Tạm dừng nhắc đến các tàu chiến Mỹ, hãy đến với một cái tên Ấn Độ - tàu khu trục tên lửa INS Kolkata. Với 16 tên lửa hành trình diệt hạm Brahmos và 32 tên lửa phòng không Barak-8, INS Kolkata là một trong những tàu chiến mạnh của Ấn Độ.
Đặc biệt, cần lưu ý tới tên lửa phòng không Barak-8, đây là loại tên lửa được Isarel trang bị cho các tàu chiến để chống lại tên lửa Yakhont (nguyên mẫu gần với BrahMos). Các tàu chiến Isarel chỉ mang các tên lửa phòng không tầm ngắn, và cũng rất thiếu các hệ thống radar hiện đại chuyên dùng để đối phó với tên lửa diệt hạm siêu âm như Yakhont. Trong hoàn cảnh đó, rất cần một loại tên lửa phòng không có khả năng cơ động cao, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, và có kích thước vừa phải. Câu trả lời chính là Barak-8, có tin cho hay Ấn Độ đã sử dụng những dữ liệu bí mật về tên lửa diệt hạm Brahmos để thiết kế loại tên lửa phòng không này.
|
Tên lửa BrahMos: tốc độ, sức mạnh, chính xác.
|
Với tầm bắn tối đa là 70km, và tối thiểu chỉ 300m, Barak-8 là sự kết hợp giữa tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Barak được kết hợp với các radar MF-STAR có khả năng phát hiện tên lửa bay sát mặt biển ở cự li 30-35km. Có những tuyên bố cho rằng chỉ cần một đạn Barak-8 duy nhất để đánh chặn tên lửa Brahmos ở cự li cách tàu 500m. Một trong những cơ sở cho tuyên bố này là bởi Barak-8 có độ chính xác rất cao, với đầu dò radar chủ động cho phép tên lửa chủ động tìm mục tiêu mà không cần tàu mẹ dẫn đường hay hiệu chỉnh pha giữa đường bay.
Radar MF-STAR có thể dẫn đường cho 24 tên lửa Barak-8 tiêu diệt 12 mục tiêu cùng lúc. Như vậy INS Kolkata có thể trụ vững trước 12 tên lửa Brahmos. Thật hài hước khi Hải quân Ấn Độ trang bị cả “thuốc độc” Brahmos và “thuốc giải” Barak-8 trên cùng một con tàu.
|
Tàu INS Kolkata chỉ chống được 12 tên lửa Brahmos, trong khi bản thân mang đến 16 tên lửa |
Như vậy, xét về khả năng phòng ngự chống tên lửa, các tàu Kolkata tương đương với Arleigh Burke. Dù rằng, Kolkata chỉ mang theo 32 tên lửa phòng không, còn với Arleigh Burke là 96 tên lửa (có thể tăng lên đến trên 192 tên lửa nhờ các cụm bốn đạn ESSM). Tuy nhiên, Arleigh Burke có lượng giãn nước lớn và có thể chịu đựng được các cuộc tấn công ở mức độ nhất định. Nếu kết hợp với hệ thống cảnh báo sớm (AEW) thì Arleigh Burke có thể phát hiện được mục tiêu ở cự li khoảng 200km, trong khi Kolkata thì không thể.
Tên lửa phòng không tầm ngắn (phòng thủ điểm)
Nếu cần dùng đến tên lửa phòng không tầm ngắn thì có nghĩa là nguy hiểm đã cận kề. Tên lửa diệt hạm đã vượt qua những lá chắn tầm trung - xa và đe dọa trực tiếp đến con tàu. Với những tên lửa diệt hạm cận âm, con tàu có chừng 20-30 giây để phản ứng bằng tên lửa tầm ngắn. Còn nếu đó là tên lửa diệt hạm siêu âm, thì chúng sẽ chỉ mất 5-10 giây để đi hết quãng đường 10-15km (tầm bắn của tên lửa tầm ngắn). Đó chính là 5-10 giây sinh tử với vận mệnh thủy thủ đoàn.
Thường thì một loạt 8-12 tên lửa tầm ngắn sẽ được tung ra để đánh chặn 2-3 tên lửa diệt hạm đang bay đến. Cần nhớ rằng lúc này khoảng cách đã rất gần, chỉ cần để sót một tên lửa là đủ để hủy diệt con tàu.
Các hệ thống tên lửa tầm ngắn phổ biến là RAM (Mỹ), Barak-1 (Israel), Crotale (Pháp)… Nhưng các hệ thống này chỉ hiệu quả khi là thành phần của một hệ thống phòng không nhiều tầng. Nghĩa là chúng chỉ được thiết kế cho việc đối phó với 1 đến 2 tên lửa hành trình Brahmos. Đây là nhiệm vụ tương đối đơn giản cho các hệ thống như RAM của Mỹ hay Barak-1 Israel. Còn nếu như bị 3 tên lửa tấn công cùng lúc, thì thủy thủ đoàn chỉ còn biết nhắm mắt cầu nguyện. Bởi tầm bắn 10km của các hệ thống này là khá hạn chế.
Pháo cao tốc chống tên lửa diệt hạm
Pháo cao tốc được trang bị rất phổ biến trên các tàu hải quân hiện nay, bởi khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự li ngắn. Các tàu hải quân thường được bảo vệ bằng hệ thống vũ khí tầm cực gần (CIWS), trong đó sử dụng các pháo có tốc độ bắn cực cao kết hợp với các tên lửa tầm ngắn.
Hiện nay, Hải quân Mỹ đã triển khai hệ thống CIWS Phalanx trên tất cả các tàu khu trục của mình. Đây là một hệ thống khép kín, với các radar tìm kiếm, theo dõi mục tiêu và các pháo 6 nòng 20mm. Tầm bắn tối đa của Phalanx là 3km, và tầm bắn hiệu quả với các tên lửa hành trình bay thấp là 1,5km. Nếu chỉ có một tên lửa Brahmos duy nhất vượt qua được các lớp phòng thủ vòng ngoài, nó sẽ bị những lưới lửa đạn 20mm uranium nghèo băm nhỏ một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, nếu tính toán chi tiết thì mọi việc không đơn giản như vậy, tốc độ bắn của Phalanx là 3.000 phát/phút, hay 50 phát/giây, tầm bắn hiệu quả là 1,5km. Và nếu như tên lửa lại gần tàu ở khoảng cách dưới 500m, mảnh vỡ của nó sẽ bay theo quán tính gây thiệt hại cho tàu. Như vậy, thời gian phản ứng của Phalanx chỉ là 1 giây, khi tên lửa bay hết quãng đường 1km, Phalanx sẽ cần nửa giây để đạt tốc độ bắn tối đa. Và như vậy chỉ có 40 phát đạn được bắn ra trong 1 giây ngắn ngủi đó.
|
CIWS Phalanx gần như "vô dụng" trước Brahmos. |
Tên lửa hành trình Brahmos lại có đường bay thông minh khi tiếp cận tàu địch, khiến cho Phalanx hầu như không có cơ hội đánh chặn. Điều này buộc Hải quân Mỹ phải thay thế nó bằng hệ thống RAM trên các tàu chiến lớn hơn. Nhưng cần nhớ rằng trên các tàu Arleigh Burke không có RAM mà chỉ có một hệ thống Phalanx duy nhất. Các biến thể cũ hơn có hai hệ thống, song cũng không khác biệt nhiều. Phalanx chỉ thực sự hữu ích với những tên lửa diệt hạm có tốc độ Mach 1,5 trở xuống, còn với Brahmos, nó vô dụng.
Kết luận
Tên lửa hành trình diệt hạm Brahmos không phải là một tên lửa bất khả chiến bại. Nhưng nó đã gây ra nhiều mối lo cho phương Tây. Với một hệ thống phòng không hiện đại, nhiều tầng nhiều lớp và dĩ nhiên là rất đắt đỏ mới có thể bảo vệ được hạm tàu khỏi Brahmos. Còn nếu như chỉ là thuyền trưởng một con tàu nhỏ, tốt nhất là nên tránh xa những tàu chiến, máy bay mang Brahmos.
Thanh Hoa