ISU-152 là mẫu pháo tấn công tự hành ra đời trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, năm 1943. Xuất phát từ đề án Kế hoạch 236, các pháo tự hành mới cho Hồng quân Liên Xô ban đầu được chế tạo dựa trên thân xe tăng hạng nặng KV-1S, và do đó mang tên KV-14, tức SU-152. Sau đó, pháo được đưa lên thân xe tăng IS trong đề án Kế hoạch 241, và được mang tên ISU-152. Từ tháng 12/1943, ISU-152 bắt đầu được sản xuất ở nhà máy Chelyabinsk Kirovsk.
|
Pháo tự hành ISU-152 trưng bày tại bảo tàng.
|
Pháo tự hành ISU-152 có kích thước rất lớn với chiều dài 9,18m, rộng 3,07m và cao 2,48m, nặng đến 47,3 tấn. Do đó, xe phải sử dụng động cơ V-2IS công suất 520 mã lực, lượng nhiên liệu mang theo là 560 lít và có thể mang thêm 360 lít trong các khoang nhiên liệu bên ngoài. Ở các phiên bản ISU-152K và ISU-152M, lượng nhiên liệu chứa bên trong xe tăng lên 920 lít. Tầm hoạt động của ISU-152 là 120km với điều kiện địa hình dã chiến, và có thể tăng lên đến 670km tùy theo điều kiện địa hình và phiên bản. Tốc độ trên địa hình xấu đạt 20km/h, trên đường nhựa tối đa là 40km/h.
Về khả năng bảo vệ, giáp của ISU-152 có độ dày dao động từ 60 đến 120mm, tùy theo vị trí, đảm bảo chống được một số loại đạn xuyên giáp nhất định. Điều này là rất cần thiết, vì ISU-152 thường hoạt động ở tiền duyên chiến trường, bắn trực xạ diệt lô cốt của địch, nên có thể bị phản pháo rất nhanh.
Clip pháo tự hành ISU-152:
Về hỏa lực, pháo tự hành ISU-152 trang bị pháo chính ML-20S cỡ 152,4mm, cơ số đạn 21 viên, cùng với trọng liên phòng không DShK 12,7mm. Mặc dù khẩu pháo ML-20S có tốc độ nạp đạn rất chậm, chỉ từ 1/3 viên/phút, ngoài ra độ chính xác ở tầm bắn xa không so được với pháo chống tăng sơ tốc cao. Tuy nhiên chỉ riêng sức nổ kinh khủng của loại đạn này đã có thể thổi bay tháp pháo của một chiếc xe tăng hạng nặng Tiger. Đôi khi "nạn nhân" xấu số không bị phá hủy hoàn toàn và có thể được sửa chữa lại, tuy nhiên sức phá kinh hồn của viên đạn đủ để gây ra hư hại đáng kể cho kết cấu bên trong của xe và gây ra thương vong cho tổ lái do các mảnh văng của vỏ giáp và sự rò rỉ nhiên liệu trong các khoang chứa.
|
ISU-152 có thể thổi bay tháp pháo xe tăng hạng nặng Đức chỉ bằng một phát bắn.
|
Không có bất cứ binh sĩ nào trong xe bọc thép có hy vọng sống sót nếu chiếc xe đó ăn phải một phát đạn của pháo tự hành tấn công ISU-152.
Các cửa sập của ISU-152 có trang bị kính tiềm vọng để quan sát. Kính ngắm toàn cảnh và kính ngắm quang học ST-10 sẽ hỗ trợ việc ngắm bắn. Kíp xe 5 người được trang bị hệ thống liên lạc nội bộ TPU-4-BisF và điện đài 10R để liên lạc với các xe khác. Vũ khí để tự vệ của kíp xe là hai súng tiểu liên PPSh-41 và 20 lựu đạn F1.
Việc sản xuất ISU-152 kéo dài từ cuối năm 1943 đến đến năm 1947, với tổng số xuất xưởng là 3.242 chiếc. Tuy nhiên, ISU-152 vẫn phục vụ trong Hồng quân Liên Xô cho đến những năm 1970 mới bị thay thế.
Thanh Hoa