Theo Military-Today, súng trường tấn công là khái niệm để chỉ một khẩu súng có sự kết hợp giữa đặc tính bắn nhanh của tiểu liên và uy lực của súng trường. Khái niệm về súng trường tấn công hình thành trong những năm Chiến tranh thế giới thứ 2. Sản phẩm nổi bật là STG-44 của Đức quốc xã.
Đến năm 1947, nhà thiết kế Mikhail Kalashnikov đã phát minh khẩu súng trường tiến công đầu tiên của Liên Xô mang tên AK-47. Khẩu súng này chính thức được biên chế cho quân đội Liên Xô từ năm 1949. Kể từ đó, nó trở thành súng trường bộ binh tiêu chuẩn cho quân đội Liên Xô và nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới.
Trong khi đó, M16 là một thiết kế hiện đại ra đời từ màn thể hiện yếu kém của M14 so với AK-47 tại Chiến trường Việt Nam. Ban đầu, thiết kế gốc của M16 có tên là AR-15 do nhà thiết kế Eugene Stoner phát triển và được thông qua vào đầu năm 1960.
Sau đó vì lý do tài chính, Armalite đã bán thiết kế của mình cho hãng Colt vào năm 1959. Hãng Colt đã tiến hành sửa đổi AR-15 và được thông qua với tên gọi M16. Nó chính thức trở thành vũ khí bộ binh tiêu chuẩn cho quân đội Mỹ từ năm 1962.
Khái niệm thiết kế
|
M16 (trên) và AK-47 (dưới) đều có những điểm mạnh/yếu riêng. Ảnh: Military-today
|
Súng trường tấn công AK-47 là sản phẩm đặc trưng cho đường lối quân sự của Liên Xô. Vũ khí này đơn giản trong thiết kế và chế tạo và dễ sản xuất với số lượng lớn. Bên cạnh đó, AK-47 rất đơn giản trong sử dụng và bảo trì. Đơn giản là chìa khóa thành công của AK-47. Súng trường tấn công này phù hợp ngay cả với tân binh chưa được đào tạo đầy đủ.
Trong khi đó, về tổng thể, M16 là một thiết kế hiện đại. Nó có độ chính xác cao hơn so với AK-47. Tuy nhiên, việc sử dụng súng khá phức tạp và đòi hỏi quá trình đào tạo bài bản mới phát huy tối đa ưu điểm của súng.
Quá trình sản xuất
|
AK-47 khá đơn giản trong chế tạo nên có thể sản xuất đại trà với số lượng lớn. Ảnh: Aplaceforpeace
|
Quá trình sản xuất AK-47 và M16 đặc trưng cho những khác biệt lớn giữa phương Đông và Tây. AK-47 được sản xuất dựa trên các vật liệu truyền thống là thép và gỗ. Quá trình sản xuất chủ yếu dựa trên công nghệ gia công và dập. Các bộ phận được chế tạo với độ chính xác không quá cao. AK-47 có thể sản xuất ở những quốc gia có công nghệ cơ khí vừa phải.
Trong khi đó, M16 là một thiết kế hiện đại. Các nhà thiết kế sử dụng vật liệu hợp kim nhôm 7075 có trọng lượng nhẹ, tay cầm và báng súng làm bằng vật liệu tổng hợp. Các bộ phận được chế tạo với độ chính xác cao do đó súng chỉ có thể sản xuất ở những nước có công nghệ cơ khí tiên tiến. Đơn giản trong sản xuất là ưu thế lớn của AK-47 so với M16.
Tầm bắn
AK-47 sử dụng cỡ đạn 7,62x39 mm, vũ khí này có tầm bắn hiệu quả tối đa khoảng 300-400m. M16 sử dụng đạn 5,56x45 mm cho tốc độ bắn nhanh hơn. Bên cạnh đó, nòng súng M16 dài hơn nên tầm bắn xa hơn. Tầm bắn hiệu quả của M16 từ 400-500 m. M16 có lợi thế về tầm bắn so với AK-47.
Độ chính xác
Độ chính xác của M16 tốt hơn so với AK-47. Hệ thống trích khí trực tiếp giúp súng ít giật hơn khi bắn ở chế độ tự động giúp duy trì đường ngắm tốt hơn. Trong khi đó, AK-47 sử dụng cơ cấu trích khí bằng piston với khối lùi tương đối nặng.
Do trọng lượng khối lùi tương đối lớn nên AK-47 có độ giật khá lớn khi bắn, đặc biệt là ở chế độ bắn tự động. M16 có độ chính xác cao hơn ở chế độ bắn phát một và tự động.
Sức xuyên
AK-47 sử dụng đạn 7,62x39 mm, đạn của AK-47 có khối lượng nặng, tốc độ chậm nhưng có động năng rất lớn. Sức xuyên của đạn AK-47 vượt trội so với đạn 5,56x45 mm của M16. Hỏa lực mạnh là ưu điểm của AK-47 so với M16.
Mức độ sử dụng
AK-47 được thiết kế để phù hợp với những tân binh chưa trải qua đào tạo. Việc kiểm soát súng khá dễ dàng, chỉ cần hướng dẫn sơ qua là có thể sử dụng. Việc sử dụng M16 cũng không quá phức tạp, nhưng để làm chủ khẩu súng này cần phải trải qua đào tạo vì việc tháo lắp các bộ phận khá khó khăn. Đơn giản trong sử dụng là lợi thế lớn của AK-47 so với M16.
Bảo trì
|
Các chi tiết của M16 khá nhỏ nên rất dễ thất lạc trong quá trình bảo trì. Ảnh: Bestfirearms
|
Phần lớn các bộ phận bên trong của AK-47 khá lớn, việc tháo lắp các chi tiết kỹ thuật để vệ sinh khá đơn giản. Quá trình bảo dưỡng súng có thể thực hiện trong điều kiện ánh sáng yếu ở hầm hào, công sự hoặc ban đêm.
Trong khi đó, các chi tiết kỹ thuật của M16 khá nhỏ, đặc biệt là kim hỏa rất dễ thất lạc. Ngoài ra việc tháo lắp khẩu súng này khá phức tạp. Súng sử dụng cơ cấu trích khí trực tiếp nên việc vệ sinh muội thuốc súng bám trên các bộ phận tốn khá nhiều thời gian. AK-47 lợi thế hơn M16 trong việc bảo trì.
Trọng lượng
AK-47 được chế tạo từ thép và gỗ nên có trọng lượng khá nặng, khoảng 4,3 kg. M16 được chế tạo từ vật liệu tổng hợp nên có trọng lượng nhẹ hơn, khoảng 3,7 kg. Nhìn chung AK-47 nặng hơn M16 khoảng 30%. Nhờ trọng lượng nhẹ hơn nên người lính mang M16 thoải mái hơn so với AK-47 và mang được nhiều đạn hơn.
Độ bền
Vật liệu chính để chế tạo AK-47 là thép và gỗ nên có độ bền cơ học và vật lý cao hơn so với M16. AK-47 có thể sử dụng tốt sau khi bị va đập. Trong trường hợp chiến đấu giáp lá cà, AK-47 tỏ ra lợi thế hơn so với M16. Báng súng, tay cầm của M16 làm từ vật liệu sợi thủy tinh có độ bền cơ học kém hơn so với AK-47.
Độ tin cậy
Quan điểm thiết kế của AK-47 là hiệu quả sử dụng cao, các chi tiết có độ sơ khá lớn khiến độ chính xác khi bắn không cao, nhưng bù lại súng có thể sử dụng tốt trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Súng có thể bắn sau khi vùi trong cát, bụi, bùn đất. Các thống kê cho kết quả, tỷ lệ kẹt đạn của AK-47 khoảng 1/1.000 viên.
Trong khi đó, M16 sử dụng cơ cấu trích khí trực tiếp nên súng rất dễ bị kẹt đạn. Vũ khí này đòi hỏi phải được vệ sinh liên tục để giảm tỷ lệ kẹt đạn. Các chi tiết được chế tạo với độ rơ thấp nên rất dễ kẹt trong điều kiện nhiều bụi bẩn. Về độ tin cậy, AK-47 vượt trội so với M16.
Đánh giá tổng thể
Nhìn chung M16 và AK-47 đều có những điểm mạnh, yếu riêng. 2 vũ khí này vẫn là tiêu chuẩn cho súng trường tiến công trên thế giới. M16 nắm ưu thế về tầm bắn, độ chính xác và trọng lượng. Trong khi đó AK-47 ưu thế về hỏa lực mạnh, dễ sử dụng, độ tin cậy cao.
Quốc Minh