“Ăn miếng, trả miếng”
Trong tháng 3-4/1972, các cuộc tấn công mạnh mẽ và rất thành công của các Lực lượng vũ trang Việt Nam đã bắt đầu ở miền Nam. Cố gắng ngăn chặn sự thất bại quân sự hoàn toàn của chính phủ Sài Gòn và gây sức ép lên quá trình đàm phán ở Paris, người Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc.
Mùa Xuân năm 1972, Mỹ sau khi tăng lực lượng không quân đến 1.000 máy bay chiến đấu, đã tiến hành chiến dịch không quân quy mô lớn Freedom Train (9/4-7/5), trong chiến dịch, tổng cộng đã có gần 40 trận ném bom mạnh được lập kế hoạch đánh vào các đường giao thông và sân bay của Bắc Việt Nam, làm giảm đáng kể đụng độ giữa F-4 Phantom và MiG-21.
|
Tiêm kích đánh chặn MiG-21bis của Không quân Nhân dân Việt Nam.
|
Ngày 16/4, hai chiếc MiG-21MF chấp nhận trận chiến đấu với 12 chiếc F-4 Phantom, và cả hai máy bay Việt Nam đã bị bắn rơi.
Ngày 27/4, biên đội F-4 gặp 2 chiếc MiG-21 và trong trận chiến sau đó đã mất một máy bay.
Ngày 6/5, hai chiếc F-4 Phantom đã chặn hai chiếc tiêm kích MiG-21 định tấn công các máy bay ném bom A-7, một chiếc MiG bị bắn rơi.
Cũng ngày hôm đó, biên đội F-4 vào trận chiến đấu với 4 chiếc MiG-21, trong trận này đã có 6 quả tên lửa được phóng vào một chiếc MiG, song phi công Việt Nam kinh nghiệm đã tránh được chúng. Loạt 3 quả tên lửa Mỹ tiếp theo MiG-21 bị dính đạn, nhưng phi công đã nhảy dù an toàn.
Ngày 8/5, người Mỹ bắt đầu chiến dịch đường không Linebacker, kéo dài đến 23/10. Đỉnh cao của trận chiến trên không mùa xuân năm 1972 là ngày 10/5, khi không quân Việt Nam đã thực hiện 64 lần xuất kích, tiến hành 15 trận không chiến, trong đó đã bắn rơi 7 F-4 Phantom. Máy bay Mỹ, về phần mình, đã hạ được 2 MiG-21, 2 MiG-17 và một J-6.
Trong một trận không chiến ngày 10/5, biên đội MiG-17 cất cánh theo báo động giải vây cho sân bay bên cạnh. Các máy bay MiG bí mật, bay ở độ cao tối thiểu đã tiến đến mục tiêu và ngay trong đợt tấn công đầu tiên đã hạ một F-4 Phantom. Cặp thứ hai của biên đội bị hút vào trận không chiến cơ động với 4 chiếc F-4, kết quả một chiếc MiG bị hạ. Tuy nhiên việc kéo các máy bay F-4 Phantom vào trận không chiến quần đảo đã tạo điều kiện cho hai phi công MiG-21 Việt Nam cất cánh từ sân bay bị phong toả, từ độ cao 2km hai chiếc MiG-21 đã tấn công 2 chiếc F-4 và bắn rơi cả 2 chỉ bằng 2 quả tên lửa R-3s.
Ngày 11/5, hai chiếc MiG-21 làm nhiệm vụ “nhử mồi” đã đưa 4 chiếc F-4 cho 2 chiếc MiG-21 đang bay tuần tiễu ở độ cao thấp. Các máy bay này lập tức nhanh chóng tấn công các F-4 Phantom và bằng 3 quả tên lửa đã bắn rơi 2 chiếc máy bay địch.
|
Cuộc chiến nửa năm đầu 1972 diễn ra hết sức khốc liệt, F-4 Mỹ bắn hạ không ít MiG-21 của ta trong tháng 4, nhưng sau đó chũng cũng chịu thiệt hại lớn trong tháng 5.
|
Ngày 13/5, biên đội MiG-21 đã đánh chặn một tốp F-4 Phantom. Xông vào đội hình chiến đấu của Mỹ, 2 chiếc tiêm kích Việt Nam làm cho địch hoảng loạn: “các máy bay F-4 Phantom phá vỡ đội hình và cơ động lộn xộn. Đúng lúc đó cặp MiG thứ hai đã tấn công bằng tên lửa và bắn rơi 2 chiếc F-4”.
Ngày 18/5, Không quân Việt Nam đã xuất kích 26 lần và tiến hành 8 trận không chiến, khiến Mỹ mất 4 F-4 Phantom. Ngày hôm đó các máy bay tiêm kích Việt Nam đã không bị tổn thất.
Mùa Hè năm 1972, nhịp độ các trận không chiến giảm đi, các cuộc đụng độ trên không trở thành ngẫu nhiên, không thường xuyên. Ví dụ, ngày 12/6, biên đội F-4 đã có trận đánh với hai MiG-21 và bị rơi một chiếc F-4. Ngày hôm sau đã có hai trận không chiến, Mỹ đã mất hai chiếc F-4 (phía Việt Nam không có tổn thất).
Kết quả của “cuộc tấn công đường không” do Mỹ tiến hành mùa Xuân và Hè năm 1972, đến mùa thu trên chiến trường chỉ có 187 máy bay tiêm kích của Việt Nam (MiG-17, MiG-21 và J– 6) chống lại 360 máy bay tiêm kích chiến thuật của Không quân Mỹ và 96 máy bay tiêm kích của Hải quân, phần lớn trong đó là F-4 Phantom thuộc các biến thể hiện đại nhất. Cần nhớ là trong số máy bay của Việt Nam chỉ có 71 chiếc (trong đó có 31 MiG-21) là có thể chiến đấu được.
Cuộc đọ sức cuối cùng
Tháng 12/1972, người Mỹ đã thực hiện chiến dịch quy mô cuối cùng Linebacker 2 nhằm giành lợi thế trong đàm phán ở Paris. Trong chiến dịch này Mỹ định tiếp tục phá huỷ cơ sở hạ tầng của Bắc Việt Nam và đánh hỏng các mục tiêu quân sự bằng các đòn đánh tập trung từ trên không có sử dụng số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược Boeing B-52.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho một đòn đánh mạnh như Linebacker-2 không thể thực hiện bí mật được, và điều này đã cho phép phía Việt Nam chuẩn bị biện pháp chống lại. Điều bất ngờ với người Mỹ là việc sử dụng MiG-21 từ các đường cất cánh được nguỵ trang, máy bay MiG được trực thăng hạng nặng Mi-6 cẩu đến đó và cất cánh có sử dụng thuốc phóng tăng tốc.
|
Trực thăng hạng nặng Mi-6 cẩu MiG-21 đi sơ tán.
|
Trong 12 ngày đêm của Linebacker 2 (từ 18-29/12) trong 8 trận không chiến đã có 7 máy bay Mỹ bị bắn rơi (trong đó có 4 F-4 Phantom) và Việt Nam mất 3 MiG-21. Trong các trận này MiG-21 cố ý không để bị cuốn vào quần đảo, mà sau khi đánh chặn ở tốc độ vượt âm (bất kể kết quả ra sao) nhanh chóng thoát khỏi khu vực chiến đấu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp dẫu sao cũng bị buộc phải quần đảo, máy bay tiêm kích MiG-21 vẫn giữ được ưu thế đối với các F-4E và F-4J đã cải tiến ở độ cao trung bình, chỉ bị mất đi ưu thế này ở độ cao thấp gần mặt đất.
Theo đó, ngày 22/12, đã có 2 chiếc MiG-21 xuất kích đánh chặn máy bay Mỹ, một chiếc bị F-4 bắn rơi. Ngày 23/12, có 4 chiếc MiG xuất kích, bắn rơi một F-4. Ngày 27/12, không quân tiêm kích Việt Nam lại chiến đấu với các máy bay Mỹ, tiêu diệt 2 F-4 Phantom.
Ngày 28/12, từ sân bay Nội Bài, biên đội 2 MiG-21 trực chiến cất cánh đánh chặn một tốp máy bay Mỹ do radar mặt đất phát hiện. Trong lúc tiếp cận máy bay địch khi đang ở độ cao thấp (300m) và được dẫn đường từ mặt đất, 2 phút sau khi cất cánh các phi công Việt Nam đã tăng tốc và chiếm lĩnh độ cao. Khi bay vòng sau đó để xếp lại đội hình, chiếc số 2 phát hiện biên đội F-4 Phantom ở cự ly gần 8km bằng mắt thường và xin số 1 tấn công. Máy bay Mỹ đã chậm phát hiện ra sự xuất hiện của đối phương và không kịp bắt đầu cơ động đối phó, kết quả một F-4 bị tên lửa bắn rơi.
Sau khi tấn công xong số 2 bắt đầu bám theo số 1, đúng lúc đó chỉ huy cặp máy bay Việt Nam phát hiện ra 2 F-4 Phantom nữa. Bằng một động tác mạnh mẽ anh đã phá vỡ đội hình chiến đấu của bọn Mỹ và “cắt” số 2 của mình mà lúc đó anh không nhìn thấy được khỏi sự bám đuổi của bọn Mỹ. Bắt đầu hai trận đánh quần đảo riêng biệt. Chiếc MiG số 1 đã cắt được F-4 khi bổ nhào nhanh xuống thấp, còn số 2 quay vòng trong quần đảo đã bắn trúng một F-4 nữa, song khi định thoát ra khỏi trận đánh thì máy bay của anh bị trúng mảnh tên lửa Mỹ nổ cách thân máy bay mấy mét. Phi công Việt Nam đã nhảy dù thành công.
|
Những phi công MiG-21 tài ba của Không quân Nhân dân Việt Nam.
|
Trong các chuyến bay của máy bay ném bom hạng nặng B-52 vào Hà Nội đã mấy lần F-4 làm mục tiêu giả: biên đội F-4 đã quen bay với nhau bay theo đội hình dày đặc. Căn cứ vào tín hiệu radar của Việt Nam, chuyến bay là một mục tiêu lớn loại “may bay ném bom”. Trong lúc các máy bay đánh chặn được dẫn đường đến B-52 giả, mục tiêu bỗng biến mất trong không khí, chia thành 4 chiếc máy bay công kích lại các tiêm kích Việt Nam.
Tổng cộng năm 1972, giữa các máy bay Mỹ và Việt Nam đã có 201 trận không chiến, trong đó phía Việt Nam mất 54 (gồm 36 MiG-21, một MiG-21US) và Mỹ mất 90 chiếc (trong đó có 74 tiêm kích F-4 và 2 máy bay trinh sát RF-4C).
Chiến thắng cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam (theo số liệu của Mỹ là thứ 197) do F-4 giành được ngày 12/1/1973. F-4J (chỉ huy– trung uý Victor Kovaleski) cất cánh từ tàu sân bay Midway bằng tên lửa Sidewinder đã bắn rơi máy bay tiêm kích MiG-17. Thật trớ trêu, F-4J của Victor Kovaleski cũng là chiếc F-4 Phantom cuối cùng bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam 2 ngày sau (phi công và hoa tiêu đã nhảy dù thoát chết).
Ngày 27/1/1973, Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, thực tế thừa nhận thất bại của mình trong cuộc chiến tranh này.
|
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc bắn hạ 9 máy bay Mỹ.
|
Chiến tranh tạo ra các anh hùng của mình. Kíp lái F-4 Phantom có kết quả hơn cả ở Việt Nam là phi công C. Ritchie và hoa tiêu Bellevue bắn rơi 5 chiếc MiG (ngoài ra , Belweu còn bắn rơi một chiếc nữa với phi công khác). Người giữ kỷ lục đặc biệt trong số phi công Việt Nam là phi công Nguyễn Văn Cốc, ông đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ với tiêm kích MiG-21.
Phải thừa nhận rằng cuộc đấu giữa MiG với F-4 Phantom trên bầu trời Việt Nam về tổng thể kết thúc với thất bại của máy bay Mỹ: Máy bay tiêm kích F-4 trong suốt thời gian chiến sự từ 1966 đến 1972 đã bắn rơi được 54 máy bay MiG-21, cũng trong giai đoạn này “21” đã tiêu diệt 103 F-4 Phantom. Ngoài ra, việc mất một máy bay Mỹ, thông thường, dẫn đến thương vong hay bị bắt làm tù binh hai thành viên kíp lái. Thêm vào đó, F-4 Phantom gây tổn hại cho những người đóng thuế Mỹ số tiền lớn hơn giá MiG-21 mấy lần.
Mỹ sai lầm trong cách dùng F-4?
Về tổng thể máy bay F-4 đã phải thực hiện ở Việt Nam những nhiệm vụ không thích hợp với chúng. Nó được chế tạo là máy bay đánh chặn hạng nặng, có nhiệm vụ bảo vệ các binh đoàn tàu sân bay xung kích chống tấn công của các máy bay ném bom có tốc độ cao và các tên lửa có cánh chống tàu, nhưng F-4 Phantom được sử dụng trong trận đấu giành ưu thế trên không với máy bay MiG-21 thích hợp hơn với nhiệm vụ này.
Vì vậy, thất bại của người Mỹ được giải thích không phải là vì sai lầm của các nhà thiết kế của hãng McDonnell– Douglas, những người đã tạo ra máy bay chiến đấu xuất sắc cho thời gian đó, mà là vì Mỹ thiếu máy bay tiêm kích chuyên dụng hạng nhẹ cho không chiến có khả năng ngang ngửa đối chọi với MiG-21. Bất kể là Không quân Mỹ đã có các máy bay tiêm kích Conver F-102 và F-106, Lockheed F-104 và Northrop F-5, nhưng những máy bay này thật sự kém MiG-21 và cả F-4 về nhiều tính năng và đã không được dùng cho các trận không chiến trên bầu trời Việt Nam.
|
Những chiếc F-4 được thiết kế để tấn công máy bay ném bom tốc độ cao nhưng lại được dùng cho cuộc chiến chiếm ưu thế trên không với MiG-21 phù hơn hơn với nhiệm vụ này.
|
Máy bay tiêm kích hạm siêu âm hạng nhẹ F-8 Crusader mà thoạt đầu người Mỹ đặt nhiều hi vọng (đầu cuộc chiến tranh tỷ lệ những máy bay này và F-4B trên các tàu sân bay Mỹ triển khai ở Vịnh Bắc Bộ là xấp xỉ nhau) cũng không đáp ứng các mong đợi, thua kém MiG-21 về các tính năng bay chủ yếu.
Tuy nhiên, trong vai trò máy bay cường kích chiến thuật F-4 đã tỏ ra rất tốt. F-4 Phantom được sử dụng nhiều để đánh vào các mục tiêu đặc biệt quan trọng (cầu, nhà máy điện) và giao thông đường sắt của đối phương. Để thực hiện các nhiệm vụ này, thông thường, máy bay được trang bị bom và rocket (cỡ 70-127mm) không điều khiển. Từ tháng 4/1965, trên các tuyến đường bộ và đường sắt của Việt Nam đã áp dụng chiến thuật “săn tự do” của các cặp hoặc biên đội F-4. Các máy bay liên tục trà sát đường giao thông của đối phương, nhiều nơi đã làm tê liệt hoàn toàn vận chuyển lúc trời sáng.
Kinh nghiệm của chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng to lớn đến chế tạo máy bay quân sự cả ở Mỹ, cả ở Liên Xô. Người Mỹ đã đáp trả thất bại của F-4 Phantom trong các trận không chiến bằng cách tạo ra các máy bay tiêm kích cơ động cao thế hệ thứ 4 F-15, F-16, mục tiêu là phải vượt qua MiG-21 trong chiến đấu cơ động tầm gần (ảnh hưởng của MiG lên giới quân sự Mỹ lớn tới mức khi xác định hình thù của tiêm kích hạng nặng F-15 ở cấp khá cao, đã có đề nghị nói chung bỏ tên lửa tầm trung AIM-7 Sparrow và radar lắp trên máy bay để tập trung nỗ lực tăng các tính năng cơ động).
|
Thiết kế tiêm kích F-15, F-16 thành công của Mỹ sau này được rút ra từ kinh nghiệm thất bại của F-4 trước MiG-21.
|
Trong khi đó “tên lính vạn năng” F-4 lại có ảnh hưởng lên suy nghĩ của các nhà lý luận hàng không Nga, điều đã thể hiện trong các biến thể của máy bay tiêm kích thế hệ thứ 3.
Tuy nhiên, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, sự đối đầu của MiG và F-4 Phantom trên bầu trời đã không dừng lại. MiG-21 và F-4 đã chạm trán nhau trong các trận không chiến trên kênh đào Suez, trên bầu trời bán đảo Sinai, trên lưu vực sông Nil và Syria năm 1973, ở Lebanon cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, trong những năm chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988).
Nguyễn Vũ