL. Điều đó chứng tỏ chính phủ Iraq không đủ sức kiểm soát các khu vực đang xảy ra giao tranh với ISIL.
Mặc dù vậy, chính phủ Iraq vẫn giành được một chút niềm tin từ phía người dân, khi Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki và Thống đốc Mosul Atheel Nujaifi kêu gọi người dân tình nguyện tham gia vào lực lượng chấn áp ISIL và bước đầu đã có một số triển vọng nhất định khi số lượng người dân tham gia lực lượng này ngày càng đông.
Trang bị yếu kém
Những hình ảnh tháo chạy và vứt bỏ trang bị của Quân đội Iraq tại các khu vực ISIL chiếm đóng, khiến chính phủ nước này đang phải đối mặt với sự suy yếu về mặt quân số của lực lượng bộ binh và họ khó có thể đẩy lùi hoặc tái chiếm lại các khu vực đã bị mất. Chỗ dựa duy nhất của quân đội nước này hiện tại là lực lượng không quân.
Theo một báo cáo không chính thức thì Không quân Iraq sẽ mở các đợt không kích vào các căn cứ quân sự tại Mosul và Tikrit nhằm tiêu hao bớt lực lượng của ISIL. Trước đó không quân của Iraq cũng đã tiến hành các cuộc không kích vào các khu vực mà quân nổi dậy chiếm đóng ở Fallujah, Al Garma, và Saqlawiya tại tỉnh Anbar.
Sau năm 2011 khi Quân đội Mỹ rút dần khỏi Iraq, lực lượng an ninh Iraq không đủ khả năng đảm nhiệm gìn giữ được tình hình an ninh trong nước này. Nhất là khi Quân đội Iraq đa phần là bộ binh với một sư đoàn quân chính quy duy nhất đóng tại Taji, phía bắc Baghdad. Ngoài ra lực lượng vũ trang Iraq còn được trang bị các xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams của Mỹ, nhưng xét về mặt tổng thể thì Quân đội Iraq khó có thể hoạt động như một thể thống nhất.
|
Việc yểm trợ hỏa lực cho bộ binh - xe tăng tiến công cũng gặp nhiều hạn chế khi pháo binh Iraq được đánh giá là kém cỏi, trang bị thiếu thốn.
|
Thậm chí, đến cuối năm 2013, Quân đội Iraq đã không còn đủ khả năng thực hiện các chiến dịch quân sự độc lập nếu như không có sự hỗ trợ từ Mỹ. Vấn đề hậu cần cũng đóng vai trò khá lớn khi một bộ phận lực lượng vũ trang của chính phủ Iraq không được trang bị đầy đủ đạn dược cũng như hàng hóa tiếp tế khi xảy ra chiến sự.
Mặc dù được trang bị các pháo tự hành 155mm và một số loại pháo khác nhưng lực lượng pháo binh Iraq bị đánh giá thiếu khả năng cơ động trong tác chiến, cũng như không giúp được gì nhiều cho lực lượng bộ binh trên chiến trường.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm 2011 chỉ ra rằng, sự yếu kém trong quá trình huấn luyện khiến các lực lượng vũ trang của Iraq không thể phối hợp được với nhau trên chiến trường và muốn khắc phục được điều này thì Quân đội Iraq cần phải có thời gian chuẩn bị ít nhất là đến năm 2014.
Tuy nhiên, các lực lượng tác chiến đặc biệt của Iraq (ISOF) lại được đánh giá khá cao và đơn vị chiến đấu hiệu quả nhất của chính phủ Iraq lúc này. Chính vì vậy, ISOF đã nhanh được triển khai đến các điểm nóng tại phía bắc Baghdad, tiếp theo sau đó là các khu vực bị ISIL chiếm đóng.
|
Không quân Iraq không thể làm tốt nhiệm vũ hỗ trợ bộ binh một phần cũng vì trang bị quá nghèo nàn khi chỉ có máy bay chiến đấu "nghiệp dư" với khả năng mang vác hạn chế.
|
Còn về Không quân Iraq, họ chỉ được trang bị khá nghèo nàn, không có một chiếc máy bay chiến đấu nào. Gầy đây, lực lượng này mới được Mỹ cung cấp máy bay trinh sát/tấn công AC-208B được cải tiến từ mẫu máy bay chở khách hạng nhẹ Cessna với 2 tên lửa chống tăng Hellfire.
Ngoài ra Iraq còn sở hữu một số lượng nhỏ trực thăng tấn công Mi-24 và đã tiến hành đàm phán với Nga để mua thêm 40 chiếc trực thăng khác bao gồm trực thăng tiến công Mi-35 và Mi-28.
Iraq cũng đặt hàng mua 24 chiếc trực thăng tấn công AH-64E Apache do Boeing chế tạo và dự kiến 6 chiếc AH-64s sẽ được bàn giao cho Iraq đầu năm nay. Tuy nhiên thương vụ trên đã bị Quốc hội Mỹ bác bỏ do lo sợ các máy bay này sẽ được sử dụng cho động cơ chính trị hơn là để trấn áp lực lượng nổi dậy.
Trà Khánh