Soi vũ khí mới độc trên Biển Đông của Trung Quốc

Google News

Trung Quốc có thể chế tạo 60-70 tàu Type 056, nhưng tác chiến săn ngầm rất tiêu tốn binh lực; họ còn áp dụng thiết kế Type 056 cho tàu cảnh sát biển.

Tàu hộ vệ Type 056 thứ 25 hạ thủy, sẽ biên chế số lượng lớn nhất
Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 10 tháng 4 cho hay, có tin cho biết, chiếc tàu hộ vệ Type 056 mới nhất hạ thủy ở một nhà máy đóng tàu tại Thượng Hải, Trung Quốc. Đây là tàu hộ vệ Type 056 thứ 25 được Trung Quốc hạ thủy.
Hình ảnh cho thấy, chiếc tàu hộ vệ Type 056 mới này đã áp dụng kết cấu đuôi tàu khác, cho thấy, đây là phiên bản tăng cường săn ngầm của tàu hộ vệ Type 056. Chỗ đặc biệt của chiếc tàu hộ vệ Type 056 này ở chỗ đuôi tàu có một lỗ mở hình chữ nhật lớn, bên cạnh có một lỗ tròn khá nhỏ.
Soi vu khi moi doc tren Bien Dong cua Trung Quoc
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Triều Châu số hiệu 595 Type 056A phiên bản săn ngầm của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, triển khai ở Biển Đông
Đây được cho là lỗ thu thả thiết bị định vị thủy âm kéo thường gặp trên tàu khu trục và tàu hộ vệ. Vì vậy, dư luận cho đây là phiên bản săn ngầm của Type 056, tức là Type 056A.
Theo báo chí Trung Quốc, chiếc tàu hộ vệ tên lửa Type 056A phiên bản săn ngầm – cải tiến đầu tiên hạ thủy vào tháng 12 năm 2013. Các nhà quan sát quân sự cho rằng, nhiệm vụ tác chiến của loại tàu này có thể lấy săn ngầm ở biển gần làm chính.
Có tin cho rằng, chiếc tàu Type 056A phiên bản săn ngầm đầu tiên là tàu Tam Môn Hạp số hiệu 593 đã chính thức biên chế cho Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc vào sáng ngày 3 tháng 11 năm 2014. Sau đó chỉ 2 tuần, sáng ngày 28 tháng 11 năm 2014, Hải quân Trung Quốc liên tiếp biên chế 2 tàu hộ vệ Type 056A, lần lượt là tàu Chu Châu số hiệu 594 biên chế cho Hạm đội Đông Hải và tàu Triều Châu số hiệu 595 biên chế cho Hạm đội Nam Hải.
Có phân tích cho rằng, loại tàu hộ vệ hạng nhẹ này rất thích hợp cho triển khai ở quần đảo Trường Sa (quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam – nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự phi pháp). Nếu điều kiện cơ bản cho phép, 10 – 20 tàu hộ vệ hạng nhẹ như vậy cơ bản có thể bao trùm lên phạm vi Biển Đông.
Soi vu khi moi doc tren Bien Dong cua Trung Quoc-Hinh-2
 Tàu hộ vệ hạng nhẹ Chu Châu số hiệu 594 Type 056A Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc
Tư liệu cho thấy, tàu hộ vệ Type 056 là tàu hộ vệ hạng nhẹ do Trung Quốc tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, trang bị nhiều loại vũ khí trang bị, có tính năng tàng hình tốt, độ tích hợp thông tin hóa cao, đồng thời có các ưu điểm như chi phí chế tạo khá thấp, bảo trì, vận hành đơn giản, biên chế gọn nhẹ.
Sau khi tàu này biên chế, chủ yếu dùng để tác chiến, tuần tra, cảnh giới, hộ tống ngư dân ở biển gần, độc lập hoặc hiệp đồng với các lực lượng khác thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến chống tàu ngầm. Nó sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng "tác chiến phòng thủ" cho Hải quân Trung Quốc.
Có chuyên gia quân sự cho rằng, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 có thể tăng cường năng lực "phòng thủ biển gần" cho Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc có đường bờ biển dài 18.000 km, cùng với việc rất nhiều tàu chiến mặt nước cũ như tàu hộ vệ dòng Type 053 nghỉ hưu, tàu hộ vệ Type 056 thay thế để "phòng thủ biển gần".
Theo báo chí Trung Quốc, tàu hộ vệ Thương Châu số hiệu 537 Type 053H2, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc (trong hình) từng "đụng mặt" với tàu hộ vệ Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam ở vùng biển Gạc Ma vào ngày 30 tháng 11 năm 2014
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Triệu Trung cho rằng, sở dĩ tàu hộ vệ Type 056 được chế tạo rất nhanh chủ yếu là do nó được chế tạo theo kiểu mô đun hóa, tức là sau khi hoàn thành một bản vẽ, vài nhà máy đóng tàu đều tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn giống nhau, bước vào thời đại sản xuất lớn.
Tàu Type 056 là tích lũy kinh nghiệm thiết kế đóng tàu vài chục năm, những tích lũy này được thể hiện trên loại tàu chiến này. Sản xuất tiêu chuẩn hóa của nó đã đạt mức mô đun hóa, công nghiệp hóa, theo dây chuyền.
Hiện nay, nó còn đang tiếp tục chế tạo, ít nhất cần vài chục chiếc. Chế tạo 60 - 70 chiếc cũng không phải chi nhiều tiền lắm, chủ yếu làm nhiệm vụ trông coi bờ biển, biển gần, hơn nữa lượng tiêu thụ xuất khẩu của nó cũng rất tốt. Bởi vì, loại tàu này có thể sử dụng như tàu chủ lực ở các nước thuộc thế giới thứ ba, thị trường rất rộng lớn.
Đối phó tàu ngầm Việt Nam và các nước láng giềng khác
Đánh giá về tàu hộ vệ Type 056, tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 11 tháng 4 dẫn lời chuyên gia Phòng Binh cho rằng, “mối đe dọa tàu ngầm ở các vùng biển gần, tuyến đường trên biển ở duyên hải ngày càng lớn”. Thậm chí Phòng Binh chỉ rõ “đối tượng” đó là tàu ngầm Nhật Bản, Việt Nam và một số nước khác ven Biển Đông.
Theo Phòng Binh, Trung Quốc cần phải tính toán “lúc an lo lúc nguy”, một khi xuất hiện “tình huống khẩn cấp”, cần có đủ binh lực để “bảo vệ biển gần, cho đến biển vừa và xa, bao gồm tuyến đường hàng hải ở Biển Đông” (Thực ra thì Trung Quốc muốn áp đặt yêu sách bành trướng lãnh thổ phi pháp “đường lưỡi bò” – thực chất là mang tính chất xâm lược - PV).
Theo Phòng Binh, tàu hộ vệ Type 056 nguyên mẫu có năng lực về phòng không, chống hạm và săn ngầm tương đối cân bằng, nhưng đều không nổi trội. Cho rằng, nhu cầu săn ngầm của Hải quân Trung Quốc hiện nay là “tập trung nhất”, vì vậy, tăng cường năng lực săn ngầm, cải tiến tàu hộ vệ để chủ yếu làm nhiệm vụ săn ngầm được xác định dựa trên nhu cầu hiện nay, không loại trừ trong tương lai sẽ cải tiến thành tàu có công dụng khác.
Phòng Binh cho rằng, tác chiến săn ngầm rất tiêu tốn binh lực, “một chiếc tàu ngầm thậm chí có thể kiềm chế vài chục tàu chiến săn ngầm, trên trăm máy bay săn ngầm của đối thủ”.
Cùng với nhu cầu săn ngầm không ngừng tăng lên, trong tương lai cần có lực lượng tác chiến săn ngầm với số lượng tương đối lớn, chi phí chế tạo tương đối rẻ, có thể triển khai lượng lớn để “bảo vệ an toàn tuyến đường giao thông trên biển của Trung Quốc”. Sự xuất hiện của tàu hộ vệ Type 056 chính là để giải quyết vấn đề triển khai lượng lớn tàu chiến săn ngầm.
Mục tiêu thay thế của tàu hộ vệ săn ngầm Type 056 chính là tàu săn ngầm Type 037 và tàu hộ vệ Type 053. Theo đó, trong lực lượng tác chiến thế hệ mới của Hải quân Trung Quốc, tàu chiến mặt nước có số lượng trang bị lớn nhất rất có thể là tàu hộ vệ Type 056 và phiên bản cải tiến của nó.
Tàu hộ vệ Khâm Châu Type 056 đã phải bảo trì
Liên quan đến tàu hộ vệ Type 056, trang mạng sina Trung Quốc ngày 27 tháng 4 còn có bài viết cho hay, gần đây, có dân mạng chụp được một chiếc tàu hộ vệ Type 056 của Hải quân Trung Quốc quay trở lại nhà máy đóng tàu để tiến hành bảo trì sau 21 tháng hoạt động. Chiếc tàu hộ vệ Type 056 này có số hiệu là 597, tên là Khâm Châu, biên chế cho lực lượng Quân đội Trung Quốc đóng tại Hồng Kông vào ngày 1 tháng 7 năm 2013.
Theo bài báo, tàu Khâm Châu lần này quay trở lại nhà máy đóng tàu để bảo trì sẽ mất thời gian không dài. Hiện nay, lực lượng đóng ở Hồng Kông đã trang bị tổng cộng 2 tàu hộ vệ Type 056, ngoài tàu Khâm Châu, chiếc còn lại có tên là Huệ Châu số hiệu 596.
Sau khi 2 tàu Type 056 đưa vào hoạt động, thay thế tàu hộ vệ tên lửa của lực lượng đóng ở Hồng Kông, trở thành trang bị tác chiến chủ lực phòng thủ trên biển. Các tàu Type 056 của lực lượng Quân đội Trung Quốc đóng ở Hồng Kông chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra, phòng vệ, hộ tống, tác chiến đối với các mục tiêu trên biển.
Tàu hộ vệ Khâm Châu số hiệu 597 là chiếc tàu hộ vệ Type 056 thứ sáu của Trung Quốc, được cho là đã lắp nhiều loại vũ khí trang bị, có tính năng tàng hình tốt, tính tương thích điện từ mạnh, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến, là tàu hộ vệ mới nhất của Hải quân Trung Quốc.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc áp dụng thiết kế Type 056
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 28 tháng 4 cho hay, gần đây, dân mạng đã chụp được nhiều tàu chiến hải quân và tàu thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc đang chế tạo ở một nhà máy đóng tàu.
Trong đó, có 1 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đang lắp đặt thiết bị trên mặt nước, đã sơn số hiệu. Loại tàu cảnh sát biển này giống tàu hộ vệ Type 056 mới nhất của Trung Quốc, vì vậy được dân mạng gọi là tàu cảnh sát biển phiên bản 056.
Tờ "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 26 tháng 4 cho rằng, tàu cảnh sát biển mới Trung Quốc đang chế tạo cũng áp dụng thiết kế thân tàu của tàu hộ vệ Type 056.
Theo bài báo, nhà máy đóng tàu Hoàng Phố-Quảng Châu đang chế tạo một chiếc tàu cảnh sát biển loại mới, thân tàu rõ ràng có nguồn gốc thiết kế từ tàu hộ vệ Type 056.
Phương Tây đặt tên cho tàu hộ vệ Type 056 là lớp Giang Đảo, lượng giãn nước khoảng 1.500 tấn, trang bị các hệ thống vũ khí như tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không tầm gần, pháo 76 mm, đồng thời còn có sàn tàu dành cho máy bay trực thăng dòng Z-9.
Bài báo cho rằng, tàu thực thi pháp luật có thể sẽ không có hỏa lực mạnh như tàu chiến. Tàu cảnh sát biển mới sử dụng động cơ dầu diesel, tốc độ tối đa khoảng 25 hải lý/giờ, cho dù ngoại hình thân tàu giống với Type 056, nhưng để thích ứng với nhiệm vụ mới, kết cấu chủ yếu vẫn có sự thay đổi rõ rệt.
Nhìn vào hình ảnh, vị trí của cầu và cột buồm chính của tàu này được đẩy lui về phía sau, phần trước thân tàu để một khoảng trống - chỗ này dùng để làm gì thì chưa rõ. Đuôi tàu giữ lại sàn đỗ, nhưng cũng không có nhà chứa máy bay như tàu hộ vệ Type 056, chỉ có thể đậu lâm thời một chiếc máy bay trực thăng.
Tờ "Jane's Defense Weekly" cho rằng, cho dù trong đội hình của tàu cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng nhiều tàu chiến cũ của Hải quân Trung Quốc, nhưng hoàn toàn dựa vào tiêu chuẩn của tàu hộ vệ quân dụng để chế tạo tàu thực thi pháp luật hoàn toàn mới là điều ít gặp.
Bởi vì, bên trong tàu chiến hải quân phổ biến lắp đặt rất nhiều khoang để nâng cao năng lực sống sót sau khi tàu chiến bị thương trong chiến đấu, điều này sẽ tăng mạnh chi phí chế tạo.
Nhưng cũng có phân tích cho rằng, chỉ nhìn vào hình dáng bề ngoài sẽ rất khó nhìn thấy bên trong tàu có áp dụng tiêu chuẩn thiết kế của tàu chiến hay không, vì vậy không thể đơn giản lẫn lộn chúng.
Do đặc điểm nhiệm vụ của tàu cảnh sát biển, nó có nhu cầu chạy tốc độ cao trên biển, vì vậy, ngoại hình của nó áp dụng thiết kế tương tự tàu chiến hiện đại.
Bài báo cho rằng, nhìn vào tốc độ và quy mô chế tạo tàu hộ vệ Type 056 cho thấy, Hải quân Trung Quốc rất hài lòng với tính năng của loại tàu này. Cảnh sát biển Trung Quốc mua bao nhiêu tàu mới cải tiến từ tàu hộ vệ Type 056 hiện còn chưa rõ.
Nhưng, dù thế nào, dựa trên tàu hiện có để tiến hành cải tiến sẽ có tỷ lệ chi phí-hiệu quả cao hơn so với phương án hoàn toàn bắt đầu thiết kế tàu mới từ con số không. Ngoài ra, hải quân và cảnh sát biển sử dụng tàu có thiết kế tương đồng cũng có lợi cho bảo trì thống nhất, giảm chi phí hậu cần.
Theo tờ "Jane's Defense Weekly", Cảnh sát biển Trung Quốc đang thúc đẩy một loạt kế hoạch chế tạo tàu mới khổng lồ, bao gồm tàu công vụ lớp 10.000 tấn. Những tàu cỡ lớn này có khả năng thích ứng tốt hơn, trong tương lai có thể được triển khai ở biển Hoa Đông hoặc Biển Đông.
Theo Giáo dục VN