Khi tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn – trung S-125 Pechora (NATO định danh là SA-3) được đưa vào trang bị cho Quân đội Liên Xô, khó có ai nghĩ được rằng hơn 50 năm sau, tổ hợp phòng không này vẫn được quan tâm như xưa và đủ khả năng giải quyết các nhiệm vụ được đặt ra.
Tổ hợp này đã chứng minh rõ ràng điều này khi NATO ném bom Nam Tư, tên lửa của tổ hợp đã bắn rơi máy bay tàng hình hiện đại F-117. Đồng thời cũng phải ghi nhận, kết quả này đã có được không chỉ do tài nghệ điêu luyện của các chiến sĩ tên lửa phòng không, mà còn cả do hoàn cảnh thuận lợi.
Tổ hợp S-125 của thế kỷ 21
Hiện nay tổ hợp S-125 đã được cải tiến nâng cấp hiện đại hóa rất cơ bản, biến thể mới S-125 Pechora-2M không còn giữ lại nhiều những nét của biến thể trước, đã tăng khả năng chiến đấu lên rất nhiều. Tổ hợp này trước hết phải làm cho các quốc gia có trong trang bị các phương án khác nhau của S-125 quan tâm.
|
Tổ hợp Pechora-2M gần như đã thay đổi hoàn toàn S-125 Pechora, biến nó thành tổ hợp mới hơn là phương án nâng cấp.
|
Tuy nhiên chiến lược ban đầu này đã được Rosoboronexport xem xét lại một cách căn bản. Đầu tiên Pechora-2M được giới thiệu ra thị trường nước ngoài chính là cho các nước có sử dụng S-125. Nhà sản xuất tổ hợp này Oboronitelnye sistemy nhận đặt hàng cải tiến Pechora có trong trang bị của nhiều nước. Song đến nay Pechora-2M được coi là tổ hợp phòng không mới, được nghiên cứu chế tạo trên cơ sở các linh kiện của S-125. Quyết định này đã mở rộng thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm ra các nước chưa bao giờ có S-125 trong trang bị.
Tổ hợp Pechora-2M có khả năng chiến đấu chống lại tất cả các phương tiện tấn công đường không của địch một cách hiệu quả. Nó đặc biệt hiệu quả khi so sánh với các hệ thống phòng không khác trong chống lại các mục tiêu nhỏ và bay thấp. Hệ thống quang điện tử mới được lắp cho tổ hợp cho phép phát hiện và bám mọi loại mục tiêu trên không một cách hiệu quả cả ban ngày cũng như ban đêm. Để đảm bảo mức độ bảo vệ cao hơn tổ hợp có trang bị các phương tiện bảo vệ chống tên lửa tự động điều khiển theo phát sóng và gây nhiễu tích cực.
|
Cabin điều khiển Pechora-2M với hệ thống hiển thị tiêu chuẩn thế kỷ 21.
|
Việc sử dụng tên lửa phòng không có điều khiển đã nâng cấp trong tổ hợp cho phép tăng hiệu quả và tầm tiêu diệt mục tiêu trên không. Nhờ thay với quy mô lớn thiết bị cơ bản của tổ hợp sang linh kiện rắn (bán dẫn, không dùng linh kiện chân không như trước) và kỹ thuật số nên đã tăng được thời hạn khai thác tổ hợp và độ tin cậy của nó, giảm chi phí khai thác, giảm quân số khẩu đội. Việc lắp đặt các phương tiện của tổ hợp lên khung bệ xe bánh lốp, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, trang thiết bị dẫn dường vệ tinh, dẫn động thủy lực anten theo chương trình phần mềm máy tính cho phép giảm nhiều thời gian triển khai tổ hợp sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cũng như đảm bảo sự cơ động cần thiết.
Pechora-2M có khả năng kết nối với sở chỉ huy cấp trên và đài radar ở xa nhờ các kênh thông tin liên lạc vô tuyến đã mã hóa. Việc sử dụng tổ hợp bảo vệ kỹ thuật vô tuyến chống tên lửa diệt radar của địch và bố trí cabin điều khiển xa anten tăng sức sống của tổ hợp trên chiến trường. Cách giải quyết mà xí nghiệp Oboronitelnye sistemy đã áp dụng để cải tiến nâng cấp hiện đại hóa Pechora cho phép với những chi phí tương đối thấp tạo ra vũ khí khá hiện đại trên cơ sở S-125.
Hiện Pechora-2M thực sự là tấm danh thiếp sáng giá của Oboronitelnye sistemy. So với S-125 Pechora, tổ hợp mới có đến 90% thiết bị điện tử mới. Linh kiện hiện đại mức những năm 2000 đáp ứng những yêu cầu hiện đại nhất, từ các vi mạch được dùng trong máy tính điện tử đến màn hình màu tinh thể lỏng hiển thị tình hình không phận. Cabin điều khiển tổ hợp, xe anten và sở chỉ huy đã được tách khá xa nhau (thay cho cự li trước đây là 70m), tăng đáng kể sức sống của tổ hợp khi bị địch đánh phá. Thêm nữa, tổ hợp Pechora-2M có 8 bệ phóng thay cho 4 trước đây. Thời gian khai thác đến khi có thể xuất hiện hỏng hóc của tổ hợp tăng lên 5 lần, cự li phát hiện mục tiêu trên không tăng lên 2 lần trong điều kiện địch dùng nhiễu.
|
Khả năng tác chiến của tổ hợp Pechora-2M mạnh hơn rất nhiều so với mẫu cũ.
|
Các hướng cải tiến nâng cấp hiện đại hóa tên lửa phòng không có điều khiển chủ yếu là: hoàn thiện đầu đạn và ngòi nổ vô tuyến; hoàn thiện phương pháp dẫn tên lửa có điều khiển; tăng tính năng năng lượng của động cơ tên lửa.
Tên lửa phòng không có điều khiển đã có khả năng tăng trọng lượng liều tăng tốc nhiên liệu rắn khi phóng. Phần đầu đạn dùng các mảnh sát thương có khối lượng tăng thêm 1,6 lần, còn số mảnh tăng lên 3,7 lần. Việc hoàn thiện ngòi nổ đã cho phép giảm độ cao hoạt động của ngòi đến 20m, cũng như đảm bảo chọn thời điểm kích nổ tối ưu tính đến cự li văng mảnh sát thương và giản đồ định hướng của ngòi nổ.
Tìm hiểu tổ hợp Pechora-2M
Tổ hợp Pechora-2M bao gồm: đài radar dẫn tên lửa phòng không S-125-2M (cabin điều khiển UNK-2M và anten UNV-2M) lắp trên khung bệ ôtô; đến 8 bệ phóng tự hành 5P73-2M, mỗi bệ có hai thanh dẫn (cho hai quả tên lửa); đến 8 xe chở - nạp đạn TZM dùng xe cơ sở là ôtô Ural-4210 hoặc ZiL-131; tên lửa phòng không có điều khiển loại 5V27U, 5V27D, 5V27DE, cũng như hệ thống nguồn điện (trạm điện diesel 5E96A và cabin phân phối RKU-N). Ngoài ra tổ hợp có thể được bổ sung xe xưởng sửa chữa cơ động, xe thu cáp KU-03T cùng một bộ cáp, cũng như tổ hợp phương tiện bảo vệ kỹ thuật vô tuyến KRTZ-125-2M.
|
Tổ hợp được đặt lên khung gầm xe vận tải bánh lốp đem lại khả năng cơ động cao. Trong ảnh là anten UNV-2M thuộc đài điều khiển SNR-125-2M đặt trên xe vận tải bánh lốp.
|
Phòng thiết kế chế tạo máy chuyên dùng KBSM ở St. Peterburg đã nghiên cứu chế tạo riêng cho Pechora-2M bệ phóng mới trên khung bệ ôtô MZKT-8021. Đồng thời nhà sản xuất khung bệ xe này ở Belarus đã trù định khả năng trang bị cho bệ phóng này hộp số Allison, động cơ Mersedes và lốp ngoại do không chỉ các nhà đặt hàng nước ngoài thích mua tổ hợp này, mà còn vì các bộ phận này có giá tương đối rẻ.
Các nghiên cứu đã được thực hiện ngay từ giai đoạn thiết kế nhằm xác định khả năng chở tên lửa đã lắp trên thanh dẫn của bệ phóng 5P73 trên địa hình lồi lõm gập ghềnh đã cho thấy, nếu không thiết kế lại căn bản và tăng khối lượng chính bệ phóng thì không thể chuyên chở được 4 quả tên lửa phòng không có điều khiển. Vì vậy đã có quyết định thiết kế lại bệ phóng 4 quả đạn thành bệ phóng 2 quả đạn.
|
Bệ phóng tự hành của tổ hợp lắp 2 đạn tên lửa có điều khiển.
|
Khối lượng bệ phóng tự hành là 31,15 tấn, khẩu đội gồm 3 người. Trên đường nhựa bệ phóng có thể đạt tốc độ 40km/h, trên đường đất đến 20km/h, khi cơ động trên địa hình lồi lõm gập ghềnh 10km/h. Việc chuyển từ trạng thái vận chuyển sang trạng thái chiến đấu không quá 30 phút, thường là 25 phút.
Dự kiến trong tương lai bệ phóng sẽ có bộ thiết bị kiểm tra, nguồn cấp điện độc lập, trang thiết bị chuẩn bị phóng và kênh liên lạc vô tuyến để trao đổi thông tin với sở chỉ huy tiểu đoàn, những thiết bị này sẽ cho phép đưa bệ phóng cách các phương tiện dẫn tên lửa đến 10km trên hướng nguy hiểm nhất.
Tổ hợp có thể phát hiện các mục tiêu trên không có cộng hưởng điện từ EPR 2m2 ở độ cao 7 Km và cự li 69-79 Km trong điều kiện không có nhiễu và ở cự li 35-40 Km khi đối phương gây nhiễu, ở độ cao 0,35Km mục tiêu sẽ bị phát hiện ở cự li 35-45 Km và 35-40 Km tương ứng (không nhiễu và có nhiễu).
|
Xe cabin điều khiển tổ hợp.
|
Xe radar UNV của Pechora-2M đã được thay đổi nhiều. Thiết bị truyền đã được chuyển sang linh kiện cứng (bán dẫn), không đòi hỏi phải hiệu chỉnh. Ngoài ra, đã có thêm kênh tìm nhiệt cho phép sử dụng hiệu quả đài radar vào ban đêm và trong điều kiện không nhìn thấy mục tiêu trên không (khi mục tiêu ở trong mây) mà không cần khởi động phát sóng vô tuyến.
Tổ hợp tên lửa phòng không được trang bị các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, cũng như định hướng trắc địa và gắn với địa hình do sử dụng các hệ thống định vị vệ tinh GPS hoặc GLONASS. GPS vô tuyến mã hóa được sử dụng cho phép đảm bảo tự động tiếp nhận chỉ thị mục tiêu từ nguồn thông tin bên ngoài.
|
Xe sửa chữa của tổ hợp.
|
Để đảm bảo bảo vệ một cách tin cậy tổ hợp tên lửa phòng không chống tên lửa diệt radar của đối phương như AGM-88 HARM (loại tên lửa tìm đến đài radar theo sóng phát đi từ đài), đã thiết kế chế tạo tổ hợp bảo vệ kỹ thuật vô tuyến KRTZ-125-2M. Tổ hợp này bao gồm khối điều khiển và thông tin liên lạc OI-125BS, 4-6 bộ truyền OI-125, nguồn cấp điện độc lập (220V/50Hz), bộ phụ tùng thay thế và xe tải loại Ural-4320.
Hoạt động của tổ hợp này được thiết lập trên cơ sở ngụy trang các tín hiệu của xe anten nhờ các tín hiệu của cụm các thiết bị truyền khi tuân thủ điều kiện là công suất của mỗi tín hiệu trong đó bằng hoặc lớn hơn công suất phát xạ nền của đài radar trong góc đảm nhiệm đã chọn. Cụm xung do các nhóm OI-125 phát đi có khả năng thường xuyên thay đổi các thông số của mình trong phạm vi chương trình đã cho, tạo ra các nhiễu không gian đối với đầu tự dẫn của tên lửa địch.
Nếu bố trí các khối OI-125 quanh đài radar cách đều khoảng 300m thì sẽ đảm bảo chắc chắn “lái” tên lửa địch ra khoảng cách an toàn cho đài radar. Theo các nguồn tin, đã thử nghiệm bắn phá đài radar trên trường bắn bằng các tên lửa diệt radar thì đã không quả tên lửa nào trúng được mục tiêu. Điều quan trọng là hệ thống KRTZ-125-2M có thể được dùng một cách hiệu quả với tổ hợp tên lửa phòng không bất kỳ của Nga.
Tính năng kỹ thuật tổ hợp tên lửa phòng không Pechora-2M:
- Độ cao diệt mục tiêu 0,02-20km
- Cự li tiêu diệt mục tiêu lớn nhất ở độ cao 0,5km: 20km (đối với tên lửa phòng không có điều khiển 5V27D) và 22km (đối với tên lửa phòng không có điều khiển5V27DE)
- Cự li tiêu diệt mục tiêu lớn nhất ở độ cao 5-20km: 28km (đối với tên lửa phòng không có điều khiển 5V27D) và 32km (đối với tên lửa phòng không có điều khiển 5V27DE)
- Số lượng bệ phóng: 8 chiếc (16 đạn tên lửa)
- Số mục tiêu bám cùng một lúc: 16
- Xác suất tiêu diệt mục tiêu bằng một quả tên lửa: ở cự li đến 25km là 0,72-0,99, đối với cự li 25-28km là 0,51-0,99;
- Cự li phát hiện mục tiêu có có cộng hưởng điện từ EPR 2m2 gần 100km, mục tiêu có EPR bằng 0,15m2 gần 50km khi không có nhiễu. Khi có nhiễu ngụy trang tích cực cự li còn 40km.
- Thời gian đưa tổ hợp vào trạng thái chiến đấu: 25 phút.
Nguyễn Vũ