Hiện tại, dự án phát triển các mẫu máy bay này đều hứa hẹn sẽ cho ra đời máy bay ném bom hiện đại và có chi phí thấp hơn những loại hiện tại.
Những yếu tố và khả năng mà lực lượng không quân các nước đều muốn có ở mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới là tính tàng hình vượt trội cũng như hỏa lực. Và đặc biệt ở mẫu máy bay mới là chúng có thể được sử dụng như một loại UAV.
Hiện tại, các máy bay ném bom tấn công tầm xa nằm trong lực lượng Không quân của Nga và Mỹ tuy đã sử dụng lâu nhưng độ bền cũng như khả năng thực hiện nhiệm vụ tác chiến trong tương lai gần vẫn được đảm bảo.Nhưng cả 2 nước này đều vẫn “bật đèn xanh” cho các chương trình phát triển các máy bay ném bom tấn công tầm xa. Mặc dù các dự án mới này đều không cải thiện được an ninh quốc gia và là gánh nặng cho ngân sách quốc phòng của họ.
Bước tiến của Không quân Nga
Không quân Nga đã thông qua việc phát triển máy bay ném bom chiến lược mới được định danh tạm là PAK-DA. Mục tiêu nhằm thay thế các phi đội máy bay ném bom chiếc lược già nua của mình bao gồm 63 chiếc Tupolev Tu-95MS và 13 Tu-160 Blackjack trong vòng 10 năm tới.
|
Việc duy trì máy bay ném bom chiến lược Tu-160 với Nga ngày càng khó khăn vì vấn đề linh kiện, phụ tùng.
|
Điều đáng chú ý là, hiện nay các hệ thống tên lửa chiến lược đều đạt tới tốc độ trên mức siêu âm (tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh), thì máy bay ném bom mới của Không quân Nga đang được phát triển chỉ mới đạt được vận tốc cận âm.
Vì vậy, khi những chiếc PAK-DA đi vào phục vụ trong lực lượng Không quân Nga vào năm 2020 nó sẽ thay thế các máy bay được thiết kế 50-70 năm trước đây, nhưng tốc độ của những chiếc máy bay mới lại chậm hơn một số chiếc máy bay được cho nghỉ hưu điển hình như chiếc Tu-160.
Học thuyết tác chiến trên không của Không quân Nga hiện tại đều không có sự thay đổi. Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160 được thiết kế để cất cánh từ các căn cứ nằm sâu bên trong nước Nga và khởi động các tên lửa hành trình Kh-102 với tầm bắn 3.000km. Loại tên lửa này có thể tấn công vào mục tiêu nằm bên trong nước Mỹ, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các máy bay này.
|
Dự án PAK-DA một phần là nhằm thay thế máy bay ném bom cũ, phần khác có lẽ là để chạy đua với máy bay ném bom Mỹ.
|
Máy bay ném bom mới, dự kiến sẽ tiêu tốn hàng tỉ rúp ngân sách quốc phòng của Nga dù nó chỉ có vai trò tương tự như máy bay ném bom cũ. Sự cải thiện duy nhất hiện nay mà những chiếc máy bay này mang lại là khả năng tàng hình của chúng, hiệu quả của việc trang bị công nghệ tàng hình lên những chiếc PAK-DA hiện tại vẫn chưa được chứng minh rõ ràng và liệu chúng có thể có khả năng thoát khỏi hệ thống radar của các nước thù địch hay không?
Giấc mơ của người Mỹ
Hai gã khổng lồ trong nghành hàng không vũ trụ Mỹ là Boeing và Lockheed Martin đã thông báo trong tháng 10 năm nay, họ sẽ hợp tác trong việc phát triển một mẫu máy bay ném bom tấn công tầm xa mới (LRS-B) dành cho lực lượng Không quân Mỹ.
Tình hình hiện tại, không quân nước này đang tính tới việc thay thế 160 máy bay ném bom đã gần hết niên hạn sử dụng bao gồm: 76 chiếc B-52 Stratofortresses; 63 chiếc B-1B Lancer, và 20 máy bay tàng hình B-2 Spirit. Không quân Mỹ cho biết chi phí của mỗi máy bay mới ước tính khoảng 550 triệu USD và tổng giá trị của 100 máy bay sẽ là 55 tỷ USD.
|
Tương tự Nga, Không quân Mỹ đang muốn thay thế các máy bay B-52, B-1B già nua theo thời gian dù chúng vẫn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
|
Nhưng với nhà thầu chính là Tập đoàn Lockheed Martin thì số tiền cho mỗi chiếc LRS-B mới có thể vượt xa con số mà Không quân Mỹ đã đặt ra. Năm 1996, khi tập đoàn này thực hiện các hợp đồng máy bay ném bom mới cho Không quân Mỹ, chi phí dự kiến của mỗi máy bay là khoảng 65 triệu USD, nhưng cuối cùng đã tăng lên tới con số khoảng 200 triệu USD mỗi máy bay. Vì vậy khó có thể nói chính xác được rằng người Mỹ sẽ bỏ ra chính xác bao nhiêu tiền cho những chiếc LRSB mới .
Tuy mối đe dọa từ Liên Xô không còn nữa, nhưng nước Mỹ ngày nay đang bị thách thức bởi các lực lượng quân sự mới nổi điển hình là Trung Quốc. Mặc dù lực lượng quân sự của quốc gia Châu Á này còn lâu mới có thể sánh bằng với nước Mỹ, nhưng Trung Quốc là mối đe dọa thật sự đối với tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á.
|
Máy bay ném bom tương lai không chỉ dùng để thay thế B-52, B-1B, B-2 mà còn duy trì ưu thế của nước Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
|
Theo quan điểm của Lầu Năm Góc thì không quân nước này phải đảm bảo rằng không có bất kỳ tàu chiến nào của Trung Quốc đang hoạt động trên biển mà không chịu sự giám sát bởi Không quân Mỹ. Và Mỹ phải tiếp tục duy trì khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên toàn thế giới từ trên không .
Khả năng tấn công tầm xa là trung tâm của học thuyết quân sự của Mỹ, trong đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa 2 lực lượng không quân và lính thủy đánh bộ trên chiến trường.
Trà Khánh