Những điều chưa biết về Hải quân Nhân dân Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Trong khu vực Đông Nam Á, Hải quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng có kinh nghiệm dày dặn hơn cả được tôi luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Từ ca nô gỗ đến hạm đội
Việc xây dựng hải quân, đã được chú ý từ năm 1946 với quyết định thành lập hải quân do quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng ký ngày 19/7/1946. Tuy nhiên, khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, lực lượng này đã phải giải tán vì không đủ điều kiện duy trì.
Cho đến năm 1955, việc xây dựng lực lượng hải quân mới thực sự tiến hành. Ngày 7/5/1955 Cục phòng thủ bờ biển được thành lập, trực thuộc Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh. Lực lượng khi thành lập chỉ gồm có 1 trường đào tạo và 2 thủy đội mang tên Sông Lô, Bạch Đằng. Phương tiện trang bị cũng rất thô sơ gồm 20 ca nô gắn máy GMC chạy bằng xăng, đạt vận tốc 4-5 hải lý/h có gắn trọng liên 12,7mm và đại liên.
Lich su Hai Quan Viet Nam nhung dieu ban doc chua biet
Tàu pháo tuần tiễu cỡ nhỏ của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.


Nhưng chỉ trong mấy năm, hải quân ta đã phát triển nhanh chóng. Theo cuốn Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam, đến đầu những năm 1960, lực lượng hải quân đã có gần 100 tàu các loại.
Những chiếc tàu lớn đầu tiên của Hải quân Việt Nam là của Trung Quốc viện trợ tháng 10/1956. Đó là loại tàu tuần tiễu có lượng giãn nước 50 tấn, vận tốc 11-12 hải lý/giờ với trang bị gồm một khẩu pháo nòng đơn 37mm, 1 khẩu pháo 20mm, 2 khẩu trọng liên 12,7mm và một bộ dụng cụ cắt thủy lôi MT-3.
Tiếp sau đó, giai đoạn 1958-1961, Liên Xô lần lượt viện trợ cho ta 24 tàu tuần tiễu loại 79 tấn. Trang bị trên các tàu này có  2 pháo 40mm, 2 pháo 20mm và một số bom chìm để đánh tàu ngầm.
Bên cạnh đó, Liên Xô cũng viện trợ thêm 4 tàu săn ngầm trọng tải 200 tấn vào cuối năm 1960 và 12 tàu phóng lôi kiểu 123K vào cuối năm 1961.  
Ngày 3/1/1964, Bộ Quốc phòng ra quyết định đổi Cục Hải quân thành Bộ tư lệnh Hải quân với vị trí thành một quân chủng riêng biệt, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Cũng trong tháng 1/1964, Việt Nam nhận thêm 2 tàu tuần tiễu 90 tấn cùng 4 tàu đổ bộ 50 tấn do Liên Xô giúp.
Kể từ năm 1964, lực lượng tàu chiến của Việt Nam không có thêm bước phát triển nào lớn hơn nữa. Tuy vậy, chỉ với những tàu chiến bé nhỏ ấy, Hải quân Việt Nam đã kiên cường đánh trả lại lực lượng Hải quân đông đảo của Mỹ làm nhiều tàu bị cháy, bị thương đồng thời bắn rơi nhiều máy bay của Hải quân Mỹ.
Điển hình cho tinh thần chiến đấu anh dũng của bộ đội hải quân là trận ra quân tấn công tàu khu trục Maddox của Mỹ xâm phạm vùng biển. Bên cạnh đó, Hải quân Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc rà phá thủy lôi, đập tan âm mưu phong tỏa miền Bắc của Mỹ.
Về mặt tổ chức lực lượng, tháng 9/1975, lực lượng tàu chiến của Hải quân Việt Nam được tổ chức tới cấp hạm đội với quyết định thành lập Hạm đội 171. Đây được coi là lực lượng cơ động của toàn Quân chủng Hải quân, hoạt động từ vùng biển Quảng Ninh đến Hà Tiên.
Lich su Hai Quan Viet Nam nhung dieu ban doc chua biet-Hinh-2
Tàu tên lửa đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam, Komar Project 183P.


Trong cuộc chiến tiêu diệt chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, Hạm đội 171 và các đơn vị hải quân đánh bộ như lữ đoàn 126,101 đã góp phần vào thắng lợi ở một hướng chiến dịch khi tiêu diệt toàn bộ hải quân Pol Pot ở quân cảng Ream và cảng Cong pong xom. Tuy nhiên, năm 1981, hạm đội này đã được rút gọn lại thành Lữ đoàn 171.
Về mặt trang bị, đầu những năm 1970, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã được nước bạn Liên Xô viện trợ cho các tàu tên lửa đầu tiên thuộc lớp Komar Project 183P. Sang tới những năm 1980, Việt Nam tiếp tục tiếp nhận thêm 8 tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Osa II Project 205M.
Ngoài ra, từ 1978-1984, Việt Nam lần lượt tiếp nhận thêm 5 tàu săn ngầm lớp Petya II/III (Project 159A/AE).
Cùng với đó, sau giải phóng ta cũng thu được một số tàu chiến của quân Ngụy và sử dụng nhiều trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Hầu hết ngày nay tất cả đều đã loại khỏi biên chế.
Hiện đại hóa lực lượng
Kể từ sau năm 1990, trước yêu cầu tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã tập trung ưu tiên mua sắm trang bị mới hiện đại hóa Hải quân Nhân dân Việt Nam đáp ứng công tác bảo vệ biển đảo tổ quốc.
Giữa những năm 1990, Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga mua một số tàu hộ tống tên lửa cỡ nhỏ Project 1241RE. Có thể nói, đây là những chiến hạm hiện đại đầu tiên của quân đội ta có sức chiến đấu mạnh. Con tàu có lượng giãn nước gần 500 tấn, trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu P-15M Termit.
Đầu những năm 2000, Việt Nam tiếp tục ký thêm hợp đồng mua 2 tàu hộ tống tên lửa Project 1241.8 hiện đại hơn. Con tàu được trang bị 16 tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E. Tính toán trên lý thuyết, một quả đạn Uran có thể đánh chìm chiến hạm cỡ 5.000 tấn.

Tuy đã có trong tay các tàu Project 1241RE và 1241.8, nhưng nhìn chung chúng ta vẫn chưa có tàu chiến lớn tuần tra biển xa. Năm 2007, Việt Nam ký tiếp hợp đồng mua 2 khinh hạm Gepard 3.9 Project 11661E. Trong tháng tháng 3-8/2011, cả 2 tàu lần lượt được chuyển giao.
Lich su Hai Quan Viet Nam nhung dieu ban doc chua biet-Hinh-3
Đội tàu chiến hiện đại của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Gepard 3.9 là tàu chiến lớn nhất, hỏa lực tốt nhất trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay. Tàu có lượng giãn nước 2.100 tấn, dài hơn 100m, thủy thủ đoàn khoảng 100 người. Tàu được trang bị: 8 tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E; một tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Palma-SU; 2 pháo phòng không cao tốc Ak-630; pháo hạm Ak-176.
Theo một số nguồn tin, Việt Nam đang có những đàm phán với phía Nga để mua thêm 2 khinh hạm Gepard 3.9 với việc tăng cường thêm hỏa lực chống ngầm.
Một sự kiện quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa Hải quân Việt Nam diễn ra vào năm 2009, chúng ta chính thức ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện – diesel Kilo.
Dự kiến, các tàu ngầm Kilo sẽ được chuyển giao cho Việt Nam bắt đầu từ năm 2014. Với số tàu ngầm này, hải quân ta sẽ được tăng cường đáng kể sức mạnh bảo vệ vững chắc tổ quốc.
Ngoài việc mua sắm thêm tàu chiến, hải quân cũng bước đầu xây dựng lực lượng không quân riêng để tham gia nhiệm vụ chống ngầm, tuần tra bảo vệ bờ biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, tìm kiếm cứu nạn…
Vũ Đức - Hoàng Lê