Theo hãng thông tấn Sputnik dẫn lời chuyên gia nghiên cứu cao cấp Vasily Kashin thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Moscow cho biết, việc Trung Quốc đại tu và tái sử dụng tàu sân bay Varyag mua lại từ Ukraine có thể đã làm chậm chương trình phát triển tàu sân bay nội địa của nước này.
Ông Kashin cho rằng, lý do Trung Quốc chọn mua tàu sân bay Varyag của Ukraine là vì nước này từng là một phần của Liên Xô và cả hai nước đều sử dụng chung một hệ thống vũ khí. Trung Quốc tin rằng lợi thế trên sẽ giúp cho hải quân nước này dễ dàng tiếp nhận một tàu sân bay của Liên Xô hơn là sử dụng một tàu sân bay được thiết kế bởi Phương Tây.
|
Trung Quốc có thể đã có biên đội tàu sân bay sớm hơn nếu không mua tàu sân bay Varyag từ Ukraine.
|
Tuy nhiên, Kashin cũng cho biết Trung Quốc có thể đã có tàu sân bay đầu tiên của nước này sớm hơn nếu không mua tàu sân bay Varyag và thay vào đó mua các công nghệ cần thiết để phát triển một tàu sân bay hiện đại thông qua việc mua lại các tàu sân bay đã ngừng hoạt động từ Phương Tây.
Không phải Trung Quốc chưa từng nghĩ tới một kế hoạch như của Kashin, điển hình là việc nước này mua lại tàu sân bay HMAS Melbourne đã ngưng hoạt động của Hải quân Hoàng gia Australian vào năm 1985. Thay vì sử dụng con tàu này vào mục đích nghiên cứu công nghệ thì Trung Quốc lại xem nó như tàu phế thải.
Bắc Kinh cũng bỏ lỡ mất cơ hội thứ hai của mình trong việc lấy được công nghệ tàu sân bay của Phương Tây, khi Pháp quyết định bán tàu sân bay Foch cho Brazil vào năm 2000.
Trung Quốc cũng nên tìm kiếm sự trợ giúp từ Nga hơn là Ukraine, trong việc tiếp cận các công nghệ quân sự của Liên Xô, trong đó Cục thiết kế hàng hải Nevskoye có trụ sở tại St Petersburg là nơi Trung Quốc có thể tìm thấy thứ mà nước này cần, Kashin cho biết.
|
Các chuyên gia quân sự của Nga nhận định Trung Quốc mất nhiều hơn là được khi được vào sử dụng lại tàu sân bay Liêu Ninh.
|
Trang mạng quân sự Sina của Trung Quốc cũng nhận định rằng, tàu sân bay Liêu Ninh mà Hải quân Trung Quốc đưa vào hoạt động trong năm 2012 có hệ thống vận hành không đáng tin cậy.
Nhưng trang mạng này cũng cho biết, nếu Trung Quốc mua một tàu sân bay của Nga thì họ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khác. Một tàu sân bay của Nga sẽ có giá lớn rất nhiều nếu so với tàu sân bay Varyag của Ukraine, bên cạnh đó Trung Quốc cũng không thể xuất khẩu công nghệ tàu sân bay và các thiết bị có liên quan nếu không có sự đồng ý của Nga.
Thậm chí trang mạng Sina cũng khẳng định rằng, bất chấp những thách thức và khó khăn việc mua tàu sân bay Varyag từ Ukraine vẫn phù hợp hơn với lợi ích của Trung Quốc. Và việc tái sử dụng lại tàu sân bay Liêu Ninh sẽ giúp Trung Quốc tích lũy được kinh nghiệm cần thiết để thiết kế và phát triển tàu sân bay thứ hai của nước này vào năm 2020.
Tuấn Đặng