Bộ Quốc phòng Nga đã công bố hình ảnh những thành viên đầu tiên của chương trình Armata gồm: xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata và xe chiến đấu bộ binh T-15. Hai loại xe này được thiết kế để trở thành mũi nhọn cho đội hình thiết giáp của quân đội Nga - thay thế cho đội hình dựa trên các xe T-72, BMP-2 và MT-LB hiện nay.
Trong đội hình đấy, sẽ lấy Armata làm trung tâm, hai loại xe chiến đấu kể trên sẽ được tăng cường bằng các biến thể bổ sung chưa được công bố. Trong đó có thể bao gồm xe công binh chiến trường chống mìn (BREM); xe hỗ trợ hỏa lực gắn pháo tự động, tên lửa (Terminator), hay đầu đạn nhiệt áp (TOS); pháo tự hành (Coalitzia); cầu công binh (MTU) và xe thiết giáp thu hồi trang bị (ARV).
|
Xe tăng T-14 Armata tham gia duyệt binh |
Các chuyên gia cho rằng, 24 chiếc siêu tăng T-14 Armata đầu tiên xuất hiện vào ngày 9/5 ở Moskva có thể là một phần sản phẩm của loạt sản xuất đầu tiên, mà một số xe đã được chuẩn bị đặc biệt cho cuộc duyệt binh, theo một cuộc đấu thầu của Bộ Quốc phòng Nga vào tháng 10/2014. Tuy nhiên, những chiếc xe này có lẽ vẫn còn mang nhiều tính chất “trình diễn” hơn là một thiết kế hoàn chỉnh.
|
Pháo chính của T-14 không có bầu hút khói quen thuộc như T-72 hay T-90. |
Theo các chuyên quân sự phân tích, xe tăng T-14 Armata vẫn dùng kíp lái ba người, với hai thành viên ngồi cạnh nhau và người thứ ba ngồi song song với lái xe trong một capsule riêng biệt.
Về hệ thống giáp, T-14 Armata được trang bị hệ thống giáp đa lớp gồm: module giáp thụ động, giáp phản ứng nổ, giáp chống mìn phía trước xe, giáp bảo vệ khoang động cơ, hệ thống phòng vệ chủ động kép. Giáp trên T-15 Armata cũng tương tự như trên T-14 nhờ làm chung khung gầm cơ sở.
Một số nguồn tin mô tả, có đến hàng tá máy quay trên xe tăng, cung cấp đầy đủ thông tin về tình huống xung quanh trong điều kiện ngày đêm và điều kiện thời tiết bất lợi.
Cả hai loại xe đều sử dụng vũ khí điều khiển từ xa, tách kíp lái khỏi súng, pháo và đạn dược.
|
Cận cảnh tháp pháo siêu tăng T-14 Armata. |
Tháp pháo của xe tăng T-14 Armata là loại pháo nòng trơn 125mm, không có vũ khí đồng trục (báo cáo trước đó cho thấy sẽ có súng máy đồng trục 7,62mm và pháo 30mm). Trong khi các tháp pháo có một hình dạng đặc biệt bởi các tấm che những hệ thống khác nhau, cấu trúc cơ bản của nó có lẽ sẽ bé nhỏ hơn, cung cấp không gian cho một hệ thống vũ khí module với pháo, súng cối tự động và các vũ khí khác.
Pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ 125mm trên xe tăng T-14 rất khác so với những loại pháo tương tự trên xe tăng T-72 và T-90. Sự khác biệt này chính là sự vắng mặt của bầu hút khói chống tràn ngược khí thuốc. Trên pháo cũng có hệ thống tính toán đạn đạo, cột khí tượng … để lấy dữ liệu cho máy tính đạn đạo. Pháo chính có thể bắn các loại đạn tiêu chuẩn, cũng như các tên lửa chống tăng có điều khiển bắn qua nòng pháo với tầm xa 8.000m.
Một khẩu súng máy 7,62mm được đặt trên trạm vũ khí điều khiển từ xa, tích hợp kính ngắm toàn cảnh độc lập của trưởng xe. Kính ngắm của xạ thủ sẽ nằm bên cạnh pháo chính, để hai người có thể theo dõi hai mục tiêu khác nhau. Trên xe vẫn còn có thể triển khai thêm những loại vũ khí khác để gia tăng sức mạnh.
|
T-14 không sử dụng đại liên 12,7mm trên nóc tháp pháo theo truyền thống mà dùng súng máy 7,62mm. |
Tháp pháo của T-14 còn có hai hệ thống phòng vệ chủ động bao gồm: hệ thống “chế áp cứng” APS Afghanit (năm ống phóng đạn bên dưới tháp pháo) và bốn hệ thống “chế áp mềm”. Hệ thống có khả năng tạo ra một màn khói đa quang phổ dày đặc để đánh chặn các tên lửa dẫn đường bằng laser hay hồng ngoại, ánh sáng nhìn thấy hay radar sóng mi-li-mét. Những biện pháp đối phó mềm như vậy được sử dụng để bảo vệ xe khỏi các tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba và thứ tư như Hellfire, TOW, BILL hay Brimstone, JAGM, Javelin hay Spike …, đặc biệt là các vũ khí đánh vào nóc xe, bằng quĩ đạo gần như thẳng đứng bằng cảm biến hợp nhất (SFW).
Tổng cộng sẽ có 10 ống phóng Afghanit được bố trí trên tháp pháo. Khi tháp pháo hướng về phía trước, chúng sẽ bảo vệ vòng cung 60 độ mỗi bên nòng pháo (tổng cộng là 120 độ). Khi mối đe dọa đến từ bên hông hay phía sau, tháp pháo sẽ tự động xoay theo hướng có đe dọa, tạo điều kiện cho APS hoạt động. So với loại cũ Drozd , Afghanit gọn gàng và hiệu quả hơn, nhất là khi sử dụng để đối phó với các đe dọa ở cự li gần.
Mỗi cụm ống phóng APS có cảm biến riêng của mình, gắn trên tháp pháo, bao phủ các góc phần tư phía trước, phía sau và hai bên trái, phải. Một số nguồn tin cho hay, các xe Armata có thể phát hiện, định vị và đồng thời theo dõi 40 mục tiêu mặt đất và 25 mục tiêu trên không. Nếu thật sự như vậy, khả năng cảm biến của xe sẽ là radar AESA (mạng pha chủ động).
|
Động cơ đặt ở đuôi xe tăng. |
Xe tăng T-14 Armata có động cơ tăng áp diesel được bố trí phía sau, đặt các hệ thống vũ khí chính trong trung tâm và kíp lái ở phía trước xe.Các động cơ được phát triển đến 1.500 mã lực (khai thác tối ưu ở 1.200 mã lực). Các cửa hút không khí làm mát và cửa xả động cơ được thiết kế lại để thích nghi với giáp bảo vệ.
T-14 sử dụng bộ giáp mỏng để bảo vệ các cơ cấu này, để có không gian cần thiết cho không khí và khí xả. Các thùng nhiên liệu bên ngoài cũng được gia tăng bảo vệ. Nhiên liệu tại đây sẽ được sử dụng trước để giảm thiệt hại nếu trúng đạn trong chiến đấu.
Thanh Hoa