Những ngày gần đây, đặc tính kỹ chiến thuật của chiến đấu cơ F-35 Lighting II trở thành chủ đề tranh cãi giữa giới chức quân sự, chuyên gia trong và ngoài nước Mỹ. Những người ủng hộ dự án cho rằng, F-35 là sản phẩm công nghệ cao ra đời nhằm kết thúc các cuộc không chiến tầm gần.
|
F-35 là cỗ máy tối tân cho những cuộc không chiến tầm xa. |
Nhà phân tích quốc phòng Andrew Davies lập luận, điểm mạnh của F-35 là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. Quan điểm của nhóm thiết kế là phát triển một tiêm kích đặc biệt cho không chiến tầm xa hơn là quần vòng ở tầm gần.
Các kỹ sư của Lockheed Martin đã tập trung những công nghệ hiện đại nhất cho kỹ thuật không chiến tầm xa. Vũ khí chủ lực của siêu tiêm kích này là các tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120 AMRAAM với tầm bắn tối đa 180 km. Trong khi đó, Lầu Năm Góc liên tục thuyết trình rằng, họ sẽ áp dụng những phương thức tác chiến mới nhất để đối phương không có cơ hội tiếp cận F-35 ở cự ly gần.
Bên cạnh việc trang bị cho F-35 vũ khí và cảm biến hiện đại, Lầu Năm Góc còn áp dụng hệ thống dẫn đường và cảnh báo tầm xa cho siêu tiêm kích trong các hoạt động chiến đấu. Nếu nhìn vào những công nghệ mà nó sở hữu, đối phương có rất ít cơ hội để tiếp cận siêu chiến đấu cơ này.
Tử huyệt từ lợi thế của F-35
Tuy nhiên, vị chuyên gia kiêm giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược Australia cho rằng, những công nghệ mà F-35 sở hữu chưa chứng minh được tính hiệu quả. Nếu đối phương khoét sâu vào lợi thế của tiêm kích này trong hệ thống dẫn đường tầm xa, nó có thể trở thành tử huyệt của F-35.
|
Nếu không thể kết liễu đối phương từ xa, F-35 (phía sau) từ thợ săn sẽ biến thành con mồi nếu rơi vào tình huống không chiến quần vòng. |
Thành công trong không chiến tầm xa của Lightning II phụ thuộc vào hệ thống giám sát thông tin tình báo chiến trường C4IRS. Đây là lĩnh vực Mỹ chiếm nhiều ưu thế. Trong khi đó, Trung Quốc đang tập trung vào học thuyết quân sự tấn công hệ C4IRS của Mỹ, đặc biệt khả năng tấn công vệ tinh, vị chuyên gia lập luận.
Thời gian gần đây, Bắc Kinh phát triển mạnh kỹ thuật tấn công không gian mạng, tác chiến điện tử mà họ gọi là học thuyết INEW. Thiếu tướng Đới Thanh Dân, chỉ huy chương trình INEW từng nói, mục tiêu hàng đầu của học thuyết mới là phá vỡ hệ thống thông tin chiến đấu của đối phương.
Giả sử đối phương phá vỡ liên kết giữa F-35 và máy bay chỉ huy cảnh báo sớm tầm xa (AWACS), khi đó, siêu tiêm kích phải tác chiến độc lập với các hệ thống sẵn có. Liệu tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ có chiếm được ưu thế so với các chiến đấu cơ của Nga và Trung Quốc, Malcolm Davis, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Bond, Australia đặt giả thuyết.
Khi sự liên kết giữa bộ 3 F-35, vệ tinh và máy bay AWACS bị gián đoạn, tiêm kích của Mỹ từ lợi thế của thợ săn có thể trở thành con mồi cho các chiến đấu cơ hiện đại vì khi đó, những điểm yếu về tốc độ chậm, không chiến tầm gần kém sẽ bộc lộ.
Vị chuyên gia cho rằng, các nước có thể đã nghiên cứu kỹ về chương trình F-35 và chắc chắn họ không để cho chiến đấu cơ của Mỹ nắm toàn bộ lợi thế trong chiến đấu. Phương pháp hiệu quả nhất để hạn chế sức mạnh của đối phương là tấn công vào chính điểm mạnh của họ, ông phân tích.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972, Không quân Mỹ thiết lập bộ áo giáp điện tử chắc chắn xung quanh B-52 mà họ gọi là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, lực lượng phòng không Việt Nam đã khoét vào chính bộ áo giáp này khiến hàng chục pháo đài bay phải trả giá trên bầu trời Việt Nam.
Người Mỹ đang cố gắng chế tạo một siêu chiến đấu cơ trong môi trường chiến thuật mà họ nắm thế chủ động. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được khi đối phó với các quốc gia có sức mạnh quốc phòng kém xa Mỹ. Với những lực lượng không quân mạnh như Nga, Trung Quốc, F-35 khó có khả năng làm chủ cuộc chơi. Khi F-35 hoạt động trong môi trường chiến thuật bất lợi, những điểm mạnh có thể trở thành tử huyệt cho siêu tiêm kích này, Andrew Davies kết luận.
Theo Zing