Theo tờ SCMP, trong kế hoạch phòng thủ năm 2014, Mỹ dự kiến sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD trên đảo Guam. Với kế hoạch này, các binh sỹ Mỹ đang đồn trú trên đảo Okinawa của Nhật Bản sẽ bị cắt giảm. Một số binh sỹ ở căn cứ không quân Futenma sẽ được điều chuyển đến một căn cứ khác thuộc khu vực phía bắc của Okinawa, một số sẽ được phân bổ cho Guam, Hàn Quốc và Australia.
Trong bản báo cáo về kế hoạch phòng thủ của Mỹ cũng cho biết, Uỷ ban an ninh quốc gia thừa nhận tầm quan trọng chiến lược của việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD tại Guam và các cơ sở quân sự ở Guam.
|
Đạn tên lửa THAAD có tầm phóng 200km, đánh chặn tên lửa ở độ cao tối đa 25km.
|
Uỷ ban này khẳng định, Mỹ cần thiết phải tăng cường bảo vệ Guam trước những mối đe dọa bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo cả đối phương. Đồng thời nhấn mạnh, chính quyền Mỹ sẽ tiến hành đối thoại song phương với Nhật Bản để thực hiện kế hoạch này.
Trong quá khứ, Mỹ đã triển khai các tên lửa đánh chặn Patriot và THAAD kết hợp với các tàu chiến ở Guam. Các chuyên gia quân sự tại đảo Guam cũng đã đề nghị chính quyền ở Guam cần triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa thường trực để đối phó với những đe dọa nguy cơ từ phía Triều Tiên.
Tuy nhiên, một giáo sư thuộc trường đại học ở Nhật Bản phân tích, việc Mỹ có kế hoạch triển khai THAAD ở Guam chủ yếu đề đối phó với tên lửa của Trung Quốc.
“Triều Tiên có công nghệ tên lửa tiên tiến nhưng nước này đang phải đối mặt với tình hình chính trị không ổn định. Còn Trung Quốc đã phát triển khả năng tên lửa riêng của mình, do vậy Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa đầu tiên. Các tên lửa sẽ nhằm vào bất kỳ mục tiêu đe dọa nào của Trung Quốc trong tương lai”, vị chuyên gia này bình luận.
|
"Trái tim" THAAD - radar mạng pha tầm xa AN/TPY-2.
|
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối, được thiết kế và phát triển bởi Tập đoàn Lockheed Martin.
Hệ thống này được phát triển nhằm đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, THAAD cũng hạn chế được sức mạnh tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Mỗi khẩu đội THAAD sẽ bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa, mỗi xe có 8 ống phóng; radar mạng pha AN/TPY-2 có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km; cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC.
Hệ thống đánh chặn THAAD được trang bị công nghệ “hit-to-kill” (có nghĩa là truy đuổi - tiêu diệt) tương tự công nghệ được ứng dụng trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Đạn tên lửa có chiều dài 6,17m, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector, có khả năng đánh chặn mục tiêu trong vùng bán kính 150-200km, tầm cao 25km.
Ánh Dương