Tờ RBTH ngày 8/6 cho hay, lực lượng vũ trang Nga đang xúc tiến quá trình hiện đại hóa đối với cả đội quân tác chiến trên biển. Sau khi tung ra một chương trình nâng cao năng lực chiến đấu của máy bay chống ngầm IL-38, Nga còn tuyên bố kế hoạch cải tiến thiết bị máy bay Tu-142 và trực thăng Ka-27, từng bước tiến tới thiết lập hệ vũ khí chống ngầm hoàn toàn mới.
Cùng với việc cập nhật các thành phần điện tử-vô tuyến của máy bay để đảm bảo độ tin cậy trong việc tìm diệt các tàu ngầm địch thì việc sản xuất ngư lôi chống ngầm mới cũng được đẩy mạnh. Vũ khí này sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu diệt tàu ngầm địch.
|
Nga đang bí mật phát triển ngư lôi "tí hon" để diệt tàu ngầm địch.
|
Theo Shamil Aliev, Thiết kế trưởng tại Nhà máy Dagdiesel thuộc Daghestan, miền nam Nga cho biết, công ty đang phát triển “các loại vũ khí tấn công dưới nước có độ chính xác cao”.
Trong đó Aliev có đề cập tới các đặc tính đặc biệt được tích hợp trong một loại ngư lôi mới như hệ thống điều kiểm soát điện tử, trí thông minh nhân tạo và khả năng giảm âm cực tốt. Tuy nhiên, Aliev đã không tiết lộ nhiều chi tiết cụ thể vì ông cho rằng đây là một chương trình tuyệt mật. Những vũ khí này, theo Aliev, sẽ được tích hợp bên trong cả các chức năng quan sát, trinh sát để tìm hướng phá hủy mục tiêu.
Ngư lôi mới nhỏ mà “có võ”
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây 2 năm, Aliev đã đề cập tới chủ đề về loại ngư lôi chống ngầm trong tương lai. Tại thời điểm đó, theo Aliev đánh giá, Nga vẫn đứng sau Pháp và Mỹ trong lĩnh vực ngư lôi.
“Cuối cùng, các ngư lôi của chúng tôi vẫn to và ồn hơn so với các loại ngư lôi tốt nhất trên thế giới, bởi vì hầu hết các thành phần tiên tiến nhất và các đơn vị phân tích, thông tin tối tân đang thiếu”, Aliev nói.
Nhà thiết kế này đã kêu gọi một chương trình nghiên cứu khởi đầu nghiêm túc đối với lĩnh vực ngư lôi để lấp khoảng cách giữa Nga và các nước khác. Thực tế ông không chỉ kêu gọi chương trình nghiên cứu và phát triển, mà còn đi vào các công việc thực tế để tạo ra các quả ngư lôi lợi hại thực sự.
Hai việc ưu tiên trước hết đối với Nga là tập trung vào hiện đại hóa loại ngư lôi nổi tiếng nhất của Liên Xô là Shkval và tạo ra một sản phẩm mới về căn bản, đó có thể là loại ngư lôi cỡ nhỏ chỉ dài khoảng 12-inch (khoảng 30 cm). Aliev đã ví ngư lôi mới như những “chiếc kéo” từ từ di chuyển về phía mục tiêu với số lượng lớn mà không hề bị để ý, rồi bất ngờ “tiêm” vào mục tiêu và làm nổ tung nó lên.
Sẽ tái sinh ngư lôi khét tiếng Shkval?
Dự án thứ hai cũng được giữ bí mật, và không có gì được tiết lộ chi tiết ngoài việc hé mở một mô hình khái niệm chung về loại ngư lôi này.
Theo các nguồn tin cho hay, đó có thể là phiên bản hiện đại hóa của loại ngư lôi săn ngầm VA-111 Shkval, với những thay đổi căn bản về thiết kế, hình dáng và thập chí cả các chiến thuật được vận dụng.
Loại ngư lôi độc đáo Shkval trước đó lại được chính nhà máy Dagdiesel thiết kế và sử dụng vào nửa cuối những năm 1970, có khả năng đạt tốc độ tới 186 mph (300 km/h) ở dưới nước nhờ vào công nghệ “siêu khoang” tạo ra luồn bọt khí bao quanh ngư lôi khi chuyển động. Nhược điểm của ngư lôi này là nó có độ ồn lớn, khoảng cách hoạt động ngắn chỉ từ 5-6 dặm (8-9,6 km) và khiến nó dễ dàng làm lộ vị trí tàu ngầm mang ngư lôi.
|
Nhiều khả năng Nga sẽ tái sinh siêu ngư lôi diệt ngầm Shkval trong một phiên bản hiện đại và lợi hại hơn nhiều.
|
Tuy nhiên, cũng trong cuộc phỏng vấn vào năm 2013, Aliev đã cho rằng việc cải tiến ngư lôi Shkval là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Nga. Aliev tiết lộ chính ông đã tham gia thiết kế hình dáng thủy động lực cho phiên bản ngư lôi nâng cấp này.
Công việc thiết kế bao gồm việc xác định được ranh giới nước và luồng khí xung quanh ngư lôi để từ đó xác định được những giới hạn về kích thước và trọng lượng của ngư lôi. Aliev cũng cho biết, ngư lôi này sẽ được đối chiếu với các ngư lôi của Mỹ, bao gồm cả việc cài đặt lớp cảm biến đa năng đặc biết và có khả năng thay đổi tùy theo các lệnh điều khiển.
Đây dường như sẽ là loại ngư lôi được tích hợp vào hệ thống vũ khí mới trang bị trên tàu ngầm có độ chính xác cao của Nga. Hệ thống dẫn đường quán tính của Shkval cũng sẽ được thay thế bằng hệ thống dẫn đường hiện đại và hệ thống động năng mới nhằm tăng phạm vi tiêu diệt các mục tiêu.
“Ngư lôi này không chỉ tấn công vào thân tàu ngầm kẻ địch, mà còn đánh vào hầu hết các điểm dễ tổn tương của chúng như khoang chỉ huy hay khoang điều khiển. Đừng quên rằng, một tàu ngầm dù không thể bị phá hủy bởi một quả tên lửa nhưng lại bị phá hủy bởi một quả ngư lôi”, Aliev nói.
Văn Biên