Kì 2: Loay hoay đường lối phát triển hải quân
Vào đầu thời kì phát xít, Hitler vẫn chưa sẵn sàng xé bỏ các hiệp ước giới hạn trọng tải và trang bị của Hải quân Đức. Trước khi các tàu sân bay Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941, sức mạnh của một lực lượng hải quân vẫn là dựa trên số trọng pháo trên các tàu chiến.
Do đó, theo quan niệm này thì Hải quân Đức Quốc xã sẽ không có cửa thắng khi đối đầu trực diện với Hải quân Hoàng gia Anh, bất chấp việc lực lượng này đã suy giảm nhiều do các chương trình thanh lí tàu đóng trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ nhất và Đại suy thoái toàn cầu thời kì 1930.
|
Thiết giáp hạm "bỏ túi" Đô đốc Scheer thuộc lớp Deutschland. |
Dựa trên những nhận định trên, các chỉ huy Hải quân Đức hiểu rằng: Năng lực của các tàu chiến sắp đóng sẽ không phải là vô hạn. Trước khi lên kế hoạch đóng tàu, cần xác định chiến lược tác chiến trên biển, và các thiết kế tàu sẽ căn cứ trên chiến lược đó để đề cao một số đặc tính của tàu, cũng như buộc phải xem nhẹ một số yếu tố khác.
Có một số lựa chọn thích hợp như sau:
- Chiến lược phòng thủ bờ biển (coastal defense): Các tàu chiến sẽ được thiết kế để bảo vệ đường bờ biển của quốc gia bằng cách tiếp cận tàu chiến địch ở cự li gần. Vai trò này có thể được đảm nhiệm bởi các tàu chiến tương đối nhỏ, không cần phải có tốc độ cao, cự li hành trình xa và dự trữ đi biển dài ngày. Khả năng di chuyển gần bờ trong vùng biển nông là lợi thế của loại tàu này.
Chúng có thể chỉ mang ít pháo chính, nhưng phải là các trọng pháo cỡ nòng lớn, có khả năng nhanh chóng gây thiệt hại cho tàu địch, đủ để làm hư hỏng hoặc đánh đuổi chúng khỏi vùng biển.
Về loại tàu này, xuất hiện hai quan điểm về giáp bảo vệ tàu. Một cho rằng giáp bảo vệ nên được tối giản hóa để tàu có lượng giãn nước nhỏ nhất có thể. Nếu các tàu này bị đánh đắm, nó sẽ chìm ở vùng nước nông và có thể cứu hộ, trục vớt dễ dàng. Quan điểm còn lại cho rằng giáp bảo vệ phải được gia tăng hết khả năng có thể, để con tàu có thể tồn tại trong những cuộc bao vây kéo dài của hải quân địch.
- Chiến lược ngăn chặn thương mại trên biển (commerce raider): Các tàu chiến sẽ được thiết kế để có tốc độ cao, dự trữ hành trình lớn và khả năng đi biển dài ngày, và như vậy là đối lập hoàn toàn với các tàu chiến phòng thủ bờ biển.
Các tàu chiến ngăn chặn thương mại sẽ có khả năng bị tàu tuần dương của địch truy đuổi, do đó vũ khí và giáp của chúng phải đủ mạnh để áp đảo các tàu này. Điều này cũng dựa trên một giả định là các tàu chiến sẽ vượt qua được sự kiềm tỏa của các tàu chủ lực đối phương.
- Chiến lược hiện diện kiểm soát mặt biển (fleet-in-being): Chiến lược này đã từng khiến Hải quân Đức gặp phải “mặc cảm số học” trước Hải quân Anh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Hải quân Đức đã đóng một số lượng lớn các tàu Dreadnought (loại tàu chiến chủ lực trang bị toàn pháo lớn, được đặt tên theo chiếc tàu đầu tiên của kiểu tàu này: chiếc HMS Dreadnought, gia nhập biên chế Hải quân Anh cuối năm 1906). Các tàu chiến này đều được thiết kế để chiếm ưu thế trước các đối thủ tương đương trong Hải quân Hoàng gia Anh, tuy nhiên nước Đức chưa bao giờ đạt được số tàu chiến bằng 2/3 Anh quốc. Đó chính là định nghĩa cổ điển của hạm đội hiện diện, một hạm đội giải quyết các vấn đề chiến lược với kẻ địch chỉ đơn giản bằng sự có mặt của mình trên biển.
Hạm đội hiện diện là một mối nguy lớn với đối phương, vì nó buộc hải quân địch phải luôn sẵn sàng chiến đấu. Chúng luôn có khả năng tiêu diệt từng bộ phận hải quân địch nếu có cơ hội. Do vậy, những tàu chiến của hạm đội hiện diện ít nhất cũng phải tương đương với các đối thủ giả định của mình.
Vào đầu thập niên 1930, điều đó có nghĩa là chúng phải có lượng giãn nước khoảng 35.000 tấn, tốc độ khoảng 25 hải lí mỗi giờ (khoảng 46km/h), được trang bị pháo chính có kích cỡ từ 356-406mm và phải có khả năng bảo vệ chống lại các cỡ pháo kể trên từ khoảng cách thích hợp.
|
Thiết giáp hạm Bismarck - niềm tự hào của hải quân Đức |
Cũng cần nói thêm rằng, Hải quân Đức đang bị ràng buộc bởi Hiệp ước Versailles ngày 28/06/1919 và các thỏa ước hải quân sau này. Hiệp ước này cho phép nước Đức thay thế các thiết giáp hạm đã cũ khi thân tàu đã sử dụng được 20 năm. Không những vậy, hiệp ước còn yêu cầu các tàu chiến được đóng mới để thay thế không được có lượng giãn nước tiêu chuẩn quá 10.000 tấn, và bất cứ pháo chính nào lớn hơn 280mm phải được sự phê chuẩn đặc biệt.
Để hiểu được những tác động to lớn của các hạn chế này lên các thiết kế tàu chiến, cần biết rằng lượng giãn nước sẽ “đóng khung” ba thông số chính của tàu chiến (hỏa lực, giáp bảo vệ và động lực) theo nguyên tắc tổng không đổi. Có nghĩa là nếu như con tàu được trang bị pháo lớn để gia tăng hỏa lực thì tất yếu sẽ phải giảm đi giáp bảo vệ. Thậm chí, ngay cả khi tăng lượng giãn nước cũng không hoàn toàn giải quyết được vấn đề, vì nếu như kích thước thân tàu tăng lên thì sẽ cần nhiều khối lượng giáp để bảo vệ nó, và động cơ của tàu phải mạnh hơn để duy trì tốc độ.
Việc lựa chọn giữa ba chiến lược hải quân nêu trên đã khiến các chỉ huy Hải quân Đức do dự khá nhiều. Và sau cùng, thiết kế của các tàu chiến đã được dự liệu để có thể đảm bảo yêu cầu tối thiểu của một trong ba chiến lược này.
Trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đức đã đóng ba lớp tàu chủ lực, đó là:
- Lớp Deutschland: Sau rất nhiều sự mập mờ, thiết kế của loại tàu này mang nhiều đặc tính của các tàu phòng thủ bờ biển, và một chút của tàu ngăn chặn thương mại. Nhờ có khả năng đi biển dài phi thường, lớp Deutschland đã giành được nhiều thắng lợi trong việc săn tìm các tàu buôn đối phương.
- Lớp Schanhorst: được phát triển từ lớp Deutschland, thuần túy với vai trò tàu ngăn chặn thương mại, tốc độ đủ để thoát khỏi sự săn đuổi của các tàu chiến mạnh hơn, và hỏa lực áp đảo các tàu chiến yếu hơn mình.
- Lớp Bismarck: Lớp thiết giáp hạm cao tốc có thể sánh với bất kì tàu chiến đương thời nào. Chúng được đóng để chiến đấu với các thiết giáp hạm lớp Vua George V của Hải quân Hoàng gia Anh.
|
Ba lớp tàu chủ lực của hải quân Đức (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới): Tàu Deutschland và Đô đốc Scheer thuộc lớp Deutschland; Tàu Gneisenau và Scharnhorst thuộc lớp Schanhorst; Tàu Bismarck và Tipitz thuộc lớp Bismarck.
|
Tuy nhiên, mọi nỗ lực và cố gắng trong thiết kế và đóng tàu đã gần như trở thành vô ích khi không quân trở thành lực lượng tung đòn đánh chủ lực của hải quân. Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã đột kích Trân Châu Cảng và sau đó còn đánh chìm các tàu HMS Repulse và HMS Prince of Wales gần bờ biển Malaya ngày 10/12/1941. Điều đó đã khiến cho các tàu chủ lực được trang bị theo cách thức trước đó đã nhanh chóng trở nên lạc hậu. Và nó càng trở nên mỉa mai hơn khi trước đó nửa năm, chính thiết giáp hạm HMS Prince of Wales đã bắn phát đạn pháo kết liễu số phận thiết giáp hạm Bismarck.
Thanh Hoa