Tờ Times of India cho hay,
quân đội Trung Quốc đã nghiên cứu thành công tên lửa chống tăng HJ-12 có thể tấn công mục tiêu cách xa 4.000 m, tính năng của loại tên lửa này ngang với vũ khí hiện đại tương tự của Mỹ và Nga nghiên cứu.
Tuy các nước đang phát triển có nhu cầu đối phó với
xe tăng thế hệ 3 đều là nước mua tiềm năng của loại tên lửa chống tăng này, nhưng theo thời báo Ấn Độ do giá của loại tên lửa chống tăng HJ-12 này cao cho nên các nước mua có thể sẽ tương đối hạn chế.
|
Hệ thống tên lửa chống tăng bắn-quên Hồng Tiễn 12 của NORINCO
|
Tên lửa chống tăng HJ-12 do công ty công nghiệp phương Bắc Trung Quốc (NORINCO) nghiên cứu phát triển. Sự ra đời của HJ-12 được kỳ vọng giúp quân đội Trung Quốc có thể bắt kịp khả năng tác chiến chống tăng của các nước phương Tây và
Nga, đồng thời giúp nước này có được chỗ đứng trong thị trường vũ khí trang bị quốc tế.
Theo chuyên gia Trung Quốc, tên lửa chống tăng HJ-12 hiện đại hơn nhiều so với các thế hệ tên lửa khác đang trang bị cho lục quân Trung Quốc. Nó sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến đã được quân đội các nước phương Tây ứng dụng, chứng minh.
Tạp chí Jane'sDefenceWeekly cho biết, tính năng tiên tiến nhất trên HJ-12 là hệ thống dẫn đường tự động cho khả năng "bắn và quên" (nghĩa là xạ thủ sau khi ấn cò thì có thể di chuyển tới vị trí khác mà không cần quan tâm tới tên lửa - khi đó nó sẽ tự động bay tới mục tiêu đã khóa trước khi bắn).
Về cấu tạo, HJ-12 giống với các hệ thống mang vác tương tự khác sử dụng các tên lửa lắp đầu tự dẫn hồng ngoại có nhớ hình ảnh mục tiêu như Javelin của Mỹ, Spike của Israel, Type 01 của
Nhật Bản và Hyun-Gung của Hàn Quốc.
Theo tài liệu, Hồng Tiễn 12 có tầm bắn tối đa 4.000 m ở biến thể sử dụng ban ngày, còn biến thể sử dụng đầu tự dẫn IIR có tầm bắn tối đa 2.000 m. Bệ phóng bao gồm 1 máy ngắm ảnh nhiệt. Tên lửa bắt mục tiêu trước khi phóng, còn sau khi phóng, xạ thủ có thể ẩn nấp ngay hoặc nạp đạn cho hệ thống để tấn công mục tiêu tiếp theo.
Việc sử dụng kỹ thuật phóng lạnh cho phép tác xạ từ bên trong các tòa nhà hay lô cốt. Tên lửa có thể bay hoặc theo quỹ đạo vòng cung để "đục nóc" xe tăng hoặc là theo quỹ đạo bay thẳng đến mục tiêu.
Tên lửa HJ-12 có trọng lượng 22 kg ở trạng thái chiến đấu, trong đó trọng lượng tên lửa để trong ống phóng là 17 kg. Phần ống phóng có chiều dài 1,25 m, đường kính ước lượng 170 mm. Kích thước tên lửa không được tiết lộ, nhưng phỏng đoán tên lửa có chiều dài gần 980 mm và đường kính gần 135 mm.
Vị chuyên gia này cho rằng, ngoài quân đội Trung Quốc ra, các nước đang phát triển phải đối phó với xe tăng thế hệ 3 là khách hàng tiềm năng của tên lửa HJ-12. Tuy nhiên, với giá quá cao của loại tên lửa này, cho nên số lượng nước mua sẽ tương đối hạn chế.
Bằng Hữu