Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc, mối quan hệ hợp tác quân sự - chính trị giữa Nga và Trung Quốc không ngừng phát triển, bằng chứng thể hiện việc xuất khẩu quân sự giữa hai nước đã đạt được những thỏa thận mới sau thời hậu Liên Xô.
Theo số liệu thống kê cho thấy, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD. Sang năm 2012 vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh.
|
Dù đã tự chế tạo được lượng lớn trực thăng nhưng Trung Quốc vẫn ký mua thêm 52 chiếc Mi-17E.
|
Theo đại diện Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Nga, trong tổng số hợp đồng trị giá 17,6 tỷ USD mới ký gần đây của Nga, kim ngạch của phía Trung Quốc chiếm 12%, điều này đồng nghĩa tổng kim ngạch buôn bán vũ khí Nga và Trung Quốc đã đạt tới 2,1 tỷ USD.
Hiện đã biết chính xác những nội dung cụ thể trong bản hợp đồng lên tới 1,3 tỷ USD, trong đó Trung Quốc sẽ chi 600 triệu USD mua 52 chiếc máy bay trực thăng đa năng Mi-171E, chi 700 triệu USD mua 140 động cơ hàng không AL-31F. Số động cơ này được trang bị cho máy bay chiến đấu Su-27, Su-30 của Nga và J-11B/BS, J-15 và J-16 của Trung Quốc.
Gần 10 năm nay, xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc vẫn giữ một vị trí quan trọng trong ngành xuất khẩu vũ khí của Nga. Mặc dù ngành chế tạo hàng không của Trung Quốc không ngừng đạt được những tiến bộ vượt bậc, nhưng các động cơ máy bay hầu hết lệ thuộc vào Nga.
Trung Quốc đang sản xuất 3 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 gồm: J-10, J-11B và FC-1. Tất cả 3 loại máy bay trên đều sử dụng động cơ do Nga chế tạo, cụ thể J-10 sử dụng động cơ AL-31FN, FC-1 sử dụng động cơ RD-93 còn J-11B sử dụng một biến thể của động cơ AL-31F.
|
Trung Quốc vẫn tiếp tục phải dựa vào động cơ hàng không Nga.
|
Ngoài ra, máy bay ném bom tầm xa H-6K của Trung Quốc cũng đang sử dụng động cơ D-30KP2 của Nga. Đồng thời động cơ này còn được lắp đặt trên máy bay vận tải hạng nặng Y-20 do Trung Quốc tự chế tạo.
Năm 2009 và 2011, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 239 chiếc động cơ D-30KP2 của Nga, hiện vẫn trong quá trình giao hàng.
Bên cạnh đó, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc bao gồm J-20 và J-31 đều trong quá trình thử nghiệm bay, và nước này cũng bày tỏ ý định mua động cơ 117S của Nga.
Trong thời gian tới, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quân sự, trong đó bao gồm các hợp đồng lớn như:
- Hợp đồng xuất khẩu 24 tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35: Bản ghi nhớ đã được ký kết cách đây 2 năm, đang trong quá trình thảo luận chi tiết hợp đồng.
Theo đó, dự kiến cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014 sẽ đi tới ký kết. Trong đó hợp đồng này chỉ nhấn mạnh tới việc bán Su-35, không bao gồm việc chuyển giao công nghệ.
|
Trung Quốc chắc chắn mua được 24 tiêm kích Su-35.
|
Ngoài ra, phía Trung Quốc yêu cầu Nga giúp đỡ nước này xây dựng trung tâm bảo dưỡng chuyên phục vụ bảo dưỡng cho Su-35 tại nội địa. Trung tâm này sẽ do các chuyên gia Trung Quốc vận hành. Mặc dù số lượng trao đổi không nhiều, nhưng Su-35 với tính năng ưu việt cùng với hệ thống thông tin vô tuyến điện mới sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng giám sát trên biển.
- Hợp đồng xuất khẩu hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc: Hai nước đang tiến hành đàm phán về thương vụ trên, tuy nhiên thời gian giao nhận hàng vẫn chưa được tiết lộ cụ thể.
|
Trung Quốc muốn có S-400 để lấy công nghệ nâng cấp HQ-9.
|
Lý do căn bản Trung Quốc mua S-400 là vì muốn tiếp cận công nghệ tân tiến của Nga, đặc biệt là công nghệ động cơ dành cho tên lửa đất đối không tầm xa, nhằm nâng cấp tên lửa HQ-9A của nước này. HQ-9A hiện chỉ có tầm bắn 125 km và cần phải có động cơ thế hệ mới nếu muốn mở rộng tầm bắn lên hơn 200 km.
Nếu sở hữu S-400, Trung Quốc có thể khống chế hoàn toàn không phận Đài Loan. Hiện tại, các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và S-300 chỉ có thể kiểm soát một phần nhỏ phía đông bắc Đài Loan.
- Hợp đồng xuất khẩu 34 chiếc máy bay vận tải quân sự hạng nặng Il-476: do máy bay Y-20 của Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển quân sự chiến lược của nước này. Thời gian giao hàng sẽ trong khoảng năm 2013- 2015. Một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định nước này cần có thêm khoảng 100 máy bay vận tải hạng nặng.
|
Trung Quốc muốn mua 34 vận tải cơ hạng nặng Il-476.
|
|
Tàu ngầm phi hạt nhân tấn công Amur 1650.
|
- Hợp đồng xuất khẩu và chuyển giao công nghệ tàu ngầm phi hạt nhân Amur 1650 (biến thể xuất khẩu của tàu ngầm Project 677 cải tiến từ tàu ngầm Project 636): Hiện, hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ và tiến hành soạn thảo hợp đồng. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền các đảo với Nhật Bản ngày càng gia tăng, Trung Quốc đang cần những chiếc tàu ngầm để có thể bảo vệ biên giới biển của nước này.
Hoàng Anh