Tạp chí Jane’s cho hay, mẫu mô hình siêu tàu sân bay Nga trong tương lai do Trung tâm Nghiên cứu Krylovsky (KRSC) thực hiện trong dự án Project 23000E (Shtorm) sẽ chính thức lộ diện tại St.Peterburg vào ngày 1-5/7 tới.
Con tàu sẽ được thiết kế với lượng giãn nước từ 90-100.000 tấn, dài 330 m, rộng 40 m và có độ mớn nước 11 m. Vận tốc tối đa của nó ước đạt 30 kt (55,56 km/h), tốc độ hành trình 20 kt (34 km/h), hoạt động liên tục trên biển trong thời gian tới 120 ngày, thủy thủ đoàn tới 4-5.000 người, và được thiết kế chịu được sóng gió biển cấp 6-7.
|
Siêu tàu sân bay tương lai của Nga do KRSC phát triển.
|
Theo yêu cầu của các khách hàng tiềm năng, hiện siêu tàu sân bay của KRSC được thiết kế chạy bằng năng lượng thông thường, và nó cũng có thể được thay thế bằng hệ thống cung cấp năng lượng hạt nhân.
Siêu tàu sân bay có khả năng mang theo một phi đội hùng hậu với khoảng 80-90 máy bay chiến đấu các loại. Trong đó có các tiêm kích tàng hình Su T-50 PAKFA và MiG-29K, cũng như các máy bay cảnh báo sớm cùng các trực thăng hải quân Ka-27.
Sàn tàu sân bay có một thiết kế kép, trang bị một sàn bay chéo và 4 vị trí phóng, gồm có 2 hệ thống nhảy cầu và 2 hệ thống máy phóng điện từ. Đồng thời còn có thiết kế một đai hãm. Thiết kế này cũng bao gồm cả hai tòa nổi trên boong tàu, đó là một đặc điểm mà chỉ nhìn thấy trước đó ở trên tàu sân bay mới nhất do Vương quốc Anh chế tạo.
Để thực hiện nhiệm vụ chống lại các mối đe dọa trên không, con tàu được trang bị 4 mô-đun chiến đấu của các hệ thống tên lửa phòng không. Ngoài ra nó còn trang bị các vũ khí chống ngư lôi ở dưới nước.
Hệ thống phức hợp hỗ trợ điện tử của tàu bao gồm các cảm biến, radar mảng pha đa chức năng, hệ thống tác chiến điện tử, và bộ thiết bị thông tin liên lạc.
Theo Phó Giám đốc KRSC Polyakov, những đặc điểm này sẽ được chỉnh sửa, chính xác hóa trong suốt quá trình phát triển và thiết kế con tàu, khi các khách hàng tiêm năng muốn thay đổi gói vũ khí và thiết bị theo yêu cầu.
Vị Phó Giám đốc này tiết lộ thêm, tàu sân bay mới của Nga có thể thực hiện đa chức năng ở những vùng biển xa xôi từ tấn công các mục tiêu của quân địch trên đất liền và đường bờ biển, đảm bảo ổn định hoạt động của các lực lượng hải quân, bảo vệ binh sĩ đổ bộ tới thực hiện nhiệm vụ phòng không.
Văn Biên