Những năm 1960, Hải quân Liên Xô bắt đầu vươn mạnh tiến ra biển lớn, các lực lượng tàu chiến triển khai trên khắp các đại dương nhằm cân bằng với Mỹ. Việc mở rộng lực lượng như vậy đòi hỏi phải có mạng lưới hậu cần kỹ thuật rộng khắp.
Do không có căn cứ quân sự nước ngoài nên Liên Xô đã xây dựng trạm cung ứng vật tư kỹ thuật trên lãnh thổ các nước thân thiện. Và đương nhiên, sau 1975, Liên Xô đã có ý muốn vào Cam Ranh.
Cuối năm 1978, đại diện Hải quân Liên Xô và phía Việt Nam đã thỏa thuận xong và ký biên bản ghi nhớ làm cơ sở đàm phán xây dựng, cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật tại Cam Ranh.
Ngày 2/5/1979, Chính phủ Liên Xô và Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng quân cảng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương trong 25 năm (Trạm cung ứng mang phiên hiệu 922).
Tháng 5/1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào vịnh Cam Ranh. Phân đội đầu tiên của Hạm đội Thái Bình Dương gồm 54 người đến đây tháng 4/1980.
Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và Chính phủ Liên Xô đã giao cho Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật 922 nhiệm vụ giảm áp lực cho Hạm đội Thái Bình Dương nói riêng và Hải quân Liên Xô nói chung trong công tác hậu cần đảm bảo hoạt động chiến hạm đang làm nhiệm vụ tại Biển Đông.
|
Thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân Rroject 671RTM biên chế trong Sư đoàn tàu ngầm số 38 (Liên đội tàu chiến số 17) tại Cam Ranh. |
Suốt những năm 1980, nhiều tàu chiến của Hải quân Liên Xô đã ghé vào Cam Ranh, trong số đó có những tàu chiến mặt nước, tàu ngầm “khủng”. Điển hình là tàu ngầm hạt nhân Project 671 RTM Shuka (NATO định danh là lớp Victor III) được thiết kế để săn lùng tàu ngầm đối phương.
Tàu ngầm hạt nhân Project 671 RTM có chiều dài 106,1m, rộng 10,6, mớn nước 8m, lượng giãn nước khi lặn lên tới 7.250 tấn. Tàu được vận hành bởi độ ngũ thủy thủ đoàn 102 người.
Project 671 RTM trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân VM-4 (tổng công suất 144MW) cung cấp năng lượng cho con tàu hoạt động trong nhiều năm.
Tàu có thể đạt tốc độ 10 hải lí/h khi nổi, và 31 hải lí/h khi lặn, lặn sâu đến 400m (hoạt động hiệu quả ở độ sâu 320m). Thời gian hoạt động ở xa căn cứ của tàu là 80 ngày.
Được thiết kế với nhiệm vụ chính là săn lùng tàu ngầm đối phương, Project 671 RTM trang bị nhiều hệ thống định vị thủy âm gồm: MGK-500 Skat-2M; Skat-B và Ruza-P.
Ngoài ra, tàu còn có hệ thống quản lý thông tin chiến đấu Omnibus và đài radar định vị phát hiện mục tiêu tổng hợp MRK-500 Kaskad.
Để giữ bí mật thông tin liên lạc, phát hiện tàu địch, Project 671 RTM có các khí tài tác chiến điện tử gồm: MRP-21A Zaliv-P; Zona; Anis; Zavesa.
|
Tàu ngầm hạt nhân Project 671 RTM trang bị nhiều vũ khí chống ngầm cực mạnh. |
Về hệ thống vũ khí, Project 671 RTM trang bị 2 ống phóng ngư lôi cỡ 650mm và 4 ống phóng cỡ 533mm cho phép bắn nhiều loại tên lửa chống ngầm và ngư lôi như:
- Tên lửa hành trình chống ngầm RPK-7 Veter (NATO định danh là SS-N-16) và RPK-2 Viyuga (NATO định danh là SS-N-15) đạt tầm bắn lần lượt 120km và 45km. Loại tên lửa này trong nhiệm vụ chống tàu ngầm được trang bị ngư lôi hạng nhẹ Type 40.
Trong chiến đấu, sau khi phóng, tới vị trí xác định đầu đạn ngư lôi Type 40 sẽ tách khỏi tên lửa tự tìm, phát hiện và tiêu diệt mục tiêu.
- Ngư lôi "siêu khoang" VA-111 Shkval đạt tốc độ nhanh nhất thế giới (370km/h), lắp đầu đạn thuốc nổ nặng 700kg cho phép diệt tàu ngầm chỉ bằng một phát bắn. VA-111 đạt tầm bắn tối đa 11-15km, độ sâu hoạt động 100m.
- Ngư lôi Type 65-76 thiết kế để chống lại nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cũng như tàu cỡ lớn đối phương. Loại ngư lôi này đạt tốc độ tối đa 93km/h, lắp đầu đạn thuốc nổ nặng 557kg, tầm bắn xa đến 50km.
- Ngư lôi Type 53-65K thiết kế để chống mục tiêu tàu chiến đấu mặt nước, tầm bắn xa đến 19km, tốc độ 83km/h, lắp đầu đạn nặng 307kg.
Với kho vũ khí đồ sộ cùng độ ồn rất thấp khi hoạt động, Project 671 RTM thực sự là “cơn ác mộng” đối với tàu ngầm, tàu mặt nước của Mỹ - phương Tây.
Theo một số tài liệu, ngày 29/2/1996, Đại sứ quán Nga đã thông báo cho Hải quân Anh đề nghị đưa tàu ra đón một thủy thủ Nga bị viêm ruột thừa, cách quần đảo Cambridge khoảng 240km.
Tới lúc đó, người Anh mới “thất kinh” biết tới sự có mặt của tàu ngầm Nga gần lãnh thổ, nhất là khi khu vực này đang diễn ra cuộc tập trận chống ngầm của Liên minh quân sự NATO.
Tàu ngầm Project 671RTM chỉ bị phát hiện khi nó tự nổi lên để chuyển bệnh nhân cho trực thăng. Điều đó chứng minh rằng, khả năng ẩn nấp của loại tàu này là rất cao, thậm chí ngay trong “rừng” khí tài trinh sát tàu ngầm tối tân của Mỹ và NATO.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lương Minh - Hoàng Lê